Soi rọi chính mình
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 của Quảng Nam được xếp thứ hạng 14/63 tỉnh thành, tăng 13 bậc so với năm 2013. Điều này cho thấy cam kết cải thiện môi trường đầu tư của Quảng Nam đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, PCI của Quảng Nam vẫn chưa vươn lên được nhóm tốt, rất tốt. Vì sao?
Các cuộc điều tra, khảo sát, tập hợp tiếng nói gần 10.000 doanh nghiệp dân doanh và 1.500 doanh nghiệp FDI của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra bức tranh PCI 2014 khá toàn diện về môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong khi Đà Nẵng tiếp tục ngôi vị “quán quân” thì chỉ số PCI của các tỉnh, thành vùng duyên hải miền Trung đã thấy hiện tượng đảo chiều khá mạnh. Mừng là trong bảng xếp hạng PCI, Quảng Nam đạt 59,97 điểm của 10 chỉ số thành phần, xếp vị thứ 14, tăng 13 bậc so với vị thứ 27 của năm 2013.
Tăng/giảm điểm chỉ số nào?
Ngoài các chỉ số như tính minh bạch, thiết chế pháp lý tiếp tục tăng điểm thì chỉ số gia nhập thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động - vốn bị sụt giảm năm 2013, đã có sự cải thiện đáng kể. Nhưng chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính năng động, cạnh tranh bình đẳng đã từng đạt điểm số cao - tăng điểm năm 2013, lại bị sụt giảm nghiêm trọng. Riêng chỉ số chi phí không chính thức liên tục bị mất điểm trong mắt doanh nghiệp qua các năm. Phân tích PCI năm 2014, cho thấy nỗ lực của chính quyền và cơ quan quản lý cũng chỉ đủ để đưa năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Quảng Nam đứng vị thứ 4 vùng duyên hải miền Trung, chưa đủ lực để thăng hạng vào nhóm tốt.
Các cuộc đối thoại thường kỳ hàng tháng và một cửa liên thông đã giúp Quảng Nam cải thiện một vài chỉ số trong PCI.Ảnh: T.D |
Theo nhận định của nhiều cơ quan quản lý, doanh nghiệp, 5 chỉ số (nêu trên) của Quảng Nam tăng điểm là kết quả, nỗ lực hiện thực hóa các nghị quyết, quy định, chỉ thị cải thiện môi trường đầu tư hay các “sáng kiến” “một cửa liên thông”, đối thoại doanh nghiệp thường kỳ đã bắt đầu phát huy hiệu lực. Song, 5 chỉ số giảm điểm lại cho thấy sự vận hành cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư vẫn nằm trong giai đoạn thử nghiệm. “Một cửa liên thông” hay đối thoại đã mang lại nhiều thiện cảm, nhưng để sự vận hành suôn sẻ đến mức thông thoáng cao nhất vẫn là chuyện không dễ dàng. Không ít nhà đầu tư nói dù UBND tỉnh đã giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện cơ chế, nhưng cơ quan này không thể toàn quyền quyết định. Họ cũng chỉ là nơi tiếp nhận và “trung chuyển” hồ sơ, thủ tục đầu tư đến sở, ban ngành chủ trì giải quyết thủ tục và trả kết quả cho nhà đầu tư. Còn sự hợp tác hay không giữa các cơ quan công quyền đến đâu chưa thể phân định được. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục tốn nhiều chi phí thời gian và tính năng động của địa phương chưa thể được chấm điểm cao. Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp thừa nhận cơ chế “một cửa liên thông” vẫn… chưa thông, vì không thể giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp đúng thời hạn quy định của cơ chế này. Đó là chưa kể đến sự thiếu hụt mặt bằng hay việc không thống nhất về giá đất đã khiến Quảng Nam bị mất điểm. Ông Võ Văn Hùng - Trưởng ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp than phiền vì thiếu mặt bằng và không thể phân định được giá đất nên nhiều nhà đầu tư đã bỏ đi. Không có mặt bằng, giá đất thì dù có mời gọi, phê duyệt nhưng dự án đầu tư cũng sẽ đứng bánh. Đó là lý do chỉ số tiếp cận đất đai bị mất điểm trong mắt doanh nghiệp!
Soi mình để cải thiện
Có thể coi chỉ số PCI như một tấm giấy chứng nhận về năng lực điều hành kinh tế của chính quyền địa phương, bởi khá nhiều nhà đầu tư đã tham khảo và xác định chỉ số PCI để cân nhắc, lựa chọn đầu tư trước những địa phương có điều kiện giống nhau. Chính bảng xếp hạng này đã trở thành động lực, tạo ra những cuộc đối thoại công tư thiết thực để thúc đẩy cải cách và tạo ra sự thay đổi. Sau nhiều hội nghị phân tích chỉ số PCI thường niên, nhiều doanh nghiệp nói họ cần sự cam kết mạnh mẽ và cụ thể hóa trên thực tế bằng những quyết sách rõ ràng của chính quyền và cơ quan quản lý hơn là mở những cuộc gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp thường kỳ còn mang tính chiếu lệ.
PCI tụt hạng hay thăng hạng là vấn đề chưa quan trọng bằng việc xem xét các chỉ số thành phần có được cải thiện, hay cải thiện như thế nào để có biện pháp khắc phục những hạn chế, rào cản. Nếu các doanh nghiệp trong nước, hầu hết muốn hưởng lợi và trông chờ vào những tác động từ ưu đãi về thuế, cải thiện môi trường pháp lý, cạnh tranh bình đẳng… thì doanh nghiệp FDI lại trông chờ nhiều nhất vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng. Đó là sức ép lớn nhất của các doanh nghiệp FDI khi thương thảo với chính quyền trước khi quyết định đầu tư hay mở rộng sản xuất. Nhưng hiện tại dường như Quảng Nam vẫn chưa thể đáp ứng nổi một quỹ đất sạch trước sự ngổn ngang ách tắc của bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư… nên đã trở thành lực cản thu hút đầu tư. Không phải ngẫu nhiên mà tại nhiều cuộc họp, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, người đã từng có nhiều năm làm việc ở một cơ quan xúc tiến đầu tư, từng yêu cầu tỉnh đưa ra chỉ tiêu cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, mở thêm nhiều cuộc đối thoại, nâng chất lượng các cuộc tiếp dân, có cơ chế khuyến khích giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, ít nhất phải đạt mục tiêu vào tốp 10 của chỉ số PCI. Việc chậm trễ cải cách hành chính, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan công quyền sẽ làm giảm điểm chỉ số PCI, làm mất đi cơ hội thu hút nguồn tài chính, nhân lực và đầu tư cho tương lai. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cũng đã nhiều lần chỉ trích các cơ quan liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng… khi khá nhiều doanh nghiệp đã phải chọn cách ra đi khi không kiếm đâu ra mặt bằng sạch hay địa phương lúng túng, không thể phân định rạch ròi về giá đất thuê cho các dự án.
Có phải chính vì những quyết sách đã không được thể hiện rõ nét, đồng bộ trên thực tế, nên dưới mắt doanh nghiệp, thứ hạng PCI của Quảng Nam lúc trồi lúc sụt và chưa thể vươn lên nhóm tốt, rất tốt?
TRỊNH DŨNG
Lót ổ đợi trứng vàng
Việc kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi; thiết lập các dự án cơ hội để “lót ổ” đón thời cơ và làn sóng đầu tư mới, được xem là những cách để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ô tô Chu Lai - Trường Hải vươn lên chiếm một phần ba thị phần ô tô Việt Nam và chuẩn bị đàm phán để liên kết sản xuất phụ tùng ô tô Mazda.
Khu liên hợp sợi - dệt - nhuộm - may Quế Sơn đã được khởi công xây dựng trên diện tích 10ha, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Dự kiến đến quý III/2017, khu liên hợp sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động. Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, khi đi vào sản xuất, Khu liên hợp này sẽ cho doanh thu 2.000 tỷ đồng, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 40 triệu USD mỗi năm.
Khu công nghiệp Tam Thăng, với tổng diện tích gần 194ha, cũng đã được khởi công sau nhiều năm kêu gọi đầu tư. Trong đó, Tập đoàn Dệt may Panko Hàn Quốc chính thức cam kết đầu tư dự án dệt may tại đây với tổng vốn đăng ký hơn 30 triệu USD, diện tích 30ha.
Thiếu mặt bằng sạch khiến chỉ số tiếp cận đất đai tiếp tục bị mất điểm trong mắt doanh nghiệp.Ảnh: T.D |
Không kể những dự án khác, chỉ nêu những chuyển động đáng chú ý trên đủ cho thấy “mũi đột phá” về môi trường đầu tư của Quảng Nam có thêm nét sáng. Đó cũng là hệ quả tích cực của quá trình bền bỉ tạo dựng, lót ổ với những dự án đón đầu cơ hội. Ngay như Khu kinh tế mở Chu Lai, không phải ngày một ngày hai mà có được 63 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện khoảng 793 triệu USD. Hiện, các dự án tại khu kinh tế này hằng năm đóng góp gần 70% nguồn thu ngân sách của tỉnh (khoảng 5.000 tỷ đồng). Bên cạnh đó, dự án nhà máy bia đầu tư tại Điện Nam – Điện Ngọc đã khởi động, dự kiến sau khi vận hành sản xuất sẽ góp thêm mỗi năm 700 – 1.000 tỷ đồng vào ngân sách.
Tiếp tục “dàn trận”
Thành công của kêu gọi đầu tư được minh chứng bằng việc triển khai thực thi các dự án. Tuy nhiên, nếu rà soát các dự án cơ hội đã được thiết lập và xúc tiến kêu gọi đầu tư, sẽ thấy những vấn đề đáng lưu ý.
Từ năm 2013, Quảng Nam đã đưa ra ít nhất 10 dự án cơ hội để ưu tiên kêu gọi đầu tư, gồm: dự án Khu đô thị - du lịch sinh thái ven sông Cổ Cò (Điện Bàn); dự án “Tái tạo, phát triển rừng dừa nước để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng” (Hội An); dự án Xử lý nước thải TP.Hội An giai đoạn 2; dự án “Khu du lịch văn hóa đa chức năng TP. Hội An”; dự án “Khu công viên sinh thái Sông Đầm” (Tam Kỳ); dự án “Khu dịch vụ, du lịch cao cấp tại biển Tam Thanh”; dự án trang trại chăn nuôi bò sữa và nhà máy chế biến sữa tươi; dự án Khu phức hợp Đô thị - du lịch - dịch vụ Nam Hội An; dự án Đầu tư xây dựng trung tâm dệt may Quảng Nam”; dự án Xây dựng Trung tâm khí - điện - đạm Quảng Nam. Quy mô kêu gọi đầu tư vốn cho mỗi dự án trên, ước tính từ vài chục triệu đến vài tỷ USD. Các dự án cơ hội “dàn trận” trên địa bàn rất rộng, gần như xuyên suốt vùng đông Quảng Nam – được xem là “cửa ngõ” mở ra động lực mới. Tuy nhiên, qua gần 2 năm xúc tiến kêu gọi đầu tư, kiểm đếm số dự án được thực thi còn ít hoặc có biến động, thay đổi. Ví như dự án khu Đô thị - du lịch - dịch vụ Nam Hội An, giờ mới xúc tiến giai đoạn 1 với 500 triệu USD trong khi vốn dự kiến phải là 2 tỷ USD; hoặc Trung tâm khí - điện - đạm có thể phải dời địa điểm thực hiện dự án và quy mô vốn rất lớn chứ không chỉ là 1 tỷ USD như dự kiến.
Vì sao nhiều dự án cơ hội chưa “hít” nhà đầu tư? Có nhiều lý do, vì quy hoạch chưa phù hợp, vì kêu gọi chưa mạnh và hữu hiệu, vì thủ tục đầu tư, vì kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn v.v. Nói chung có thể viện nhiều lý do để biện minh cho việc dàn trận đón lõng chưa hiệu quả. Song, dù chưa đạt mong muốn thì dự án cơ hội vẫn cần tiếp tục thiết lập để lót ổ đợi đầu tư. Còn việc có đón được quả trứng vàng hay không thì cần hội tụ đủ yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Lần theo sợi chỉ
Cổ nhân từng đúc kết, muốn có công, có phượng thì phải làm tổ cho nó. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi và thiết lập các dự án cơ hội để đón thời cơ chính là cách “làm tổ” trước cho các nhà đầu tư vào làm ăn. Chuyện thiên thời, thiên cơ khó đoán, nên để việc xúc tiến kêu gọi đầu tư hiệu quả trước hết cần xem lại năng lực cạnh tranh của chính mình. Có thể lần theo “sợi chỉ” là những chỉ số người ta đo đếm được về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để rút tỉa hạn chế cần khắc phục. Như năm 2014, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Nam được cải thiện đáng kể về thứ hạng, nhưng đi vào các chỉ số thành phần trong PCI thì còn thấy quan ngại. Trong 10 chỉ số để tính PCI, đáng mừng là năm 2014 Quảng Nam có 5 chỉ số tăng điểm so với 2013 (gia nhập thị trường, tính minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý). Nhưng có 5 chỉ số giảm điểm (chỉ số cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, chi phí thời gian, tính năng động). Vì kết quả PCI dựa trên khảo sát đánh giá của doanh nghiệp là chính, nên với những chỉ số giảm điểm kể trên là điều đáng lo cho Quảng Nam. Ở góc độ xúc tiến đầu tư, nếu không năng động, trong khi thủ tục đầu tư còn rườm rà gây tốn chi phí thời gian và làm tăng chi phí không chính thức, thì sẽ khó kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp vào làm ăn. Mặt khác, khi dự án cơ hội đã được kêu gọi chào mời, người ta vào rồi mà lại gặp vấn đề cạnh tranh không bình đẳng, phức tạp trong giải phóng mặt bằng, thủ tục tiếp cận đất đai cho dự án, thì họ cũng rút lui hoặc để dây dưa.
Khi chọn con đường phát triển với chỉ tiêu tăng trưởng cao, nhiều địa phương đều cố gắng tạo môi trường thu hút đầu tư. Không ít người cứ nghĩ việc “lót ổ” cho con gà – các dự án đầu tư, và nó có thể đẻ ra trứng vàng. Lý luận ấy còn suy diễn với cấp số nhân, rằng nhiều quả trứng sẽ tiếp tục vòng đời để sinh cả bầy gà. Hậu quả là nơi nào cũng có hiện tượng đầu tư tràn lan, nào cảng biển, sân bay, khu công nghiệp… Trong khi đó, vì nôn nóng đua tranh mà quá trình thẩm định năng lực tài chính của nhà đầu tư có nhiều kẽ hở, nên dù đã bỏ vốn xây hạ tầng khu công nghiệp để thu hút đầu tư nhưng không lấp đầy được. Do đó, hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả đầu tư giảm rõ rệt. Nói nôm na, có cả bầy gà nhưng giá trị cũng không hơn bao nhiêu so với con gà đầu tiên, dù phải qua mấy lượt đẻ trứng. Vì vậy, đã đến lúc, người ta đặt lại vấn đề chất lượng tăng trưởng và việc hiện thực hóa các dự án cơ hội.
Bài học về nắm thời cơ, chớp thời cơ, tạo thời cơ không chỉ có ý nghĩa trong lịch sử kháng chiến làm nên đại thắng mùa xuân 40 năm trước mà còn trong thời bình - để làm giàu trong nền kinh tế thị trường.
NGUYỄN ĐIỆN NAM
Cạnh tranh tiếng gáy
Sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014, nhiều nhà quan sát nhận xét không khí cạnh tranh thể hiện ngày càng thực chất và quyết liệt hơn. Điều đó có được nhờ số lượng doanh nghiệp tham gia phiếu điều tra khảo sát tăng lên và ở sự đua tranh trong bảng xếp hạng. Một số địa phương đã thức nhận ý nghĩa sự đánh giá qua PCI nên riết róng cải thiện tình hình và kết quả là thứ hạng trên bảng tổng sắp thay đổi. Như Quảng Nam, năm 2013 đứng thứ 27/63 tỉnh thành thì nay đã lên vị thứ 14. Nếu xét trong 10 tỉnh vùng duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa), Quảng Nam từ vị trí thứ 6 (năm 2013) vươn lên vị trí thứ 4 (2014). Riêng thành phố Đà Nẵng, có sự bứt phá rất lớn để cải thiện PCI, nên từ vị trí 12 năm (2012) vươn lên vị trí quán quân liên tục trong 2 năm qua.
Một số nhà báo diễn đạt nôm na không khí đua tranh để cải thiện PCI là “gà tức nhau tiếng gáy”. “Tức” chứ không có chuyện “ghét” nhau vì triết lý cạnh tranh ngày nay là tất cả cùng thắng (win-win). Tuy nhiên, rõ ràng trong đua tranh không ai lại muốn mình đứng chót bảng hay cứ đì đẹt giẫm chân tại chỗ. Sự “nóng ruột” thể hiện như một số tỉnh thành đã thành lập ban chỉ đạo để cải thiện PCI, đồng thời rà soát, cải cách, quyết liệt thực hiện từng chỉ số thành phần. Đà Nẵng thực hiện sáng kiến “Năm Doanh nghiệp”. Lào Cai sáng kiến xây dựng bộ chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh tới cấp huyện trong tỉnh (DCI). Đồng Tháp, Tuyên Quang gia tăng đối thoại, đồng hành với doanh nghiệp. Sáng kiến, năng động và nâng cao năng lực điều hành để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là một trong những đích ngắm để cải thiện PCI. “Tức” nhau tiếng gáy là ở chỗ này, tại sao tỉnh này không làm được như tỉnh kia khi tiềm năng tương đồng; và năng lực điều hành của lãnh đạo địa phương như thế nào nếu so sánh trong tổng thể vùng, quốc gia.
Dù có cải thiện thứ hạng PCI đáng kể trong bảng tổng sắp năm 2014, đứng vị trí cao của nhóm khá (đứng thứ 2 sau Thừa Thiên Huế) nhưng “tiếng gáy” của Quảng Nam còn bình bình. Thực tế là, vị trí xếp hạng năm 2014 (tổng điểm 59,97) chỉ bằng với năm 2008, và nhỉnh hơn năm 2012 một bậc; và vẫn chưa vượt qua đỉnh của chính mình từng đạt là vị trí thứ 11 (năm 2011, đạt tổng điểm 63,4). Xét ở bảng vùng duyên hải miền Trung, Quảng Nam vẫn ở khoảng giữa, trung bình.
Đêm về sáng nghe tiếng gà báo thức. Cả xóm có bừng lên xôn xao hay không thường bắt đầu từ tiếng gáy đầu tiên, vang xa nhất. Đà Nẵng đang là đầu đàn vùng duyên hải miền Trung và dẫn đầu cả nước. Quảng Nam ở sát bên hông có nghe theo kịp và cất tiếng gáy cạnh tranh không?
ĐĂNG QUANG