Cải thiện hạ tầng thu hút FDI

TÙY PHONG 28/09/2013 09:55

Hạ tầng yếu, thiếu mặt bằng sạch... là chuyện lưu cữu nhiều năm đã trở thành lực cản thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Quảng Nam.

Toàn cảnh

Theo công bố của Sở KH&ĐT, 3 năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã đạt 19.676 tỷ đồng. Kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt, từ hệ thống cảng Kỳ Hà, Tam Hiệp, cầu Cửa Đại gắn với hoàn thiện hệ thống đường ven biển; các đường cứu hộ cứu nạn; nạo vét sông Trường Giang, Cổ Cò, xử lý nước, rác thải… đã được thực hiện. Những công trình trọng điểm này nhanh chóng được triển khai là nỗ lực lớn của Quảng Nam trước sức ép về sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư hàng năm. Tuy nhiên, chính sự thiếu hụt này đã trở thành lực cản khiến địa phương khó có thể thu hút được nhiều nguồn vốn FDI như mong muốn. UBND tỉnh cũng thừa nhận tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn tỉnh đạt thấp.

Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: T.DŨNG
Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: T.DŨNG

Theo nhận định của Sở KH&ĐT, hầu hết dự án FDI tại Quảng Nam chỉ là những dự án nhỏ, chưa có nhiều dự án tầm cỡ thúc đẩy mang tính đột phá. Hoạt động đầu tư kinh doanh không phải lúc nào cũng “thuận buồm, xuôi gió” và 60 dự án với tổng vốn đăng ký 4,561 tỷ USD đã bị rút giấy phép đầu tư trong vòng 5 năm qua (2007 - 2012) là minh chứng rõ nhất cho sự sụt giảm của khu vực FDI. Kế hoạch thu hút FDI đã không như mong muốn, 16 dự án đưa ra mời gọi cho giai đoạn 2010 - 2015 với nhiều triển vọng đã không thể thực hiện được. Theo một báo cáo mới đây của Sở KH&ĐT, hiện Quảng Nam có 82 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 5,226 tỷ USD, phân bố chủ yếu là các dự án du lịch, dịch vụ, công nghiệp và may mặc, giải quyết lao động ở các khu, cụm công nghiệp ở Khu Kinh tế mở Chu Lai, Hội An, Điện Bàn và Duy Xuyên… Thậm chí cơ quan chủ quản không còn đưa ra mục tiêu và dự báo tốc độ thu hút FDI như các năm trước nữa.

Chờ cải thiện hạ tầng và thể chế

Theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh (nhóm Habitat – Việt Nam), nếu chậm trễ trong quá trình cải cách hành chính và triển khai thực hiện chính sách dựa trên cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành của tỉnh sẽ làm suy giảm chỉ số PCI. Điều này không chỉ làm mất đi cơ hội thu hút nguồn lực tài chính, con người và còn mất luôn cơ hội đầu tư trong tương lai.

Nếu các DN trong nước mong muốn được hưởng lợi và trông chờ vào những tác động từ ưu đãi về thuế, cải thiện môi trường pháp lý thì khối DN nước ngoài trông chờ nhiều nhất vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng. Đây cũng là lý do, đồng thời là sức ép lớn của khối này khi thương thảo với chính quyền trước khi quyết định có mở rộng đầu tư hay không. Trong các hội nghị xúc tiến đầu tư, những yếu kém trong hệ thống cơ sở hạ tầng, chậm trễ xây dựng cầu đường, cảng biển và các hạ tầng trên đất liền có liên quan… là những vấn đề được nêu ra nhiều nhất. Ông Nguyễn Quang Ninh - Tổng Giám đốc Indochina Capital cho rằng quy hoạch ven biển vẫn còn đang “mù mờ”, chưa được công khai nên bối rối trong việc triển khai các dự án đầu tư. Văn bản pháp luật thay đổi thường xuyên, DN khó có thể nắm bắt hết được nên rất cần cơ quan thuế hỗ trợ, kiểm tra, hướng dẫn để làm tốt hơn. Một căn bệnh “trầm kha” nhiều năm không giải quyết nổi vẫn là chuyện “trên bảo dưới không nghe”. Tất cả chủ trương, vướng mắc của DN đều được chính quyền tỉnh hỗ trợ, giải đáp để vượt qua khó khăn, nhưng về địa phương thì ì ạch, tiếp tục ách tắc. “Một khi tạo lập sự công bằng cho các nhà đầu tư, hoàn chỉnh các khu tái định cư, giải phóng mặt bằng để có một quỹ đất sạch; cải thiện thể chế, chính sách thông thoáng… để kêu gọi đầu tư thì Quảng Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công trong nay mai” - ông Ninh nói.

 Theo các chuyên gia kinh tế, giữa bối cảnh kinh tế thế giới đang bị suy thoái, các tập đoàn đa quốc gia đang cắt giảm danh mục dự án đầu tư ra nước ngoài, trong khi đó các quốc gia và địa phương đang cạnh tranh quyết liệt để thu hút FDI... thì việc Quảng Nam lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư tiềm năng chính là nhờ sự năng động trong vận dụng cơ chế chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực xây dựng một môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh và đề ra các chính sách thu hút phù hợp. Theo Sở KH&ĐT, Quảng Nam sẽ dồn sức để huy động nguồn ngân sách xây dựng kết cấu hạ tầng, các nguồn năng lượng phục vụ sản xuất, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thể chế chính sách và thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động xúc tiến, thu hút, triển khai các dự án đầu tư FDI và tạo một hành lang pháp lý cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư và mở rộng. Ông Đoàn Ngọc Minh - Trưởng phòng Hợp tác đầu tư (Sở KH&ĐT) nói trình độ lao động, cơ sở hạ tầng hiện tại chưa thể đáp ứng yêu cầu nên nhà đầu tư chỉ mới dừng ở các dự án dịch vụ. Vì thế, để đón được làn sóng FDI, rất cần thể chế, chính sách thu hút đầu tư thay đổi thì mới mong có kết quả tốt.

TÙY PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải thiện hạ tầng thu hút FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO