(QNO) - Bây giờ ra phố, thành phố như bà mẹ đông con, biển người trở về mệt nhọc trong những chiếc hộp chật hẹp, tôi thường ao ước, thường nhắc nhớ mãi về khoảng sân gạch ấu thơ như ao ước của một kẻ bộ hành trên sa mạc lúc nào cũng nhìn thấy ảo ảnh của một dòng sông ăm ắp mát lành.
Giờ đây, sân gạch trở nên hiếm hoi, nhường chỗ cho sân bê tông. Ảnh: internet |
Tôi thường nhắc nhớ về khoảng sân gạch trước ngôi nhà quê cũ. Quê tôi nhà nào nhà nấy đất vườn rộng lắm. Khoảng sân trước nhà rộng thênh thang, cha tôi kéo một sợi dây thép lớn làm dây phơi, những áo quần trắng sạch của chị em tôi đi học, những áo quần của mẹ kết nhựa sắn dây, nhựa chuối, những áo bay của ba bạc màu rách hết cả mảng vai…, mẹ tôi vắt lên đó sự tinh tươm của người đàn bà kham khổ.
Góc sân ba tôi bắc giàn cho dây bầu dây mướp leo chung. Dưới bóng mát của giàn bầu giàn mướp ấy mẹ tôi ngồi xắt chuối, xắt rau lang nuôi heo. Vào mùa thu hoạch, sân gạch đầy tràn những lúa là lúa, mùa đông ăm ắp mùi hăng của hành tỏi… Bốn mùa in dấu rõ nhất trên sân gạch.
Tôi thường hay nhớ những khoảng thời gian ngọt ngào trong năm, như mùa này chẳng hạn. Giàn bầu giàn mướp lên xanh mướt, hái nắm ngọn bầu nấu chung với vài tép tỏi là đánh bay mấy chén cơm. Làng tôi trồng sắn dây, những củ sắn nhỏ thương lái không thu mua, nhà nào nhà nấy xay ra lọc vắt làm bột. Những nong những nia bột sắn phơi trên sân trắng muốt ướp cùng hoa bưởi thơm rưng rức, bột sắn ấy phơi khô đóng vào túi ni lông để dành đến mùa hè nấu chè, pha nước uống cho mát hay gửi đi làm quà cho người thân quen…
Xưa, những ngày giỗ chạp, bà con họ hàng cùng nhau băm thịt, nhặt rau thơm, rửa chén bát làm đám… Sân gạch trở thành nơi sum vầy. Chiếu trải ra sân, bà con sum họp. Những món ăn được bày biện, nào là đĩa xôi, đĩa gà, bát canh, tô mì; những chuyện tháo nước vào đồng, chuyện con cái đi làm ăn đây đó, chuyện cãi vã tranh luận khi đã có men say càng thêm rôm rả. Giờ thì đám tiệc đã có dịch vụ làm từ A đến Z, sướng mà lại không vui như xưa.
Thuở ấu thơ, cái sân gạch cũng là nơi bọn trẻ chúng tôi tập diễn tuồng, tập văn nghệ, hát hò… Cũng từ sân gạch mà nhiều đôi trẻ nên duyên. Từ sân gạch mà đượm nghĩa tình làng xóm.
Từ cái sân gạch, người làng rủ nhau đập lúa đổi công, sân gạch gieo mạ chung, sân gạch mổ heo ăn tết. Sân gạch của chúng bạn trẻ con chơi ô ăn quan, nhảy lò cò. Sân gạch của ông chăm hoa cảnh, của bà trải chiếu têm trầu, bện chổi, ép quạt mo cau.
Phần lớn sân gạch giờ đây được thay thế bằng sân bê tông. Tôi luôn nghĩ, ngày mai ngày sau mình không còn là mình nữa: tế bào được thay mới, suy nghĩ nhìn nhận cũng khác đi. Cả vật chất và ý thức trong một con người đều thay đổi, duy chỉ có ký ức là cứ theo mình mải miết, mình cất giữ chúng trong một hộp son và thi thoảng lại mang trải ra hong rồi sàng sảy chắt chiu…Nhớ ơi, cái sân gạch!
MAI NGUYÊN