Nghiên cứu, tìm giải pháp nhằm cải thiện chất lượng và năng suất cây lòn bon là nhiệm vụ khoa học đang được Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) thực hiện giai đoạn 2015 - 2018.
Suy giảm cả lượng lẫn chất
Tại Quảng Nam, cây lòn bon phân bố nhiều ở địa bàn các huyện Tiên Phước, Đông Giang và Nam Giang với tổng diện tích hơn 400ha. Trong đó, tại Tiên Phước, cây lòn bon phân bố chủ yếu ở các xã Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Kỳ, Tiên Mỹ với tổng diện tích trồng trong vườn nhà khoảng 242ha, trong số đó 120ha đã cho thu hoạch qua nhiều vụ. Tại Đông Giang (100ha) và Nam Giang (khoảng 65ha), cây lòn bon phần lớn phân bố dưới tán rừng tự nhiên, tập trung ở các xã Kà Dăng, Ma cooih, Jơ Ngây của huyện Đông Giang và các xã Tà Pơ, Cà Dy của huyện Nam Giang. Cây lòn bon trên địa bàn tỉnh chủ yếu được trồng bằng hạt, chưa được can thiệp bởi các biện pháp nhân giống vô tính như ghép cây, ghép mắt nhằm cải thiện năng suất và chất lượng như các loại cây trồng khác. Tại các huyện Nam Giang, Đông Giang, một cây lòn bon có thể cho năng suất 50 - 150kg/năm, riêng tại Tiên Phước, do cây được trồng trong vườn nhà, được tác động bởi các biện pháp thâm canh hợp lý nên năng suất có thể đạt 200 - 400kg/cây/năm.
Hội thảo tìm giải pháp nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng lòn bon. Ảnh: Hoàng Liên |
Nhiều năm gần đây, do giá tăng cao, có thời điểm lên tới 20.000 - 25.000 đồng/kg, cây lòn bon đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo của các huyện Đông Giang, Tây Giang và Tiên Phước. Song, đây là loài cây chịu sự tác động nhiều bởi khí hậu, thời tiết; năm nào nhiệt độ không quá cao, tháng 6 không có gió Lào thì tỷ lệ đậu trái nhiều, chất lượng cao hơn các năm và ngược lại. Tình trạng ra trái cách năm tại các vườn rừng cũng đang là nỗi lo của nhà nông. Cụ thể như tại Tiên phước, cứ 3 - 4 năm mới có một năm được mùa, các năm còn lại cây ra trái rất ít hoặc chỉ ra trái ở vụ phụ. Ở thời điểm năm 2010 - 2012, sản lượng lòn bon Tiên Phước tăng dần từ 350 tấn lên 1.000 tấn năm 2012, đạt 15 tỷ đồng; song giai đoạn 2013 - 2014 sản lượng lại rất thấp, chỉ chừng 250 - 300 tấn. Riêng năm 2015 này cây lòn bon gần như mất mùa ở vụ chính mà chỉ ra trái khiêm tốn ở vụ phụ khiến nhà nông mất đi nguồn thu đáng kể. Nhiều diện tích lòn bon, nhất là ở miền núi có hiện tượng thoái hóa giống, trái chua, hạt to, khó cạnh tranh với sản phẩm lòn bon Thái Lan trên thị trường.
“Năm 2015, cây lòn bon không cho hoa, quả vụ chính là một thực tế cần đẩy mạnh nghiên cứu, xem xét nguyên nhân cụ thể và có hướng cải thiện, khắc phục. Yếu tố giống gần như quyết định về năng suất lẫn chất lượng, vậy nên cần phải chọn cây đầu dòng, triển khai nhân giống vô tính, hỗ trợ giống đến người dân. Trước hết tập trung nhiệm vụ khôi phục năng suất đối với cây lòn bon, sau đó sẽ là giải pháp nâng chất lượng, bởi tình trạng mất mùa, cây lòn bon chỉ cho trái vụ phụ gần đây diễn ra liên tiếp”. (Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ - Phạm Viết Tích) |
Ông Tống Viết Thuần - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết: “Dù ngành nông nghiệp huyện có cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn rừng, song những nghiên cứu tác động lên cây lòn bon còn hạn chế, kinh phí còn khó khăn. Vậy nên, cần các biện pháp can thiệp đến vụ chính càng sớm càng tốt như: giải pháp cải thiện tình trạng thoái hóa giống, các kỹ thuật trồng thâm canh, sử dụng biện pháp ức chế sinh trưởng, bón phân và tưới đủ nước để nâng cao năng suất cũng như chất lượng trái”. Ông Nguyễn Hiếu Tín - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Nam Giang chia sẻ thêm, việc thu hái đại trà khi trái còn xanh xảy ra ở một số nơi cũng là nguyên nhân khiến trái chua, không ngọt như một số vùng. Vì vậy, việc tuyên truyền nhân dân thu hái đúng cách, đúng thời điểm là hết sức cần thiết.
Áp dụng kỹ thuật thâm canh
Theo lý giải của TS. Vũ Mạnh Quyết (Viện Thổ nhưỡng nông hóa), trước hết, chính sự thiếu đầu tư thâm canh đối với cây trồng, thiếu bón phân, bón vôi, tưới nước chưa hợp lý đã khiến nhiều diện tích lòn bon suy giảm sản lượng lẫn chất lượng. Sự thoái hóa giống tại các diện tích rừng, vườn rừng đã thu hoạch lâu năm bởi cây lòn bon chủ yếu được trồng bằng hạt, từ cây mẹ rơi vãi, chưa được chọn lọc. Trong khi đó, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, chiết ghép chưa thành công, các cây chiết ghép đều chết hoặc phát triển kém. Tại Tiên Phước, dù nông dân đã biết đầu tư, chăm bón nhưng kỹ thuật thâm canh chưa cao, việc áp dụng khoa học kỹ thuật đối với cây trồng trong nông dân còn thấp, chỉ đạt khoảng 20% số hộ. Trong khi tại Đông Giang hầu như người dân chưa quan tâm đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Vì vậy, trong vòng 3 năm (2015 - 2018), việc điều tra khảo sát thực trạng cây lòn bon trên địa bàn Quảng Nam, đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng sẽ được Viện Thổ nhưỡng nông hóa tiến hành. “Chúng tôi sẽ triển khai những biện pháp kỹ thuật và thiết kế công thức phân bón phù hợp, kỹ thuật thâm canh, nhân giống (chiết, ghép)… trên một số mô hình điểm. Trên cơ sở so sánh với đối chứng, đánh giá cụ thể thành quả đạt được, chúng tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật đến người dân” - TS. Quyết nói.
Không ít cán bộ khoa học tỏ ra băn khoăn về bài toán nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng lòn bon xứ Quảng. Ông Lương Minh Tâm - cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, giữa chất lượng và năng suất, nên xác định đặt nặng cái nào hơn trong quá trình nghiên cứu. Tăng năng suất tuy khó nhưng dễ vì áp dụng kỹ thuật, thâm canh, bổ sung dinh dưỡng là có thể đạt; nhưng cải thiện chất lượng trái lại cực kỳ khó. Vì sao trên cùng một mảnh đất Tiên Phước nhưng chất lượng lòn bon ở Tiên Châu lại ngon và có tiếng nhất? Vì vậy, phải nghiên cứu về độ cao, khí hậu, giống, địa hình, tập quán trồng trọt, cần loại bỏ dần những giống có chất lượng và năng suất thấp, giữ lại những giống có chất lượng và năng suất cao. “Để xây dựng thương hiệu đặc sản này, bài toán chất lượng phải là ưu tiên số 1” - ông Tâm bày tỏ.
Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh nói, vấn đề suy thoái giống, giảm năng suất và chất lượng ở cây lòn bon là trăn trở của miền núi Đông Giang và Nam Giang. Cùng một huyện, song có nơi lòn bon vị ngọt thơm nhưng có nơi lại cho trái chua, phải chăng là do yếu tố thổ nhưỡng, cần nghiên cứu rõ. “Thiết nghĩ, trước mắt cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng trái, những vùng có chất lượng trái ngon, cần khuyến khích phát triển, còn những vùng cho trái chua thì không. Việc xây dựng mô hình thâm canh cây lòn bon cần chọn khu vực có phẩm chất trái tốt để triển khai. Việc chuyển giao kỹ thuật cần tận tình theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” vì đồng bào miền núi không có thói quen trồng thâm canh. Nên tập trung mạnh cho Đông Giang và Nam Giang, giúp đồng bào thoát nghèo từ cây này, cùng với đó phải tạo dựng thương hiệu cho loại trái đặc sản xứ Quảng” - bà Thủy góp ý.
HOÀNG LIÊN