Kết quả quan trắc gần đây cho thấy, môi trường tại nhiều khu vực đã được cải thiện đáng kể.
Công nhân môi trường xử lý hiện tượng dầu vón cục tại bãi biển Núi Thành. |
Tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị quá nhanh nên chất lượng nguồn nước cũng bị ảnh hưởng. Sông Vĩnh Điện có nồng độ dầu mỡ ở mức cao (thời điểm đột biến vượt gấp 71,5 lần quy định cho phép). Quan trắc chất lượng nước trên sông Hoài chảy qua Hội An qua các năm cho thấy ngoài chất rắn lơ lửng (TSS) còn có nhiều thông số dầu mỡ, hàm lượng sắt, amoni phosphat và vi sinh coliform bị ô nhiễm từ sự phân bố dân cư đông đúc cùng hệ thống nhà hàng, khách sạn ven sông dày đặc. Hàm lượng sắt trong nước biển khu vực cảng Cửa Đại, Cửa Lở đều vượt giới hạn cho phép. Lượng nước thải từ các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) ước 23.600m3/ngày đêm, nhưng chỉ có KCN Điện Nam – Điện Ngọc, Bắc Chu Lai và CCN Trường Xuân có hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 7.100m3/ngày đêm. Lượng nước thải còn lại chưa qua xử lý sẽ đổ xuống sông suối, môi trường chung quanh. Một thời gian các địa phương thu hút đầu tư bằng mọi giá nên các nhà máy, CCN ồ ạt ra đời mà không đầu tư hạng mục xử lý môi trường. Công cuộc khắc phục, giải quyết hậu quả lịch sử để lại cho đến nay vẫn còn dở dang.
Thế nhưng, liên tiếp những động thái gần đây của chính quyền các cấp cho thấy trên đường phát triển bền vững, bảo vệ môi trường được xem như nhiệm vụ sống còn. Ngay ở “huyện công nghiệp” như Núi Thành cũng dám quyết định dừng lại ở giai đoạn 1 CCN Trảng Tôn, khắc phục ô nhiễm môi trường giữa lòng thị trấn, không cấp thêm dự án sản xuất dăm gỗ tại CCN Nam Chu Lai. Đóng cửa nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai khi chưa thực hiện đầy đủ các quy định, cam kết bảo vệ môi trường. Các địa phương còn lại, tỉnh yêu cầu tất cả KCN bắt buộc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Và mới đây, Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh cương quyết không phê duyệt đề án bảo vệ môi trường của một CCN mà chỉ có mỗi một nhà máy sản xuất.
Bức tranh về môi trường cũng lộ diện nhiều gam màu sáng. Công bố kết quả quan trắc môi trường mới đây của Sở TN-MT cho thấy, chất lượng nguồn nước ở các con sông trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tích cực. Điển hình nguồn nước ở hệ thống sông Vu Gia không còn ô nhiễm chất TSS như năm 2015 và có chất lượng tốt ở phần lớn thông số hóa lý, hữu cơ, chất dinh dưỡng, hóa chất độc hại cyanua, dầu mỡ, chất hoạt động bề mặt, kim loại Hg và Cd. Tương tự, từ năm 2016 đến nay sông Thu Bồn cải thiện đáng kể về hàm lượng TSS trong nước và đạt mức cho phép ở các thông số như pH, DO, chất hữu cơ (BOD5, COD), chất dinh dưỡng (NH4, PO43-), cyanua, dầu mỡ, chất hoạt động bề mặt, các kim loại Fe, Hg và Cd, ngoại trừ bị nhiễm mặn thông số clorua. Chất lượng nước sông Trường Giang đạt mức cho phép ở hầu hết thông số, chỉ bị nhiễm mặn tự nhiên đã hiện hữu trên sông, cao nhất là vào các tháng mùa kiệt (tháng 4 và tháng 5), nguyên nhân là vì sự xâm nhập mặn tự nhiên. Điểm sáng nổi bật nhất là nước biển ven bờ tại nhiều khu vực bãi tắm có sự cải thiện đáng kể, với phần lớn các thông số gồm pH, TSS, NH4, dầu mỡ, coliform và kim loại Fe đều nằm trong giới hạn cho phép. Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN-MT đánh giá, nhìn chung môi trường nước, đất, không khí, trầm tích... có chuyển biến tích cực. Đặc biệt nguồn nước ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã trong xanh trở lại nhờ kiểm soát chặt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép phía thượng nguồn.
TRẦN NGUYỄN