Cải thiện chất lượng nước Vu Gia - Thu Bồn

QUỐC TUẤN 04/01/2019 02:44

Cuộc họp tổng kết năm 2018 của Ban điều phối về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam Đà Nẵng diễn ra ngày 3.12, đã nhìn nhận lại sự phối hợp giữa hai bên, hướng đến giải quyết vấn đề cốt lõi như đề xuất giải pháp phân bổ, kiểm soát chất lượng nước; điều chỉnh đập Quảng Huế và xây dựng đập ngăn mặn tại Vĩnh Điện.

Theo các chuyên gia việc xây đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện không ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy, khả năng thoát lũ và vẫn có khả năng khống chế mặn cho hạ du. Ảnh: Q.T
Theo các chuyên gia việc xây đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện không ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy, khả năng thoát lũ và vẫn có khả năng khống chế mặn cho hạ du. Ảnh: Q.T

Nhiều biến động

Tham dự hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết: “Năm 2018, hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có nhiều biến động về thời tiết, thủy văn trong đó mùa lũ có sự khác biệt khá lớn, mực nước thấp nhất trên một số sông đã xuống xấp xỉ so với các mốc lịch sử trước đây, xâm nhập mặn ở Quảng Nam, Đà Nẵng mức xấp xỉ mạnh so với trung bình nhiều năm”. Trong 8 tháng mùa cạn, các thủy điện ở thượng nguồn đã tham gia phân phối dòng chảy cho hạ du, tuy nhiên vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Quảng Nam) nêu ví dụ: “Vào tháng 1, 2 hằng năm thường có mưa rào nên nông dân chưa có nhu cầu cần nước xả qua phát điện ở đầu vụ đông xuân, nhưng thời điểm này nước đưa về nhiều quá; nên chăng có sự phân bố giữ lại nước của tháng 1, tháng 2 đến mùa khô cao điểm để ngành nông nghiệp được hưởng lợi. Việc chưa quy định giá trị tối thiểu lưu lượng đưa về hạ du hàng tháng là một hạn chế trong quy trình 1537 bởi nước đổ về Thu Bồn vào đầu vụ nếu sử dụng không hiệu quả đều đổ ra Cửa Đại rất lãng phí.

Theo TS. Tô Thúy Nga - Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng): “Xét về lưu lượng chuyển dòng của thủy điện cho thấy đã có một lượng nước lớn đã được bổ sung về sông Thu Bồn nên để cân bằng cho hạ du như cũ cần thiết phải hạn chế lượng nước từ sông Vu Gia vào nhánh sông Quảng Huế sang sông Thu Bồn để đưa tỷ lệ nước về Ái Nghĩa tăng lên”. Theo số liệu từ Sở NN&PTNT Đà Nẵng, mực nước 2 hồ chứa thủy điện A Vương và Sông Bung 4 trên thượng nguồn Vu Gia đang ở mức rất thấp. Mực nước tại thủy điện A Vương đạt 350,2m (ngày 3.1) dưới mực nước dâng bình thường 29,8m và dung tích hữu ích chỉ đạt 18,7% trong khi mực nước tại Sông Bung 4 đạt 211,7m (ngày 3.1) dưới mực nước dâng bình thường 10,76m và dung tích hữu ích chỉ đạt 34,2%. Có thể thấy, nguy cơ dẫn đến việc thiếu hụt nước sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô năm 2019 đang hiển hiện nhất là tại TP.Đà Nẵng.

Cải tạo chất lượng nước

Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có tổng diện tích lưu vực là 10.035km2 trong đó diện tích lưu vực sông Thu Bồn tính đến Cửa Đại là 4.610km2, diện tích lưu vực sông Vu Gia đến Ái Nghĩa là 5.425km2. Dòng chảy trên sông Vu Gia - Thu Bồn phân bố không đều giữa các tháng và chủ yếu tập trung trong 4 tháng mùa lũ (chiếm từ 68 - 72%) lưu lượng nhỏ nhất tập trung vào tháng 4, 7, 8.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, nguồn nước trên sông Vu Gia từ giữa năm 2017 đến nay có dấu hiệu ô nhiễm TSS (chất rắn lơ lửng) trong khi trên sông Thu Bồn hầu hết chỉ số đều đạt trong ngưỡng cho phép. Riêng sông Bồng Miêu đã bị ô nhiễm Fe và Pb (34/36 đợt quan trắc có nồng độ trong nước vượt quy chuẩn) bởi nằm ở khu vực địa tầng có quặng chứa nhiều Pb và quá trình khai thác vàng đã làm quặng rửa trôi vào nước... Theo đại diện Sở TN-MT Quảng Nam, nhìn chung chất lượng nguồn nước trên toàn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đã được cải thiện đáng kể so với thời điểm trước năm 2014; trong đó hệ thống sông Vu Gia đã có dấu hiệu ô nhiễm TSS trở lại kể từ năm 2017 bởi tác động của việc xây dựng công trình và khai thác khoáng sản trên đầu nguồn.

Sau nhiều lần khảo sát, Sở TN-MT Quảng Nam và Đà Nẵng đã thống nhất đề xuất sẽ xây dựng 2 trạm quan trắc môi trường nước tự động liên tục dự kiến tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa (Đại Lộc) và cầu Tứ Câu (Điện Bàn) với tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng và chi phí vận hành khoảng 1 tỷ đồng/năm/trạm. Ông Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đồng ý với chủ trương này đồng thời cho rằng: “Về lâu dài TP. Đà Nẵng cần nghiên cứu tìm nguồn nước lên phía trên Ái Nghĩa mới đảm bảo và tăng các chỉ số đánh giá ở Ái Nghĩa lên cao để đảm bảo nguồn nước có chất lượng thực sự, bên cạnh cần đưa chỉ số đo mặn vào trạm Tứ Câu”.

Về việc xây dựng đập Vĩnh Điện, ông Trương Xuân Tý cho rằng: “Hai địa phương cần sớm thống nhất để triển khai công trình, hiện sông Vĩnh Điện phía hạ lưu bị nhiễm mặn của Cửa Hàn, thượng lưu bị nhiễm mặn của Cửa Đại. Quá trình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp; trước đây nhiều chuyên gia đã khẳng định việc xây dựng đập ngăn mặn không ảnh hưởng nhiều đến chế độ dòng chảy trên sông Vĩnh Điện trong quá trình thoát lũ và cũng có khả năng khống chế mặn cho hạ du”. Trong khi theo chuyên gia thủy lợi Huỳnh Vạn Thắng, việc xây đập ngăn mặn ở Vĩnh Điện cần xem xét đến diện tích canh tác nông nghiệp ven sông Vĩnh Điện liệu có đô thị hóa trong thời gian tới hay không để tính toán phương án xây dựng hợp lý.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải thiện chất lượng nước Vu Gia - Thu Bồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO