Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” được kỳ vọng góp phần cải thiện chất lượng sống, nâng cao vị thế của người khuyết tật tại cộng đồng.
Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật (NKT) tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” giai đoạn 2022 - 2026, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) làm chủ dự án được triển khai tại 8 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai.
Dự án có tổng vốn hỗ trợ trong vòng 5 năm là 5.720.750 USD, riêng mức hỗ trợ trong giai đoạn 1 của dự án gần 1.091.550 USD. Dự án triển khai trong 5 năm (2022 - 2026) với 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ tháng 1.2022 đến 12.2022 và giai đoạn 2 từ năm 2023 đến 2026.
Nhiều nội dung chính được triển khai trong giai đoạn hiện nay như: củng cố và phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng cho các địa phương; cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng cho NKT; cung cấp các thiết bị, dụng cụ trợ giúp và chăm sóc cho NKT tại cộng đồng.
Dự án còn hướng tới phát triển câu lạc bộ/nhóm NKT và kết nối việc làm cho NKT; cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng đa chuyên ngành; triển khai các giải pháp hòa nhập cho NKT; hỗ trợ sinh kế; hỗ trợ tâm lý, chăm sóc NKT tại nhà và tại các cơ sở khám chữa bệnh…
Theo bà Cris Fentross - quyền Phó Giám đốc ASAID Việt Nam, theo điều 25 của Công ước quốc tế về quyền của NKT, Việt Nam cũng là một quốc gia tiêu chuẩn thì NKT có quyền được hưởng những tiêu chuẩn cao nhất về y tế mà không bị phân biệt, đối xử. Dự án giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu tại công ước này và hy vọng sẽ cải thiện chất lượng sống cho NKT.
Theo nhìn nhận, đánh giá từ các đơn vị chuyên môn của dự án, mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế trong việc hỗ trợ và cải thiện chất lượng sống cho NKT, song NKT vẫn phải đối mặt với những khó khăn liên quan tới tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục và tham gia các hoạt động xã hội.
Số liệu cho thấy tại Quảng Nam có khoảng 5.200 NKT cần khám phục hồi chức năng và 5.900 NKT cần dịch vụ chỉnh hình, lắp đặt chân tay giả. Mặc dù một số chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục hồi chức năng đã được triển khai tại tỉnh thời gian qua, số lượng cán bộ phục hồi chức năng hiện có vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của NKT tại địa phương. Các dịch vụ chăm sóc cho NKT còn thiếu và chưa đảm bảo về mặt chuyên môn. Chất lượng sống của NKT còn thấp do một số rào cản về mặt thực thi chính sách, thái độ của cộng đồng và một số các rào cản xã hội khác.
Tại Quảng Nam, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP), đơn vị trực thuộc Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam được lựa chọn là đối tác đóng vai trò quản lý dự án. Nhiều hoạt động cộng đồng được tổ chức tại các địa phương Điện Bàn, Đại Lộc, Núi Thành, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tiên Phước, Phú Ninh, Quế Sơn và sẽ mở rộng ra các địa bàn khác.
Dự án góp phần mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống cho NKT. Mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội và triển khai hỗ trợ trực tiếp giúp tăng cường chất lượng sống cho NKT. Cải thiện chính sách, cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hòa nhập xã hội cho NKT. Đồng thời tăng cường năng lực quản lý, thực hiện và hoạt động hỗ trợ NKT ở các cấp...