Năm 2014, dự án cai nghiện thuốc lá bằng Đông y đã được triển khai trên 100 người tại huyện Thăng Bình. Từ hiệu quả thiết thực của việc thử nghiệm này, Sở Y tế tiếp tục phối hợp với các trường: Đại học Seoul, Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc) và Khoa Y học cổ truyền - Trường Đại học Y Dược Huế tiến hành phương pháp này trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Phương pháp mới
Nếu được UBND tỉnh phê duyệt, dự án sẽ được tiến hành trên 300 người ở 3 huyện, thành phố: Tam Kỳ, Thăng Bình và Duy Xuyên với sự trợ giúp từ các trung tâm y tế huyện (TTYT) và trạm y tế xã. Theo ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế, đây là một trong những phương pháp cai nghiện thuốc lá mới trên thế giới được Trường Đại học Kyung Hee tìm hiểu và phát triển. Trước đây, phương pháp này đã được áp dụng hơn 100 người ở các xã Bình Dương, Bình Trị, Hà Lam và thu được kết quả khá khả quan. Sau khi tìm được nguồn kinh phí, phía Đại học Kyung Hee quay trở lại để tiếp tục thực hiện chương trình này.
Việc đẩy lùi khói thuốc lá ra khỏi cuộc sống góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. (Ảnh: Internet) |
Phương pháp cai nghiện thuốc lá bằng Đông y này dựa trên việc châm cứu ở tai (còn gọi là nhĩ châm) cùng với một số liệu pháp tích cực giúp người nghiện thuốc lá có thể cắt cơn, rồi dần dần bỏ được thuốc lá. Những người được chọn tham gia dự án phải chấp nhận điều kiện phối hợp hoàn thành toàn bộ khóa điều trị. Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin cụ thể như: mức độ lệ thuộc vào chất Nicotin, đo lượng CO trong hơi thở hay lượng Cotinine trong nước tiểu… để biết được người nghiện thuốc lá đang ở giai đoạn nào nhằm đưa ra phương án phù hợp. Trong quá trình tiến hành cai nghiện thuốc lá cho người bệnh, các cán bộ của dự án cũng phải thường xuyên đánh giá, tổng hợp thông tin để kịp thời điều chỉnh phù hợp hơn.
Bác sĩ Yun Jin Won - Trưởng ban Dự án ODA Y học cổ truyền Hàn Quốc về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cũng là người trực tiếp thực hiện chương trình này cho biết, việc cai nghiện thuốc lá bằng các liệu pháp châm cứu và thuốc Đông y cho người bệnh kéo dài trong 5 tuần với các chương trình giáo dục tác hại thuốc lá kết hợp điều tra tiến độ, tiến hành châm cứu và hướng dẫn cho người nghiện thuốc lá. Sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện thuốc lá, dự án vẫn tiếp tục theo dõi, qua 3 tháng sẽ tiến hành liên lạc với những người tham gia dự án để có được đánh giá khách quan nhất.
Đảm bảo quy trình thực hiện
Để đảm bảo cho dự án triển khai được thuận lợi, cán bộ của các TTYT, trạm y tế và Sở Y tế sẽ được tham dự lớp tập huấn tại Hàn Quốc trước khi tiến hành. Qua đó, đảm bảo được những phương án, kỹ thuật cơ bản khi triển khai. Dự án này đã từng được áp dụng với 100 người ở huyện Thăng Bình, tuy nhiên hiệu quả chỉ đạt được 10% số người bỏ hẳn thuốc lá. “Tuy nhiên, đối tượng dự án lần trước đa số là người miền biển nên họ chỉ tham gia được vài tuần đầu rồi bỏ ngang, không tiếp tục điều trị nên hiệu quả đạt được thấp. Rút kinh nghiệm, lần này cần điều tra và thu thập thông tin những người thực sự muốn tham gia, để đảm bảo đánh giá đúng hiệu quả của dự án mang lại” - bà Nguyễn Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết.
Anh Phạm Văn Bằng, trú tại Hà Lam, huyện Thăng Bình là người đã từng tham gia chương trình này trước đó. Khi được tiến hành châm cứu và tư vấn để cai thuốc lá, anh đã dần hạn chế được việc phải lệ thuộc vào điếu thuốc. Anh Bằng nói: “Do đặc thù công việc nên tôi không thể theo hết chương trình này nên hiện nay vẫn còn hút thuốc nhưng cường độ giảm một nửa so với trước. Sắp tới, nếu được cho phép, tôi sẽ tiếp tục đăng ký để hoàn thành việc cai thuốc lá của mình”.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Liên, việc hợp tác cai nghiện thuốc lá bằng phương pháp mới này hết sức quan trọng, nếu đạt được hiệu quả cao đây sẽ là tiền đề để Quảng Nam có thể nhân rộng mô hình này, góp phần đẩy lùi khói thuốc trong cuộc sống. Hiện nay, trên toàn quốc đang tiến hành triển khai chương trình nói không với thuốc lá nên chương trình này rất phù hợp và cần thiết để giúp người dân tránh xa thuốc lá, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
TUỆ LÂM