Từ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) chuyển sang trọng tâm “dân số và phát triển” là một quá trình cần sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng. Trong đó, đổi mới phương thức truyền thông cũng như cách thức tiếp cận đến người dân thông qua các gói chăm sóc sức khỏe sinh sản, sàng lọc... đang được áp dụng hiệu quả tại các địa phương...
Tầm soát, chẩn đoán và sàng lọc, điều trị sớm các bệnh trước sinh và sơ sinh là giải pháp đầu tiên để nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: XUÂN HIỀN |
Lồng ghép hoạt động
Hơn 2.500 người ở độ tuổi 15 - 49 tại huyện Duy Xuyên đã nhiệt tình tham dự lễ phát động Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn năm 2019 do Sở Y tế vừa tổ chức. Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGD - Phan Đình Nhân cho biết, đây là chiến dịch khởi động năm 2019 với trọng tâm chuyển dịch chính sách từ DS-KHHGĐ sang “dân số và phát triển” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới. Ông Phan Đình Nhân cho biết, đây là năm thứ 2 ngành y tế - dân số Quảng Nam thực hiện chuyển trọng tâm chính sách dân số theo chủ trương của trung ương. Trong đó hướng đến phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số “vàng”, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển... Tuy thời gian ngắn nhưng đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, như nỗ lực duy trì mức sinh thay thế, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, chất lượng dân số ngày càng được cải thiện. Năm nay chiến dịch tiếp tục kêu gọi cộng đồng và mỗi người dân tiếp tục đồng hành, thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân số và phát triển, cải thiện điều kiện sống của người dân, từng bước nâng cao chất lượng dân số. Đồng thời tạo điều kiện để mỗi người dân tiếp cận đầy đủ thông tin, tiếp nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản một cách thuận lợi, an toàn và chất lượng.
Nấc thang đầu tiên đánh giá chất lượng dân số chính là việc đảm bảo một thế hệ khỏe mạnh ngay từ khi chào đời. Đây cũng chính là mục tiêu để đẩy mạnh việc lồng ghép các gói chăm sóc sức khỏe sinh sản dành cho phụ nữ ngay ở các chiến dịch truyền thông về dân số. Việc sàng lọc trước sinh và tầm soát dị tật bẩm sinh ở thai nhi là điều cần thiết đang mỗi ngày được nhận thức mạnh mẽ hơn tại các địa phương. Tính đến hôm nay hầu như các địa phương đều đã tổ chức thuận lợi đợt đầu về chiến dịch truyền thông dân số, lồng ghép gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (thăm khám phụ khoa, phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản với các thiết bị hiện đại). Theo báo cáo sơ bộ, trong đợt này cả tỉnh đã có hơn 22 nghìn lượt người bao gồm nữ vị thành niên và phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sử dụng gói dịch vụ này.
Vẫn chưa hết khó
Từ chính sách DS-KHHGĐ chuyển trọng tâm sang “dân số và phát triển” là một quá trình đòi hỏi sự vào cuộc của toàn thể cộng động, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng cán bộ, cộng tác viên dân số. “Có rất nhiều cách tiếp cận, động viên gia đình, từ cả chồng lẫn vợ để giữ ổn định mức sinh, cần sự đồng lòng vợ chồng. Những lúc phát động vào các ngày kỷ niệm chúng tôi sẽ động viên phụ nữ rằng con trai hay con gái đều đáng quý như nhau để các chị hay các anh không bị áp lực về chuyện giới tính của con” - bà Nguyễn Thị Sáu, cộng tác viên dân số khối phố Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm ngày một mạnh mẽ của cộng đồng về các chính sách dân số, hoạt động cải thiện chất lượng dân số, thì vẫn còn đó rất nhiều thách thức để đi đến mục tiêu trọng tâm “dân số và phát triển”. Ngoài nguồn kinh phí của các chương trình hạn hẹp dẫn đến thu nhập của cộng tác viên dân số thấp, thì câu chuyện về tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai là thách thức hiện nay của Quảng Nam. Nếu trước đây việc cấp phát, sử dụng các phương tiện tránh thai được bao cấp hoàn toàn cho mọi đối tượng thì hiện nay chỉ ưu tiên cấp miễn phí cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng thuộc diện chính sách.
Ông Phan Đình Nhân cho biết, hiện nay tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của Quảng Nam đang giảm, đạt được mức sinh thay thế với số con trung bình 2,1 con/1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, khi triển khai mô hình tiếp thị phương tiện tránh thai nhằm từng bước thay đổi thói quen của người dân từ miễn phí sang tự chi trả, tạo cho người dân ý thức chủ động trong việc phòng tránh thai thì vẫn còn khá đông đối tượng không chấp nhận bỏ tiền để thực hiện KHHGĐ, đặc biệt ở vùng nông thôn. Đây chính là nỗi lo khá lớn của ngành dân số...
XUÂN HIỀN