Chữ quốc ngữ hình thành đầu thế kỷ 17 và trải qua nhiều thế kỷ mới cơ bản hoàn thiện, có thể kể các giai đoạn chính: sáng tạo (phiên âm không dấu kể từ năm 1621, phiên âm có dấu từ năm 1632), truyền bá, hậu truyền bá và cải tiến (từ đầu thế kỷ 20), bây giờ tạm gọi là… hậu cải tiến. Mà ở nước Việt ta, “cải” (sửa đổi) nào cũng dễ gây “cãi” (tranh luận).
Khác biệt của chữ quốc ngữ phiên âm có dấu (bản kinh lạy Cha, năm 1632) so với ngày nay, dẫn theo tài liệu của nhà nghiên cứu Châu Yến Loan. |
1. Ai cũng biết các giáo sĩ châu Âu giữ vai trò lịch sử trong việc tạo ra chữ quốc ngữ. Nhưng khi mới tiếp xúc với tiếng Việt, chính họ cũng “sợ” phát âm đúng thanh điệu tiếng Việt.
Các nhà nghiên cứu đã dẫn tài liệu cho thấy, linh mục Cristophoro Borri đến Đàng Trong hồi năm 1618 đã thú nhận muốn hiểu và nói được tiếng Việt hoàn toàn phải học mất 4 năm. Ngay như linh mục Alexandre de Rhodes, người được xem là “cha đẻ” chữ quốc ngữ (một ý kiến khác nghiêng về linh mục Francisco de Pina), ông đến Thanh Chiêm từ năm 1624 để học tiếng Việt và không giấu nỗi thất vọng vì nghĩ rằng không bao giờ có thể học được. Linh mục A.D.Rhodes cũng “xin thú nhận” rằng khi vừa tới Đàng Trong, nghe người Việt nói chuyện với nhau, ông tưởng mình đang… nghe chim hót.
Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Thanh, điệu và dấu trong chữ quốc ngữ thậm chí còn hơn cả bão táp. Nên không quá khó hiểu trước “cơn bão” vừa nổi lên, khi có người đặt vấn đề cải cách chữ viết.
GS-TS. Nguyễn Văn Hiệp, với tư cách là Viện trưởng Viện ngôn ngữ học Việt Nam, đang gây chú ý lớn khi lên tiếng bác bỏ đề nghị cải cách chữ viết do PGS-TS. Bùi Hiền đưa ra. Dòng trạng thái “Cải cách chữ quốc ngữ, chuyện lẽ ra không nên bàn nữa” đăng tải ngày 1.9 trên tài khoản Facebook cá nhân của ông đã nhanh chóng được chia sẻ (share) hàng nghìn lượt.
Còn nhớ, chính GS-TS. Nguyễn Văn Hiệp đã “tiên đoán” về các cuộc tranh luận xung quanh chuyện cải cách chữ viết. Dịp hội thảo khoa học “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ” hồi cuối tháng 8.2016 tại TP.Hội An, nhiều người dành sự quan tâm theo dõi xem ai là “cha đẻ” của chữ quốc ngữ, cái nôi chữ quốc ngữ ở Thanh Chiêm (Quảng Nam) hay Nước Mặn (Quy Nhơn). Riêng chúng tôi thì chú ý tham luận của GS-TS. Nguyễn Văn Hiệp, khi ông nêu vấn đề vì sao chữ quốc ngữ thành công ở Việt Nam. Ông tự hỏi, và tự bình luận rằng đấy là “câu hỏi thật sự nghiêm túc” nếu đặt trong một so sánh với công cuộc Latin hóa không thành công đối với chữ viết ở Đài Loan.
2. Vậy các nhà nghiên cứu đã “cãi” gì về giai đoạn “hậu cải” đối với chữ quốc ngữ?
Nhắc lại, trong tham luận tại hội thảo về dinh trấn Thanh Chiêm, GS-TS. Nguyễn Văn Hiệp đã liệt kê 3 lý do để “không nên có bất kỳ cải tiến nào đối với chữ quốc ngữ”. Một, nếu đòi hỏi một cách máy móc (phải ghi đúng diện mạo ngữ âm của tiếng Việt hiện nay theo nguyên tắc có sự tương ứng 1 - 1 giữa âm và chữ) thì sẽ phải liên tục cải tiến chữ quốc ngữ, bởi lẽ ngữ âm của một ngôn ngữ luôn có xu hướng biến đổi trong khi chữ viết có xu hướng giữ nguyên hiện trạng. Hai, chữ quốc ngữ chứa những giá trị lịch sử, văn hóa. Ba, cái giá phải trả cho sự cải tiến quá lớn, có thể làm vô hiệu hóa kho văn liệu khổng lồ sau lịch sử phát triển chữ viết mấy trăm năm…
Vì thế, theo GS-TS. Nguyễn Văn Hiệp, tình cảm yêu quý dành cho chữ quốc ngữ “sẽ chống lại bất kỳ đề án nào về cải cách chữ quốc ngữ”. Vậy mà, PGS-TS. Bùi Hiền lại muốn cải cách.
Trên thực tế, chữ quốc ngữ vẫn chứa một số nhược điểm trong cách ghi âm, nên nhu cầu cải cách luôn đặt ra. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, đã có các mốc lớn về chỉnh sửa: Năm 1902 (thành lập Ủy ban cải cách chữ quốc ngữ, do Jean Nicholas Cheon đứng đầu), năm 1956 (Ủy ban Ngôn ngữ ở miền Nam đề nghị cải tiến), 1960 (hội thảo Cải tiến chữ quốc ngữ tổ chức ở miền Bắc), năm 1973 (lập Ủy ban Điển chế văn tự). Thêm một số hội thảo nữa, kéo dài đến năm 2015 - 2016… Nhưng cải cách, với chữ quốc ngữ, là một đòi hỏi khó nên khi PGS-TS. Bùi Hiền khởi sự cuộc tranh luận mới, nhiều chuyên gia ngôn ngữ lập tức bác bỏ.
Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thậm chí đã nhóm họp Hội đồng khoa học mở rộng để thảo luận, tổng hợp ý kiến sau khi có đề nghị cải cách của ông Bùi Hiền, làm cơ sở để tham mưu cho cơ quan quản lý cấp trên hồi tháng 1.2018. Đến cuối tháng 8, vấn đề lại được xới lên lần nữa trên các diễn đàn mạng. Thật trùng hợp, ngay lúc này đây, dư luận vẫn chưa ngưng tranh luận xung quanh cách đánh vần được cho là “lạ” của chương trình giáo dục thực nghiệm, vốn được áp dụng lần đầu tiên từ năm 1981.
Trở lại với đề xuất của ông Bùi Hiền. Xem ra nhà nghiên cứu này đang ở vào thế hạ phong khi một cơ quan có thẩm quyền như Viện Ngôn ngữ học chỉ ra hàng loạt điểm bất hợp lý. Xét riêng về mặt khoa học thôi, phương án đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS-TS. Bùi Hiền bị phê là “lộn xộn”, “chắp vá” với 7 điểm: mơ hồ, nhầm lẫn cơ bản về mặt ngôn ngữ học, không phân biệt được các khái niệm ngữ âm - âm vị học, không phân biệt được âm và chữ, không có sự hiểu biết về từ nguyên học và ngữ âm lịch sử tiếng Việt, đi ngược lại xu hướng chung của các nước sử dụng tự dạng Latin, đề xuất thêm tới 4 chữ cái mới, gây cho khăn cho người dân tộc thiểu số tiếp thu chữ quốc ngữ…
3. Thật khó tin khi một đề xuất khoa học lại bị phản ứng “vỗ mặt” như thế, như thể ý tưởng của những “nhà cải cách” như ông Bùi Hiền chẳng khác nào kiểu thừa giấy vẽ voi.
Lùi lại giai đoạn “phiên âm có dấu”, với bản kinh Lạy Cha năm 1632. Dù “có dấu”, chúng ta vẫn nhận thấy chữ quốc ngữ hồi đó quá khác biệt so với bây giờ. Nhưng để có được bản kinh như vậy, trước đó ngót 4 năm, linh mục Francisco de Pina đã rất vất vả dịch sang tiếng Việt cùng với một thanh niên giáo dân người Việt có tên đạo Phêrô, khởi đầu công cuộc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin. Để rồi, trải qua nhiều thế kỷ nữa, chữ quốc ngữ liên tục chỉnh sửa để hoàn thiện và được cộng đồng chấp nhận – một yếu tố cực kỳ quan trọng cho một sinh ngữ.
Vậy có cần thiết để mang chữ quốc ngữ ra “cải” thêm lần nữa, để rồi “cãi” liên tu bất tận một cách vô bổ?
HỨA XUYÊN HUỲNH