Cái ống ngoáy trầu có tên gọi “nửa tây nửa ta” ấy, bây giờ mấy người còn biết? Thậm chí thói quen ăn trầu của các bà, các cô cũng đâu dễ tìm được mấy người. Thế mà với cụ bà Ngô Thị Diện, cái ống ngoáy trầu “lum đum” đã trở thành vật ký thác, “bất ly thân” từ khi là thôn nữ. Bà cụ năm nay vừa tròn tuổi 86 mà vẫn rất đẹp lão, nhưng sống cô độc trong căn nhà cấp bốn tềnh toàng ở thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn. Hình như thời gian và sự khắc nghiệt của hai cuộc chiến tranh đã không “tàn phá” được nét xuân sắc và những hoài niệm về cái ống ngoáy trầu của một thời con gái.
Cụ bà Ngô Thị Diện. Ảnh: N. P. T |
Đó là cái ống ngoáy bằng đồng, được “chế tác” từ vỏ đạn và chiếc chìa nhỏ để ngoáy trầu cũng bằng đồng, xinh xinh. Đây là vật “bất ly thân” của bà cụ Ngô Thị Diện vì bà cụ thường ăn trầu nên nó luôn được gói trong một túi vải nhỏ xíu, ghim lại cẩn thận trên áo. Tôi đã từng biết được một “vật gia bảo” giống như thế của mẹ Thứ - Bà mẹ Việt Nam anh hùng, sau khi mẹ qua đời. Ngỡ rằng, cái ống ngoáy trầu của mẹ Thứ là vật chứng “gia truyền”, ai dè, giữa nơi heo hút của vùng bán sơn địa Quế Sơn này lại nghiễm nhiên hiện hữu một loại “hàng độc” mà đâu có mấy người còn biết được lai lịch của nó. Cái ống ngoáy “lum đum” của bà cụ Ngô Thị Diện không đơn giản chỉ vì nó được chế tác từ ống vỏ đạn của Tây mà còn ẩn chứa cả một câu chuyện tình bi tráng của chính cuộc đời bà.
Nhưng trước hết xin nói về cái ống ngoáy “lum đum”. Chắc nhiều người biết, trong giai đoạn chống Pháp lần thứ 2 (1946 - 1954) vùng tây Quảng Nam là vùng tự do của ta. Hàng ngày, máy bay Pháp thường quần đảo trên cao để tìm “Việt Minh”, cứ thấy người dưới đất là chúng nhả đạn. Loại đạn chúng bắn xuống là từ súng 12.7 ly, khi xuống đất đầu đạn nổ lại lần nữa. Tiếng súng bắn và tiếng đạn nổ nối nhau, nghe như “lum đum lụp đụp”. Vì thế, người dân vốn chất phác không biết loại súng gì, chỉ phỏng theo âm thanh của chúng mà gọi là đạn... lum đum. Vỏ đạn lum đum rơi xuống, bà con nhặt được, đem về “chế tác” thành nhiều thứ gia dụng: khoen dao rựa, cán bay... Phần nửa vỏ đạn có đáy được giữ lại, làm cái ngoáy trầu cho người già!
Chỉ có vỏ đạn lum đum này thời Pháp mới được đúc bằng đồng, không bị hoen gỉ. Càng được sử dụng chúng càng “lên nước” vàng óng. Cụ Diện vừa ngoáy trầu vừa chậm chạp kể: “Hồi còn son trẻ, ai cũng khen bà có duyên, ưa nhìn... Ông Tiến ở làng đi bộ đội Cụ Hồ, nhưng trong lòng đã thương trộm bà. Sợ ở nhà bà đi lấy chồng, nên lần nào về cũng ghé thăm và tìm cách “mua chuộc” cả thân sinh bà. Lần nớ, ông tham gia đánh trận Bồ Bồ (Điện Bàn) chiến thắng trở về, ông mang đến tặng mẹ của bà cái ống ngoáy này. Ông bảo với bà: “Cố giữ chiếc ngoáy trầu này cho mẹ, để sau em còn dùng. Rồi trước ngày hòa bình lặp lại, tôi với ổng thành vợ thành chồng...”. Cụ Diện vừa kể vừa bẽn lẽn như cô gái đương thì. Sau khi mẹ của bà cụ Diện qua đời, ông Phạm Ngọc Tiến trở về lo ma chay cho cụ bà rồi tiếp tục lên đường chống Mỹ. Và ông Tiến đã hy sinh ngay trong một trận càn không ngang sức với quân Mỹ tại địa bàn Quế Sơn...
Từ dạo ấy, cái ngoáy trầu “lum đum” của ông trao lại trở thành kỷ vật thiêng liêng đối với bà cụ Diện.
NGÔ PHÚ THIỆN