Cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật

LÊ QUÂN 12/12/2023 07:45

Dự án “Hỗ trợ phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2023” vừa kết thúc với những hiệu quả mang lại khá tích cực. Trẻ khuyết tật được chăm lo và nhận các dịch vụ phục hồi chức năng chất lượng cao ngay tại cộng đồng.

Hoạt động của dự án đã hỗ trợ trẻ khuyết tật có cơ hội tập phục hồi chức năng ngay tại nơi sinh sống. Ảnh: L.Q
Hoạt động của dự án đã hỗ trợ trẻ khuyết tật có cơ hội tập phục hồi chức năng ngay tại nơi sinh sống. Ảnh: L.Q

Lấy tuyến xã làm trung tâm

Đây là dự án do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA, tổ chức Medipeace, Bệnh viện Trường Đại học Chonbuk, Quỹ Phát triển Châu Á (ADF) tài trợ cho Quảng Nam, với mục tiêu tiếp cận trẻ khuyết tật theo chiến lược phục hồi chức năng (PHCN) dựa vào cộng đồng, lấy các phòng PHCN tuyến xã làm trung tâm.

Đại diện tổ chức Medipeace Việt Nam cho biết, dự án tại Quảng Nam tập trung cung cấp các dịch vụ PHCN cho trẻ khuyết tật. Bao gồm: hỗ trợ tập luyện PHCN gồm vật lý trị liệu, ngữ âm trị liệu, giáo dục đặc biệt, hỗ trợ dụng cụ trợ giúp phù hợp và sửa chữa cải thiện nhà ở gồm tăng tính tiếp cận không gian sinh hoạt cho trẻ.

Bên cạnh đó, dự án cũng chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế làm công tác PHCN, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác người khuyết tật tại địa phương, tăng cường hơn nữa vai trò và sự phối hợp của xã hội, các cấp quản lý đối với cuộc sống, quyền lợi của người khuyết tật.

Ông Lê Viết Thuấn - Trưởng khoa PHCN - y học cổ truyền Trung tâm Y tế (TTYT) Hiệp Đức, chia sẻ: “Tại Hiệp Đức, dự án đã thành lập 3 phòng PHCN tuyến xã gồm Bình Lâm, Quế Thọ, Sông Trà và 1 phòng PHCN tại TTYT huyện. Số trẻ khuyết tật đang quản lý tại các phòng hiện tại gồm 50 trẻ, với các loại tật như vận động, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý, tự kỷ...

Nhờ sự hoạt động hiệu quả của các phòng PHCN mà đến nay, chất lương dịch vụ PHCN ở cộng đồng trên địa bàn huyện được nâng cao rõ rệt, trẻ khuyết tật có cơ hội được tiếp cận dịch vụ PHCN chất lượng cao ngay tại gần nhà, tăng cường khả năng sống độc lập, mở rộng cơ hội hòa nhập xã hội, đồng thời giảm gánh nặng về chi phí điều trị cho gia đình”.

Cũng theo ông Thuấn, đối với hệ thống ngành y tế của huyện, các phòng PHCN tuyến xã trở thành một phần không thể tách rời của trạm y tế xã, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng hỗ trợ NKT tại cơ sở.

Trong 3 năm qua, các bác sĩ PHCN và trị liệu viên tham gia dự án đã thực hiện hơn 10.000 lượt thăm khám, trị liệu PHCN cho trẻ khuyết tật tại các phòng PHCN và tại nhà, trong đó có 154 trẻ khuyết tật được phục hồi chức năng thường xuyên tại các Phòng PHCN tuyến xã. Điều này được nhìn nhận là điểm mới trong hệ thống cung cấp dịch vụ PHCN cho người khuyết tật.

Nâng cao vị thế, quyền lợi của trẻ khuyết tật

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, dự án “Hỗ trợ phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Nam” đã thiết lập hệ thống PHCN cho trẻ khuyết tật từ tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã của 4 huyện tham gia dự án.

Hiện tại có 3 bệnh viện tuyến tỉnh, 4 TTYT huyện và 10 trạm y tế xã được hỗ trợ trang thiết bị PHCN. Đồng thời, các cơ sở y tế này cũng đã gửi cán bộ y tế tham gia các khóa đào tạo về định hướng chuyên khoa PHCN, khóa đào tạo 3 tháng về âm ngữ trị liệu cho trẻ tự kỷ và các khóa đào tạo về PHCN cơ bản.

“Thành quả đặc biệt của dự án là thiết lập được 12 Phòng PHCN tích hợp vào trạm y tế xã, trang bị các phương tiện PHCN nhi khoa hiện đại tại các cơ sở y tế. Ngoài ra, dự án đã tập huấn về giáo dục hòa nhập cho giáo viên và hỗ trợ cải thiện cơ sở vật chất của 12 trường học nhằm tăng tính tiếp cận cho học sinh khuyết tật của 3 huyện Núi Thành, Tiên Phước và Hiệp Đức.

Từ nhóm PHCN đa ngành được thành lập từ dự án, đã có 606 trẻ khuyết tật được hỗ trợ các dụng cụ trợ giúp PHCN, bao gồm dụng cụ trợ giúp di chuyển, dụng cụ trợ giúp hoạt động sinh hoạt hàng ngày và dụng cụ hỗ trợ học tập.

Dự án đã đặt những viên gạch vững chắc cho lĩnh vực phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật trên địa bàn Quảng Nam và góp phần nâng cao vị thế quyền lợi của trẻ khuyết tật trong xã hội, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống” - ông Mai Văn Mười nói.

Được biết, KOICA đã đồng ý tiếp tục tài trợ cho dự án tại Quảng Nam giai đoạn 2 từ năm 2024 - 2026. Điều này mở ra cơ hội phát triển hệ thống PHCN chất lượng cao và bền vững tại Quảng Nam thời gian tới cũng như góp phần hỗ trợ địa phương đạt được các mục tiêu trong Kế hoạch thực hiện “Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO