Từng bước nâng cao tiềm lực về khoa học, công nghệ (KH-CN), đẩy mạnh triển khai, ứng dụng, nhân rộng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, nỗ lực tác động tạo sự bứt phá về đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp... là những nhiệm vụ trọng tâm được ngành KH-CN Quảng Nam chú trọng trong thời gian tới.
Những kết quả nổi bật
Báo cáo tại buổi làm việc tại UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì mới đây, bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN thông tin: năm 2019, kinh phí sự nghiệp khoa học được phân bổ 33,2/40,2 tỷ đồng được phê duyệt. Đã xây dựng 14 hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương; thực hiện nội dung quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ cho 13 sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 11 giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm của tỉnh. Sở KH-CN tham mưu UBND tỉnh công nhận 227 sáng kiến trên tất cả lĩnh vực. Đến nay, có 11 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, hợp tác đang được triển khai thực hiện. Về nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh, có 58 nhiệm vụ KH-CN thuộc các danh mục trước năm 2019 chuyển tiếp đang được triển khai thực hiện...
Theo bà Lê Thủy Trinh, nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về KH-CN được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát hơn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mang tính ứng dụng cao, có địa chỉ áp dụng cụ thể, có khả năng nhân rộng vào thực tế… Về thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh và Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, một số nhiệm vụ “Xây dựng bảo tàng thiên nhiên khu vực Nam Trung bộ” trên cạn và “Xây dựng bảo tàng hải dương học”, hai bên sẽ đồng trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung 2 nhiệm vụ vào “Quy hoạch hệ thống bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050”; “Nghiên cứu lắp đặt hệ thống chống sét cho rừng Pơ mu huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam”; Nghiên cứu đa dạng sinh học và các hệ sinh thái điển hình, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và khai thác sử dụng hợp lý khu vực sông Đầm, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam”… Theo đó, giai đoạn 2018 - 2020, Quảng Nam dự kiến có 9 nhiệm vụ dự kiến triển khai, giai đoạn 2021 - 2025, có 9 nhiệm dự kiến triển khai. Về triển khai Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND năm 2019 của HĐND tỉnh, đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án quan trọng do các địa phương đề xuất.
Cần cải thiện tiềm lực KH-CN
“Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ KH-CN trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn hạn chế, nên ngành KH-CN phát triển chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Thời gian tới, cần bám sát các mục tiêu, nghị quyết, các chương trình hành động của tỉnh về phát triển KH-CN, nhất là tập trung vào Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh và Quyết định 2868 về vấn đề liên quan. Năm 2020, phân bổ các nhiệm vụ cấp thiết, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đặt ra, từ nguồn Nghị quyết 02, các chương trình hợp tác, bên cạnh nguồn phân bổ, sẽ có nguồn bổ sung theo tính cấp thiết và tính hiệu quả trong thực tế phải cao, đầy đủ hành lang pháp lý. Song, cần chú trọng vào tính hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn từ ngân sách, không sợ thiếu nguồn lực đầu tư hàm lượng KH-CN mà phải đặt tính hiệu quả lên trên hết. UBND tỉnh giao Sở Tài chính tham mưu, hướng dẫn việc hỗ trợ, cân đối nguồn lực đầu tư cho KH-CN trong năm 2020”.
(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân)
Theo bà Lê Thủy Trinh, bên cạnh những kết quả nói trên, hoạt động KH-CN của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Trước hết là sự quan tâm của các cấp đối với KH-CN còn hạn chế; nhiều ngành, địa phương còn chưa nhận thức được tính đặc thù của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương thường ít chú trọng đến các giải pháp KH-CN cũng như bố trí nguồn chính để đầu tư phát triển KH-CN. Tổ chức, cơ chế quản lý hoạt động KH-CN có đổi mới nhưng vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ, cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý còn nhiều bất cập. Kinh phí đầu tư cho KH&CN vẫn còn thấp, khoảng từ 0,14 - 0,2% tổng chi phí ngân sách, là một trong những tỉnh có đầu tư ngân sách cho KH-CN thấp nhất trong cả nước...
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, không chỉ triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KH-CN, trên thực tế, ngành KH-CN còn có nhiều chương trình, đề án: Nâng cao năng suất, chất lượng của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đề án áp dụng hệ thống ISO, đổi mới công nghệ, phát triển quyền sở hữu trí tuệ, kế hoạch tạo lập và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm đặc trưng địa phương… “KH-CN là lĩnh vực rộng lớn, rất nhiều nhiệm vụ, trong khi kinh phí, ngân sách sự nghiệp KH-CN của tỉnh đầu tư cho KH-CN vẫn còn hạn chế. Mong UBND tỉnh và các sở ngành cần có sự quan tâm, hỗ trợ đúng mức để triển khai, phát triển một số nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng” - ông Tích chia sẻ.
Ông Vũ Nguyễn - Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho hay, so với giai đoạn trước có thể thấy tiềm lực KH-CN trên địa bàn tỉnh gần đây được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, quy định sử dụng 2% kinh phí, ngân sách sự nghiệp tỉnh mỗi năm chi cho ngành KH-CN, đòi hỏi phải huy động nguồn lực lớn của tỉnh, tức gần 260 tỷ đồng nếu căn cứ vào nguồn thu của tỉnh nên ngân sách tỉnh khó đáp ứng đủ. Về kinh phí năm 2020, từ đề nghị của Sở KH-CN, Sở Tài chính đang xem xét, tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn, song có những nhiệm vụ chưa nằm trong quy định, cần sử dụng nguồn khuyến nông của tỉnh phục vụ đầu tư. Các phát sinh sẽ bổ sung sau hoặc tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung.