Cải thiện toàn diện môi trường đầu tư, kinh doanh

TRỊNH DŨNG 16/12/2022 09:30

Quảng Nam đã linh hoạt, sáng tạo trong việc hiện thực hóa Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.

Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận đất đai, tín dụng... là những phần việc để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Ảnh: T.D
Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận đất đai, tín dụng... là những phần việc để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Ảnh: T.D

Niềm tin kinh doanh gia tăng

Tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam năm 2022 dự kiến đạt mức 11,2%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố cả nước, xếp thứ 4/14 tỉnh, thành Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 24,5% so năm 2021. Ngành du lịch, dịch vụ đã vượt qua khó khăn để đạt mức tăng trưởng 9,7%. Tổng thu ngân sách đạt đến 135,6% (32.144/23.700 tỷ đồng kế hoạch).

So năm 2021, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng 11% (1.181 doanh nghiệp) với số vốn đăng ký hơn 10.000 tỷ đồng (tăng 13,05%). Lượng doanh nghiệp tái gia nhập thị trường cũng tăng gần 21% (552 doanh nghiệp), hiện có 9.255 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Các nhà đầu tư FDI đã tìm đến Quảng Nam với 5 dự án được cấp phép, như dự án nam châm từ tính SGI tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai (39,3 triệu USD), dự án nhà xưởng cho thuê tại Khu công nghiệp Tam Anh – Hàn Quốc (8,62 triệu USD)... Khoảng 194 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư khoảng 6,05 tỷ USD.

Các nhà đầu tư nội địa cũng gia nhập thị trường Quảng Nam với 59 dự án được cấp (tổng vốn đăng ký gần 8.700 tỷ đồng), nâng tổng số dự án tiếp tục hoạt động tại địa phương khoảng 968 dự án (tổng vốn đăng ký hơn 242.000 tỷ đồng)... Những con số này một phần nào đó minh chứng công cuộc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương đã có kết quả tích cực.

Ảnh: T.D
Ảnh: T.D

Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay dù không ít doanh nghiệp đã phải rời thị trường (điều không thể tránh khỏi của một nền kinh tế), nhưng nếu thiếu niềm tin vào môi trường kinh doanh và độ mở của thị trường địa phương thì sẽ không thể có số lượng doanh nghiệp hay số vốn cam kết thực hiện đầu tư lớn nhưng vậy, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới lẫn Việt Nam vẫn còn nhiều bất ổn.

Kết quả này nhờ Quảng Nam đã hiện thực hóa Nghị quyết 02 của Chính phủ ban hành từ đầu năm về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khi liên tục ban hành các kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể buộc các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh một cách toàn diện, sâu rộng, hướng về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, chuyển đổi số, chính quyền số và cải thiện các chỉ số về năng lực cạnh tranh.

Từ tiếp cận điện năng, tín dụng, thuế, cạnh tranh du lịch, đến đăng ký, quản lý hành chính đất đai, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ phục hồi sản xuất, khởi nghiệp... đều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục cải cách

Cái đích cuối cùng của cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư bên ngoài từ doanh nghiệp và các dự án. Tuy nhiên, khó khăn dễ thấy nhất là chính quyền địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch cải thiện, khi chưa được phân định, phân công rõ các mục tiêu cụ thể để thực hiện. Một số bộ, ngành chưa kịp thời cập nhật văn bản, hướng dẫn các địa phương triển khai, vận hành các bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh địa phương.

Ảnh: T.D
Ảnh: T.D

Kế hoạch của Quảng Nam không chỉ dừng ở việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch phục vụ mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ. Địa phương sẽ tiếp tục triển khai toàn diện, hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến.

Sẽ tăng tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm hạn, đúng hạn, giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn ở lĩnh vực đất đai, tăng số lượng và tỷ lệ hồ trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện phân cấp, ủy quyền giải quyết cho các sở, ngành và địa phương gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hoàn thành việc nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và hệ thống Q-Office tỉnh.

Kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để khai thác thông tin, dữ liệu công dân, doanh nghiệp đồng bộ số liệu trong quá trình thực hiện.

Tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng tiếp tục được vận hành và nâng chất lượng giải quyết; đánh giá, đề ra kế hoạch cải thiện chỉ số PCI, đánh giá năng lực cấp sở, ngành, địa phương (DDCI), gia tăng khởi nghiệp...

Thực thi Nghị quyết 02, Quảng Nam đã có sự phân công, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương. Các kết quả cải thiện đều được theo dõi, đánh giá kịp thời, chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp triển khai trên địa bàn luôn đảm bảo tiến độ.

Quan trọng hơn là đã có những thay đổi tích cực, chuyển đổi ý thức, trách nhiệm, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức trong thực thi công vụ.

Tuy nhiên, theo Sở KH&ĐT, để có thể thực thi tốt Nghị quyết 02, cơ quan này đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành Trung ương tiếp tục triển khai các chính sách về vốn, lãi suất, thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Ngoài ra, còn đề nghị Bộ KH&ĐT nghiên cứu xây dựng Nghị quyết 02 của Chính phủ năm 2023 cần xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương có căn cứ để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đạt hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải thiện toàn diện môi trường đầu tư, kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO