Cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao thứ hạng PCI 2023: Chờ doanh nghiệp "cho điểm"

TRỊNH DŨNG 30/11/2023 08:00

Kế hoạch cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2023 (PCI 2023) bằng những hành động cụ thể, phù hợp, tương thích thực tế điều hành kinh tế địa phương đang chờ kết quả cuối cùng từ sự “chấm điểm” của cộng đồng doanh nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và các nhà đầu tư thứ cấp trong các khu, cụm công nghiệp là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của địa phương. Ảnh: T.D
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và các nhà đầu tư thứ cấp trong các khu, cụm công nghiệp là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của địa phương. Ảnh: T.D

Suy giảm...

Sau 5 năm liền (2015 – 2019) nằm trong nhóm tốt, tốp 10 địa phương có điểm số, thứ hạng PCI cao nhất Việt Nam, Quảng Nam đã bất ngờ bị “dội gáo nước lạnh”.

Mục tiêu nằm trong tốp 10, cụ thể hơn là tiến sát đến vị thứ 6 trên bảng xếp hạng các năm sau và tổng điểm đạt từ 70,5 điểm trở lên, đã không thể hiện thực. Thậm chí Quảng Nam còn liên tục rớt hạng 3 năm liền (2020 – 2022), khi tổng điểm cao nhất chỉ đạt 66,62 điểm và vị thứ rớt từ 19 xuống 22 (năm 2022).

Có đến 6/10 chỉ số thành phần quan trọng như đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý, an ninh trật tự giảm điểm. Một số chỉ số giảm điểm, thứ hạng mạnh như đào tạo lao động giảm 19 bậc (xếp 38/63 tỉnh, thành phố), cạnh tranh bình đẳng giảm 19 bậc (xếp 35/63 tỉnh, thành).

Sự tụt hạng này là điều bất ngờ. Không ít câu hỏi đã được đặt ra như tại sao càng cải cách càng suy giảm, không như mong muốn của chính quyền và cơ quan quản lý?

Theo nhận định của các chuyên gia về chính sách công hay phân tích chỉ số PCI thì địa phương đã thiếu người thừa hành tốt nhất các chủ trương, chính sách của chính quyền cấp tỉnh, nên các chỉ số này bị mất điểm trong mắt doanh nghiệp.

Bà Đỗ Thanh Huyền – chuyên gia phân tích chính sách công thuộc Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cho rằng thiếu sự soi chiếu về năng lực điều hành để rút ra những ưu, khuyết nên mức độ cải thiện không như mong muốn.

Dưới góc nhìn của chuyên gia phân tích PCI, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng điều chính yếu là chất lượng thực thi từ cơ sở đã không thể đáp ứng đúng mức các yêu cầu của doanh nghiệp.

Thiếu thông tin, thiếu những sáng kiến, giải pháp cụ thể từ các sở, ban, ngành, địa phương nên chính quyền tỉnh không dễ đưa ra chương trình hay kế hoạch thay đổi cụ thể đúng trọng tâm, trọng điểm.

Theo quan điểm của chính quyền địa phương thông qua các hội nghị phân tích chỉ số PCI thì sự suy giảm, hạn chế này bắt nguồn từ sự thiếu quyết liệt, sâu sát, năng động của chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cơ quan đơn vị, địa phương.

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay ngoài việc thiếu hoặc phối hợp lỏng lẻo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm thì việc truyền thông, phổ biến chính sách ở cơ sở... đã tác động đến suy giảm các chỉ số. Đội ngũ thực thi công vụ chưa, thiếu, không nhận thức rõ tầm quan trọng cải thiện môi trường đầu tư.

Thiếu ràng buộc trách nhiệm, xử lý nghiêm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có biểu hiện tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và việc hạn chế cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư cho cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI... đã trở thành lực cản lớn cho tiến trình cải cách hanh thông.

Có thể hiểu việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là tiến trình không bao giờ kết thúc và cũng không thể dễ dàng thực hiện khi 63 tỉnh thành đều tham dự “cuộc đua”. Chính từ cuộc chuyển đổi không hề dễ dàng, nên địa phương chỉ đặt kế hoạch phấn đấu PCI 2023 đứng vào tốp 20 các tỉnh thành – một bước lùi về mục tiêu, nhưng được cho là hợp lý.

Sẵn sàng đón nhận góp ý

Mục tiêu cải thiện PCI không thay đổi. Đó là nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, tạo sự đồng thuận, hài lòng từ thương giới để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, công chức viên chức thực thi nghiêm túc, nhất quán, đầy đủ các văn bản chỉ đạo, từ Chính phủ đến UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI đã từng ban hành, nhất là các nhiệm vụ, công việc liên quan đến doanh nghiệp.

Chấm dứt sự thiếu phối hợp, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan công quyền, địa phương, giảm thiểu khoảng trống truyền thông, buộc đề cao tầm quan trọng cải thiện môi trường đầu tư trên tinh thần phục vụ doanh nghiệp của đội ngũ công bộc, khắc phục điểm nghẽn về thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp.

Mỗi cơ quan công quyền, địa phương tùy chức phận, chủ động đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm thành phần hồ sơ không cần thiết, chồng chéo, không hợp lý, không tự ý đặt ra các điều kiện kinh doanh...

Không chỉ cơ quan công quyền, chính quyền địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương tham dự vào việc hợp tác tuyên truyền rộng rãi kế hoạch cải thiện này trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng xã hội (Zalo, YouTube...) để các cấp, ngành thực thi.

Chính từ sự thức nhận này, năm 2023, đã chứng kiến một sự thay đổi đáng kể trong việc cải cách cần được ghi nhận. Không chỉ thực thi nhanh chóng các chính sách, cơ chế hỗ trợ từ trung ương, địa phương đã giải quyết “hàng núi” công việc để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Từ việc “ra tối hậu thư” cho các sở, ngành, chính quyền giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong thủ tục thu hồi đất, trao mặt bằng cho các dự án đầu tư, đến việc yêu cầu các sở, ngành, địa phương nhanh chóng giải quyết việc hoàn tiền ký quỹ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp có thêm nguồn lực trong bối cảnh nguồn tài chính ngày càng cạn kiệt.

Không chỉ mở chiến dịch giải cứu, mọi chính sách, cơ chế hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được đặt lên hàng đầu trong lúc nền kinh tế đang rơi vào cơn khủng hoảng.

Nhiều vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp công nghiệp, du lịch, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng, bất động sản đã được xem xét, tháo gỡ (giải phóng mặt bằng, tiếp cận đất đai, thủ tục pháp lý, tiếp cận vốn...).

Những kiến nghị khó giải, vượt thẩm quyền địa phương đã được chính quyền, cơ quan quản lý cấp tỉnh gửi văn bản, yêu cầu trung ương xem xét, giải quyết cho doanh nghiệp... Không ít kiến nghị của doanh nghiệp vượt thẩm quyền địa phương đã có lời giải đáp.

Điểm số hay thứ hạng PCI không phải là kết quả cuối cùng để đánh giá thành công hay thất bại của năng lực điều hành kinh tế của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, dù chỉ là kênh tham khảo, nhưng chính quyền đã đặt cải thiện năng lực cạnh tranh lên vị trí xứng đáng, khi buộc các cơ quan công quyền, tất cả công chức viên chức dự phần vào công cuộc cải cách của địa phương để tạo ra sự thay đổi là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, kế hoạch nằm trong tốp 20 năm 2023 có thành hiện thực thì vẫn phải chờ vào việc chấm điểm của doanh nghiệp.

Ông Hồ Quang Bửu cho hay, chính quyền sẵn sàng đón nhận những góp ý của doanh nghiệp để nhận ra khuyết điểm, sửa sai, phục vụ tối đa doanh nghiệp. Có thể sẽ chưa thể thấy hiệu lực hay sự thay đổi của nỗ lực cải thiện chỉ số PCI 2023, nhưng hy vọng kết quả sẽ tốt hơn, kể từ 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao thứ hạng PCI 2023: Chờ doanh nghiệp "cho điểm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO