Ma túy trở thành nỗi ám ảnh ở nhiều địa phương, khi gia đình ly tán, xóm làng không còn bình yên, và rất nhiều mảnh đời sa vào lầm lỡ. Trong khi đó, hàng loạt thách thức trong cai nghiện bắt buộc đã tác động không nhỏ đến việc giảm thiểu tác hại của ma túy trong cộng đồng. Cơ chế phối hợp giữa các ban ngành, rõ ràng đã mở ra nhiều hy vọng cho việc nâng cao hiệu quả cai nghiện bắt buộc, song hành trình sắp đến vẫn còn lắm khó khăn…
Đoàn viên thanh niên xã Tiên Cảnh hướng dẫn thanh niên nghiện ma túy về các thủ tục cai nghiện, vay vốn làm ăn. Ảnh: XUÂN THỌ |
DẰNG DAI ÁM ẢNH
Ông Th. khoát tay, nói với chúng tôi rằng không có đứa cháu nội mới lên ba suốt ngày bám lấy gót, thì đời ông chắc chẳng còn chút ý nghĩa nào nữa. Căn nhà im ỉm đóng, niềm vui hiếm hoi sót lại là nụ cười cùng tiếng bi bô con trẻ mỗi cuối chiều. Còn lại, là những ám ảnh vẫn dằng dai suốt một đời, về ma túy…
Những cánh cửa khép
Nếu không có lời giới thiệu của anh Nguyễn Văn Đáng - Trưởng Công an xã Tiên Cảnh, chúng tôi hẳn đã không thể hình dung ngôi làng nằm giữa thung lũng đẹp như tranh này lại là một “thủ phủ” thu nhỏ của dân buôn ma túy. Một ngôi làng quá đẹp, với những ngõ đá rêu xanh, với con đường len giữa cánh đồng ngút mắt. Duy chỉ có những ánh mắt nhìn, lại đầy vẻ e dè khi thấy người lạ. Chúng tôi đi qua những ánh nhìn như thế, tìm đến nhà ông Lê Văn Th. Cánh cửa chính im ỉm đóng. Phải mất một lúc lâu sau tiếng gọi, nhận ra anh cán bộ công an xã đi cùng, ông Th. mới trở ngược lên nhà chính, mở cửa. Ông khắc khổ hơn nhiều so với tuổi “lục tuần” của mình, còn giọng nói thì lúc nào cũng đứt quãng. “Tôi buồn. Không ai nhắc đến cũng buồn, mà muốn dứt chẳng được. Cả đời, làm miết, làm không nghỉ, cũng chỉ vì con. Mà con tôi, chẳng đứa nào biết nghĩ” - ông mở đầu câu chuyện...
Nhà ông Th. là mảng màu buồn của thôn 3 này, vì ma túy. Nghiện, con ruột, dâu, rể ông, kẻ chết vì HIV, người sa vào vòng lao lý. Để lại ông cùng hai đứa cháu, trong đó đứa nhỏ nhất mới chừng 3 tuổi. Ông kể, ngọn nguồn bi kịch, là từ những năm tháng con ông lao vào bãi vàng mưu sinh. Rồi nghiện. Sáu người con ruột, có đến 5 người nghiện. Một con gái và con rể đã chết, còn lại 4 người đang thi hành án trong trại giam, vì tội danh buôn bán trái phép chất ma túy. “Tôi biết chuyện, khuyên răn đủ điều để cho con cai nghiện. Nhưng chịu. Cái thứ nớ, dính vô rồi chỉ có điêu đứng trở lên. Tụi nó xài, rồi bán ma túy. Không đứa nào bỏ được” - ông Th. kể. Người đàn ông ấy bất lực nhìn con mình bị cuốn vào “cơn lốc trắng”, để lại đớn đau, và cả tủi nhục. Ông nói với chúng tôi, rằng chút tự trọng cuối cùng, con ông cũng không dành lại cho ông. Suốt cả câu chuyện, ông Th. không một lần nhìn chúng tôi. Hoặc cúi mặt, hoặc nhìn xa xăm ngoài khoảng sân vắng. Thời gian dài, ông sống vì mặc cảm với xóm làng, với nơi mình đã gắn bó cả cuộc đời. Trong tiếng thở dài sầu não của ông già, chỉ còn sót lại một niềm tin le lói ở đứa cháu nội, suốt ngày quấn lấy chân ông. Ông bảo, tôi không dạy nổi con, nên coi như hết. Nó không tự cai được, thì hư, bỏ rồi, không có cách chi để cứu vãn nữa. Chúng tôi cứ có cảm giác, lúc này, với ông, nước mắt có lẽ đã cạn, cạn thật rồi…
Chính quyền xã Tiên Cảnh thường xuyên gặp mặt, tuyên truyền thanh niên “nói không với ma túy”. Ảnh: XUÂN THỌ |
Anh công an xã dẫn chúng tôi đi qua một số căn nhà khác, của gia đình người nghiện. Những cánh cửa khép. Ở thôn 3 này, chừng ba trăm hộ, thì có đến 25 người nghiện. Gần một nửa trong số đó buôn bán ma túy và đã bị bắt. Nhiều gia đình tán gia bại sản vì ma túy. Không ít người đã chết. Một người trong làng nói với chúng tôi, đất này giờ hóa dữ. Quê kiểng, mà sợ, người trong làng cảnh giác với những khuôn mặt lạ. Vì không ít người tới lui làng này, là để mua ma túy, hoặc liên lạc với các đối tượng nghiện. “Chưa thấy ai tự cai nghiện thành công. Từ dạo ma túy xuất hiện ở nơi này, xóm làng không bình yên nữa. Người nghiện nơi khác tới, chạy xe nẹt bô ầm cả xóm, mất an ninh trật tự. Rồi trộm cắp vặt, hút chích, vứt kim tiêm bừa bãi. Nhiều người nghiện cũng còn ở địa phương, chúng tôi rất sợ” - người này tâm sự.
Làng không bình yên
Chỉ chừng chưa đầy chục năm trở lại đây, nạn nghiện trở thành nỗi sợ hãi hữu hình cho từng gia đình, từng xóm làng ở Tiên Cảnh. Trưởng Công an xã Nguyễn Văn Đáng lần giở sổ thống kê, đếm hết tổng số trường hợp nghiện. “Xã này, đứng đầu cả tỉnh về số người nghiện. Tới thời điểm hiện tại, có đến 145 đối tượng nghiện. Đó là số người nghiện có hồ sơ quản lý. Còn trên thực tế, chúng tôi vẫn đang nghi vấn khoảng gần 30 trường hợp nữa. Tuy nhiên, mới chỉ có 10 người được đưa đi cai nghiện tập trung” - ông Đáng nói. Từ nạn nghiện, hàng loạt hệ lụy nảy sinh. Đặc biệt, từ năm 2013, nhiều vụ trộm cắp vặt xảy ra liên tiếp. Các đối tượng trộm từ con gà, con chó, đến tài sản có giá trị như ti vi, đầu máy. Có trường hợp, người dân phơi lúa ngoài đường bê tông, dân nghiện cũng xúc trộm gần hết khoảnh lúa chưa kịp khô để bán. Nhiều đối tượng vào tận vườn, chặt trộm những cây dó có khả năng cho trầm để bán. Một cán bộ công an xã kể, con nghiện đến nhà dân bán tạp hóa, thản nhiên lấy xăng lẻ đổ vào xe chạy rồi quỵt tiền. Khi bị bắt, đối tượng khai không có tiền, đành liều mình… đổ chịu chứ không trộm! Dân trong vùng ngán ngẩm với dân nghiện, càng lo sợ hơn khi một số đối tượng dùng kim tiêm ma túy, rồi vứt bừa bãi trên đồng, cạnh đường… Đêm xuống, những xóm làng ở Tiên Cảnh giờ đã không còn bình yên như xưa cũ.
Làng quê Tiên Cảnh.Ảnh: XUÂN THỌ |
Những biện pháp giáo dục cai nghiện tại chỗ không phát huy được hiệu quả ở nơi này. Tiên Cảnh là địa phương thứ hai được triển khai cai nghiện ma túy bằng methadone cho các đối tượng nghiện đăng ký, tuy nhiên chỉ hai trường hợp cai nghiện thành công ở địa phương lại không phải nhờ cách này. Các đối tượng vẫn uống methadone mỗi lần lên cơn nghiện, và… vẫn dùng ma túy khi có tiền. Sợ bị người địa phương phát hiện khi trộm cắp, dân nghiện dạt sang địa bàn khác, nhưng những đối tượng nghiện nơi khác cũng tương tự, tìm đến Tiên Cảnh để “hành nghề”. Người trong làng vẫn hay đùa, nơi này là chốn dân nghiện tìm “đường lên Tiên Cảnh”. Trưởng Công an xã Nguyễn Văn Đáng tâm sự với chúng tôi, cách hữu hiệu nhất bây giờ, là đưa đối tượng nghiện đi cai bắt buộc. Tất nhiên, nếu đối tượng thuộc diện buộc phải đưa đi theo quy định. Đó cũng là khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay, vì hầu hết con nghiện đều không muốn vào trung tâm. Có trường hợp đã đi cai nghiện tại trung tâm, sau được cho về để chịu tang, rồi lập mưu bỏ trốn, không quay trở lại vì không chịu được cám dỗ của ma túy. “Hồ sơ thủ tục để đối tượng nghiện được đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc hiện nay khá phức tạp. Chưa kể, tại địa phương, chúng tôi chưa có bác sĩ để có thể xác định tình trạng nghiện của con nghiện, phục vụ cho việc làm hồ sơ, do đó tỷ lệ người nghiện được đưa đi cai nghiện bắt buộc là rất thấp so với thực tế. Trùng trùng khó khăn, nhất là khi người nghiện khiến tình hình an ninh trật tự nơi đây phức tạp hơn nhiều so với trước” - vị Trưởng Công an xã trăn trở.
Đi dọc làng, những biểu ngữ tuyên truyền tác hại của ma túy được sơn nổi ở nhà văn hóa thôn, giăng ở hai bên đường. Chợt nghĩ, chính những cánh cửa khép như ở nhà ông Th., và những bi kịch gia đình vỡ vụn nhãn tiền ngay trong ngôi làng nhỏ này, có khi còn hiệu quả hơn những khẩu hiệu tuyên truyền kia. Vậy mà chưa dứt. Chợt nhớ lời của ông già Th. trong căn nhà vắng, rằng ngày trước, giá mà những đứa con ông được đưa đi cai nghiện. Có khi, những đôi chân bước ra từ gốc rạ, đã có chỗ bám víu để không lún sâu, sâu mãi vào cuộc chơi với ma túy, với tử thần…(THÀNH CÔNG - XUÂN THỌ)
HIỆU QUẢ TỪ QUY CHẾ PHỐI HỢP
Trong việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, quy chế phối hợp là sợi dây xuyên suốt quyết định đến tính hiệu quả, dù những ngày đầu thực hiện còn không ít bỡ ngỡ.
Kể từ ngày 1.1.2014, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, quyết định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do tòa án nhân dân cấp huyện ban hành, thì công tác lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện hầu như không thực hiện được và trên thực tế, từ thời điểm đó số lượng học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội tỉnh giảm đáng kể và đến tháng 10.2015 thì không còn học viên nào.
Trước thực trạng đó, cùng với quyết tâm đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy bắt buộc, ngày 26.4.2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đã ký ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là quy chế). Quy chế có 6 chương, 17 điều, quy định, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, ban, ngành, như Công an tỉnh; các Sở LĐ-TB&XH, Y tế, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính; UBND huyện, thị xã, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn; Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh.
Trên thực tế, những ngày đầu triển khai quy chế, với việc xem người nghiện ma túy là người bệnh, việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã gặp không ít khó khăn, nhất là từ cấp xã, huyện. Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - cho rằng, cái khó nhất của địa phương là về mặt con người để hoàn thành thủ tục đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung. Vì theo quy chế, trong trường hợp người nghiện có nơi ở ổn định, thì việc hoàn tất hồ sơ tương đối “dễ thở” hơn. Còn người nghiện không có nơi ở ổn định, phải đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội để có thêm thời gian củng cố hồ sơ, và trong trường hợp này, phải cần đến sự vào cuộc của tòa án và các cơ quan, ban, ngành khác. Huyện Tiên Phước đang phải đau đầu vì thiếu người để làm những công việc này khi đây là địa phương có số lượng người nghiện cao nhất tỉnh. Và để tạm giải quyết bài toán trước mắt, địa phương đã đẩy mạnh việc lập hồ sơ và đưa đi cai nghiện bắt buộc đối với những đối tượng có nơi ở ổn định, và là những đối tượng cộm cán. Tính đến nay, huyện Tiên Phước đã đưa được 39 người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Qua một thời gian vận hành, khi đã quen dần quy chế phối hợp, công tác đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc dần thể hiện tính hiệu quả. Từ chỗ không có học viên hồi tháng 10.2015, đến nay Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội tỉnh đã có 153 học viên. Ông Huỳnh Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh - đơn vị có nhiệm vụ đề xuất, tham mưu cho Sở LĐ-TB&XH về các vấn đề liên quan đến cai nghiện ma túy - cho rằng đó chính là sự thành công của quy chế phối hợp. Trước khi có quy chế này, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan có tâm lý lẩn tránh, đùn đẩy trách nhiệm vì tính nhập nhằng trong phân công công việc. “Bây giờ có quy chế rồi, phân công công việc, trách nhiệm hẳn hoi rồi, cứ theo đó mà làm. Nếu anh không làm, thì xử lý theo quy chế, chứ không thể đùn đẩy như trước được nữa. Và tôi cho rằng, chính điều này đã giúp cho việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc đạt hiệu quả” - ông Thanh nói. (KHÁNH GIANG)
GỠ KHÓ CHO TRUNG TÂM CAI NGHIỆN
Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội tỉnh (gọi tắt là trung tâm) đang dần bộc lộ những khó khăn cần sớm được tháo gỡ để tăng thêm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc tập trung.
Học viên trồng rau tại trung tâm. Ảnh: Trung tâm cung cấp |
Trung tâm bao gồm khu Cai nghiện bắt buộc và khu Cơ sở xã hội, có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc quản lý, chữa trị, cai nghiện, phục hồi, giáo dục, dạy nghề tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng nghiện ma túy, mại dâm.
Cần quy hoạch, đầu tư bài bản
Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc trung tâm - cho rằng, một trong những nhiệm vụ bức thiết nhất hiện nay là cần quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại và kiên cố hóa các khu trại để công tác quản lý cai nghiện có được hiệu quả tốt nhất. Hiện việc bố trí sắp xếp các khu trại chưa được hợp lý bởi các khu trại xây dựng trước đó rất gần với nhau. Từ đó luôn tiềm ẩn các nguy cơ dễ dẫn đến những sự vụ đáng tiếc, như hồi năm 2012. Còn nhớ, rạng sáng ngày 21.9.2012, có 91 con nghiện lần lượt chui qua lỗ vách trại đã được đục thủng, rồi dùng mền vắt qua hàng rào để làm dây leo thoát ra ngoài và trốn trại. Nhằm tránh bị phát hiện, khi đồng bọn đục tường thì số đông đối tượng còn lại liên tục gây ra tiếng ồn để lấn át tiếng đục tường.
Theo ông Trung, chính vì các khu trại quá gần nhau, nên các đối tượng dễ “bắt” liên lạc với nhau, rồi thông qua đó ủ mưu. “Ngoài ra, do quá gần nhau, các nhóm đối tượng dễ nảy sinh xích mích, từ đó bùng phát bạo loạn. Ở sự việc năm 2012, một phần nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn như thế” - ông Trung cho biết thêm. Khi xảy ra vụ việc hồi năm 2012, ông Trung đang là Phó trưởng Công an xã Sông Trà, kể từ khi về công tác rồi làm giám đốc trung tâm này, ông Trung cũng như ban lãnh đạo và cán bộ quản giáo ở đây luôn lấy sự vụ đó là bài học để nâng cao cảnh giác trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Việc tách các khu, theo ông Trung, ngoài “cắt” sự liên lạc giữa các đối tượng, còn phải chia nhóm đối tượng theo từng khu cụ thể dựa vào các yếu tố như tiền án, tiền sự, cai nghiện nhiều lần, nhiễm HIV…, để việc quản lý dễ dàng hơn.
Hiện tổng diện tích phòng ở tại khu Cai nghiện bắt buộc khoảng 480m2, tương đương với chỗ ở của 120 học viên. Trong khi đó, số lượng học viên cai nghiện bắt buộc đang là 149 học viên, nên số dư này phải ở khu Cơ sở xã hội, gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tiếp nhận học viên mới. Thêm nữa, tường rào bảo vệ quanh khu vực học viên đã xuống cấp, sụt lún gây nứt một khoảng tường 50m, có nguy cơ đổ ngã; tường rào phân khu học viên quá thấp, gây khó khăn trong công tác quản lý học viên.
Thiếu cán bộ quản lý học viên
Kể từ khi thực hiện Quyết định số 5166 của UBND tỉnh về việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ đối với trung tâm (bổ sung chức năng Cơ sở xã hội để tiếp nhận, quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm hồ sơ đề nghị tòa án cấp huyện xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc) và Quyết định số 1507 của UBND tỉnh về quy chế phối hợp lập hồ sơ đưa người cai nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, số lượng học viên tăng nhanh và đang là 153 học viên, bao gồm 149 học viên Cai nghiện bắt buộc và 4 học viên ở Cơ sở xã hội.
Số lượng học viên tăng nhanh kéo theo sự quá tải của cán bộ quản lý. Theo quy định hiện hành, lấy số lượng học viên để tính ra số cán bộ quản lý, thì 1 cán bộ sẽ quản lý 6 học viên. Nhưng quy định này lại không phân rõ cán bộ quản lý học viên trực tiếp, mà bao gồm luôn cả giám đốc, phó giám đốc, văn thư, thủ quỹ, kế toán, lái xe… Những người này phần lớn không có nghiệp vụ quản lý trực tiếp học viên, nên dẫn tới thực trạng cán bộ quản lý trực tiếp quá số lượng học viên. Có đến 5 khu, mỗi cán bộ phải quản lý 20 - 24 học viên. Đáng lưu ý hơn, đây là những vị trí trực 24/24 giờ. Và để đảm bảo việc quản lý học viên, trung tâm đã phân công những vị trí này cứ mỗi 24 giờ trực, là được nghỉ ngơi 24 giờ trước khi bước vào ca trực tiếp theo.
Để đảm bảo đủ số lượng cán bộ bám trực ở các vị trí cần 24/24 giờ, không còn cách nào khác, cả các trưởng, phó phòng ban chuyên môn phải tham gia trực khiến cho họ không có nhiều thời gian dành cho công tác chuyên môn. Đồng thời một số công việc của trung tâm hiện vẫn chưa thể triển khai như công tác dạy nghề, tạo việc làm cho học viên. Mặt khác, cán bộ làm công tác quản lý trực tiếp không có thời gian để nghỉ phép theo quy định mà chỉ có thể đổi trực với nhau để giải quyết công việc gia đình khi cần thiết. “Sự thiếu hụt cán bộ quản lý học viên khiến cho trung tâm gặp quá nhiều khó khăn. Theo nhu cầu thực tế, trung tâm cần 48 nhân sự, nhưng tổng chỉ tiêu biên chế được giao hiện tại là 34, nghĩa là cần bổ sung thêm 14 chỉ tiêu biên chế nữa để đảm bảo công tác quản lý học viên” - ông Trung nói. (XUÂN THÀNH)