Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2023 tiếp tục mất điểm và tụt hạng.
Tụt hạng, mất điểm
Ngày 2/4/2024, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023.
Theo đó, Quảng Nam chỉ đạt 40,596 điểm, xếp thứ 48/61 tỉnh, thành (Bình Dương và Quảng Ninh không có dữ liệu này). So PAPI năm 2022, chỉ số này giảm 1,64 điểm, tụt hạng 17 bậc, thuộc nhóm 16 tỉnh, thành đạt điểm trung bình thấp.
Theo phân tích, Quảng Nam có 3/8 chỉ số thành phần tăng điểm (tham gia của người dân ở cấp cơ sở (0,02 điểm), kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (0,05 điểm) và quản trị môi trường (0,09 điểm), 5/8 chỉ số giảm điểm (công khai minh bạch (0,63 điểm), trách nhiệm giải trình với người dân (0,51 điểm), thủ tục hành chính công (0,22 điểm), cung ứng dịch vụ công (0,36 điểm) và quản trị điện tử (0,09 điểm).
Tính về điểm số, duy nhất chỉ số cung ứng dịch vụ công nằm trong nhóm chỉ số đạt điểm trung bình cao (7,6957 điểm). Chỉ số tham gia của người dân cấp cơ sở, quản trị môi trường thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp (4,803 và 3,309 điểm).
Năm chỉ số còn lại (công khai minh bạch (4,5627 điểm), trách nhiệm giải trình với người dân (3,8587 điểm), kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (6,5458 điểm), thủ tục hành chính công (6,901 điểm) và quản trị điện tử (2,9199 điểm) thuộc nhóm chỉ số thấp nhất.
Dữ liệu PAPI cho thấy, sau 15 năm tham dự vào “cuộc đua” xếp hạng hiệu quả quản trị và hành chính công, bản đồ cạnh tranh của Quảng Nam luôn diễn ra theo biểu đồ hình sin, trồi sụt bất thường.
Thống kê 8 năm gần đây (2016 - 2023), PAPI của địa phương luôn ở mức thấp. Từ vị thứ 30 năm 2016 lên hạng 27 năm năm 2017, lại rơi về vị thứ 44 năm 2018.
Các “mệnh lệnh” từ chính quyền như đưa việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện chỉ số PAPI vào đánh giá, xếp hạng cải cách hành chính hàng năm của các sở, ngành, địa phương hay lồng ghép phù hợp việc kiểm tra thực hiện nội dung cải thiện chỉ số này vào nội dung kiểm tra cải cách hành chính... đã đưa Quảng Nam thăng hạng liên tục trong vòng 2 năm (2019 thăng 22 hạng, xếp vị thứ 22 và năm 2020 thăng 1 hạng, xếp vị thứ 21).
Bất ngờ năm 2021, PAPI Quảng Nam rớt hạng đến 14 bậc, xếp vị thứ 35/63 tỉnh, thành, lại thăng hạng 4 bậc năm 2022 (vị thứ 31/63 tỉnh, thành) và tụt hạng không phanh sau cuộc khảo sát năm 2023 khi rớt 17 bậc, xếp vị thứ 48.
Ngay cả điểm số cũng có độ trồi sụt bất thường. Số điểm lần lượt các năm (2018 - 2023) ghi nhận: 43,14 điểm (mất 1,09 điểm), 44,33 điểm (tăng 1,19 điểm), 43,28 điểm (giảm 1,05 điểm), 42,1 điểm (giảm 1,18 điểm), 42,24 điểm (tăng 0,14 điểm) và 40,596 điểm (giảm 1,64 điểm).
Kế hoạch PAPI thuộc nhóm 20 tỉnh đứng đầu cả nước kể từ năm 2021 hoặc phấn đấu năm 2023 có điểm số cao hơn 2022 đã không thể thực hiện được.
Thức nhận để cải cách
Chuyên gia phân tích chính sách công (thuộc UNDP) Đỗ Thanh Huyền nói, PAPI như một tấm gương để địa phương soi chiếu hiệu quả điều hành.
Chính quyền không nên quan tâm nhiều đến thứ hạng. Chỉ cần chú tâm đến các chuyển biến cải cách qua từng năm của các cơ quan công quyền có thực thi đúng các chỉ thị, nghị quyết, cam kết nhất quán về việc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Tìm giải pháp đổi mới, cải thiện về sự điều hành quản trị và hành chính công của địa phương.
Tuy nhiên, kết quả công bố về điểm số, vị thứ PAPI của Quảng Nam chỉ thuộc nhóm các tỉnh, thành có điểm số thấp, rất ít chỉ số thành phần có điểm số trung bình cao là những thống kê “biết nói”.
Qua đó phản ánh thực tế về nỗ lực cải cách, dưới sự giám sát, đo lường trải nghiệm của người dân trong việc điều hành, thực chi chính sách, cung ứng dịch vụ công của chính quyền, cơ quan quản lý còn quá nhiều điểm nghẽn chưa thể tháo gỡ. Năm chỉ số quan trọng thuộc nhóm thấp nhất cho thấy những đề xuất, kiến nghị của người dân đã không được tiếp thu hay giải quyết hợp lý.
Sự sụt giảm của PAPI 2023 thực sự là một bất ngờ lớn. Sở Nội vụ Quảng Nam đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao PAPI, xây dựng cẩm nang tuyên truyền gửi đến cán bộ, công chức, viên chức, mở 16 lớp bồi dưỡng (516 cán bộ, công chức tham dự).
Thường xuyên và đột xuất mở các cuộc kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ tại các cơ quan đơn vị. Nâng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, hủy bỏ các quy định không phù hợp pháp luật.
Các cổng/trang thông tin điện tử gia tăng việc sử dụng dịch vụ công, thanh toán trực tuyến. Thanh tra, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo, tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công. Mở rộng truyền thông và chia sẻ dữ liệu PAPI đến tận người dân, chính quyền cơ sở...
Thông tin này cho thấy không thiếu nghị quyết, quyết định, kế hoạch, đề án, nhưng càng cải cách lại càng “thụt lùi”. Tại sao những nỗ lực cải cách làm hài lòng người dân, hướng đến xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiệu quả… lại chưa thể phát huy tác dụng?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho hay, khá bất ngờ, lẫn ngạc nhiên và lo lắng về sự sụt giảm của PAPI. Kế hoạch cải cách hành chính của địa phương đang được đánh giá khá tích cực.
Tổng điểm không sụt giảm nhiều, nhưng thứ hạng lại giảm mạnh. Điều đó cho thấy trong “cuộc đua” này, các địa phương cải cách mạnh hơn, nhanh hơn.
Hệ thống công vụ phục vụ nhân dân trên tinh thần năng động, sáng tạo của các cấp chưa thể đáp ứng nhu cầu, chưa mang lại sự hài lòng cho người dân. PAPI liên quan đến nhiều vấn đề.
Chính quyền, cơ quan quản lý sẽ đánh giá, phân tích, đo lường cụ thể, nhận diện rõ hơn về sự mất điểm, tụt hạng hay các chỉ số thành phần tăng, giảm điểm của PAPI 2023 để đưa ra các giải pháp cải cách hiệu quả, thiết thực hơn.
Chính quyền cầu thị, sẵn sàng đón nhận những góp ý của tất cả mọi người kịp thời nhận ra khuyết điểm, sửa sai để phục vụ tối đa, nhận lại sự hài lòng của người dân.