Với sự hỗ trợ của Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, mô hình cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả của làng Phương Trung (thuộc xã Đại Quang, Đại Lộc) đang là hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vườn bưởi của ông Mai Phước Chi. |
Cơn “đại hồng thủy 1999” khiến ngôi làng Phương Trung bị thiệt hại nặng nề, đời sống nhân dân rất khó khăn. Thế nhưng chỉ ít năm sau, người dân Phương Trung lại vươn lên, nhiều người có của ăn của để. Bằng việc dám nghĩ dám làm, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây ăn quả, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau hơn 2 năm thực hiện thí điểm mô hình cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả, gia đình ông Mai Phước Chi (làng Phương Trung) đã bắt đầu thu được hiệu quả kinh tế cao từ 1ha đất trồng cây mít ruột đỏ, bưởi da xanh. Ông nói: “Nhận thấy đây là mô hình có khả năng đem lại kinh tế cao, ngay từ khi Phòng Nông nghiệp huyện phát động là tôi bắt tay vào làm, bây giờ vườn bắt đầu ra trái, sắp tới chắc chắn sẽ có thu hoạch. Dự tính mỗi cây mít cho 10 trái, mỗi trái bán giá 50 - 70 nghìn đồng, bưởi thì từ 10 - 12 nghìn đồng/trái”. Hiện vườn của gia đình ông có 160 cây bưởi và 98 cây mít, ngoài ra còn trồng xen với chuối, đậu phụng. Hộ ông Trương Văn Tấn (cùng làng với ông Chi) trồng chôm chôm, mỗi gốc thu được khoảng 3 triệu đồng/năm, hiện tại ông có 9 gốc. Hay như hộ ông Lê Trị có 3 sào đất vườn trước đây trồng nhiều loại cây hoa màu nhưng giá trị không cao, nay ông đã cải tạo vườn tạp để trồng chuối tiêu đỏ. Bình quân mỗi buồng chuối có giá trên 120 nghìn đồng, chuối cho trái quanh năm nên mỗi sào đất ông thu khoảng 20 triệu đồng/năm. “Hiện tại làng Phương Trung có 25 hộ trồng bưởi, 22 hộ trồng mít, chuối và chôm chôm mỗi thứ có 1 hộ. Đây mới chỉ là bước đầu trồng thử nghiệm nhưng đã có kết quả tốt. Nếu nhân rộng mô hình này thì người dân làng Phương Trung sẽ khấm khá” - anh Lê Văn Cảnh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Phương Trung nói.
Các loại cây được hội làm vườn đưa vào trồng thí điểm ở Phương Trung gồm mít ruột đỏ, bưởi da xanh, chôm chôm, chuối tiêu đỏ. Trong đó bưởi và mít mỗi năm cho một vụ, chôm chôm 2 vụ và chuối tiêu thì cho trái quanh năm. Theo người dân, việc trồng các loại cây này cũng khá đơn giản, chỉ cần theo đúng sự hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp huyện và khâu phân bón chăm sóc là được. Ông Bùi Đình Bảo - người phụ trách kinh tế làm vườn của huyện Đại Lộc, cho biết: “Nhận thấy vườn tạp của Phương Trung không đem lại lợi ích kinh tế nhiều, Phòng Nông nghiệp huyện đã cho nghiên cứu thổ nhưỡng đất và đưa vào trồng giống cây ăn quả được nhập từ tỉnh Bến Tre có kinh tế cao hơn. Trước việc tìm kiếm đầu ra chưa có, người dân rất lo lắng nhưng nay đã kiếm được thị trường Đà Nẵng, đặc biệt là các siêu thị đã đặt hàng nên vấn đề bây giờ chỉ là chăm lo cho cây trồng phát triển nhanh để có trái. Hiện nay hộ nông dân trồng cây ăn quả sẽ được huyện hỗ trợ 100% giống cũng như phân bón. Sắp tới đây sẽ mở rộng mô hình ra xã Đại Tân và Đại Chánh”. Theo Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, sắp tới toàn bộ đất vườn tạp của 267 hộ của làng Phương Trung sẽ chuyển sang trồng các loại cây ăn quả và trong tương lai sẽ biến Phương Trung trở thành “làng trồng cây ăn quả” để cải thiện thu nhập cho người dân.
Hoàng Yên