Cai và quản lý sau cai nghiện ma túy: Nhân rộng điển hình

DIỄM LỆ 17/12/2013 09:40

Toàn tỉnh có 120 người cai nghiện ma túy thành công, tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả. Đáng chú ý có rất nhiều mô hình cần được nhân rộng...

Tiệm sửa chữa xe máy của anh Võ Văn Sen (Tiên Phước), một điển hình cai nghiện thành công và hòa nhập tốt cộng đồng. Ảnh: D.LỆ
Tiệm sửa chữa xe máy của anh Võ Văn Sen (Tiên Phước), một điển hình cai nghiện thành công và hòa nhập tốt cộng đồng. Ảnh: D.LỆ

Làm lại cuộc đời

Sở LĐ-TB&XH vừa tổ chức hội thảo xây dựng và nhân rộng mô hình cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng dân cư. Tham dự hội thảo còn có những người từng là “nạn nhân” của ma túy nay đã quay về với gia đình, xã hội. Các anh Võ Văn Sen, Phan Văn Kha (huyện Tiên Phước) hay Nguyễn Văn Cường (Đại Lộc) không còn mang trong mình nỗi mặc cảm “từng là con nghiện”. Các anh đã dám đối mặt, vượt qua những tháng ngày đen tối nhất của cuộc đời. Cai nghiện thành công là một việc, hòa nhập được trở lại với xã hội hay không lại là một việc khác. Cai nghiện cần sự quyết tâm ở bản thân người nghiện, nhưng hòa nhập cộng đồng lại phụ thuộc rất lớn vào gia đình, xã hội, chính quyền địa phương. Và quyết tâm của các anh đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực của gia đình, xã hội. Các anh được hỗ trợ học nghề, được các đoàn thể, địa phương bảo lãnh, được ưu tiên cho vay tiền để khởi nghiệp, làm lại từ đầu. Đáng mừng hơn, sau khi hòa nhập cộng đồng, các anh trở thành những tình nguyện viên đắc lực tuyên truyền, kêu gọi những người nghiện ma túy từ bỏ “nàng tiên nâu” để làm lại cuộc đời.

Theo số liệu từ Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, Quảng Nam hiện có 116 (trong tổng số 244) xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy. Trong đó, 749 người nghiện có hồ sơ quản lý, 376 lượt người được cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội tỉnh, 335 người được cai nghiện tại gia đình và cộng đồng dân cư và đã có 120 trường hợp cai nghiện thành công.

Anh Sen chia sẻ: “Cuộc đời tôi tưởng đã chấm hết, bởi từ năm 1999 đến 2005 tôi đã rơi vào con đường nghiện ngập rất nặng. Tôi thấy mình đã ở nơi tối tăm nhất. Thấy nhiều bạn bè là con nghiện nặng dần chết vì ma túy, tôi bỗng đâm sợ. Trong cái sợ yếu ớt ấy, tôi về nhà, người nhà đã không xa lánh mà còn động viên rồi cùng mấy cô chú cán bộ thôn khuyên nhủ, khích lệ tinh thần cho tôi từ bỏ ma túy”. Anh Sen cai nghiện thành công, hòa nhập cộng đồng tốt, được nhân dân tin tưởng, Đảng ủy, UBND xã Tiên Thọ đã mạnh dạn bổ nhiệm anh làm công an viên và được Ban Công an xã giao nhiệm vụ vận động, cảm hóa đối tượng nghiện từ bỏ ma túy. Và anh Sen làm rất tốt vai trò của mình. Hay như các anh Kha, Cường đã quyết tâm làm lại cuộc đời, gắn bó với những cánh rừng keo và đàn gia súc, trở thành những tấm gương làm kinh tế tại địa phương, không chỉ tạo cho bản thân, gia đình nguồn thu nhập ổn định mà còn giải quyết việc làm cho người khác ở địa phương.

Những mô hình cần nhân rộng

Những người như anh Sen, Kha, Cường hay hơn 100 người khác đã cai nghiện thành công và hòa nhập tốt cộng đồng, ngoài sự nỗ lực của bản thân còn phải kể đến hiệu quả của các mô hình phòng, chống ma túy tại địa phương. Như mô hình “Hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình” ở xã Đại Quang (Đại Lộc), “Cai nghiện ma túy tại cộng đồng” phường Phước Hòa (TP.Tam Kỳ), “Câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội” thị trấn Núi Thành (Núi Thành), mô hình “1+6” phường Cẩm Phô (TP.Hội An), “1+5” xã Tiên Thọ (Tiên Phước)... Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng mô hình hiệu quả đương nhiên cần nhân rộng, nhưng vấn đề là nhân rộng như thế nào, sao cho phù hợp khi xây dựng ở địa phương khác. Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nói: “Xã hội còn sự kỳ thị đối với những người từng nghiện ma túy. Chúng ta cần xem người nghiện ma túy là người bệnh, mà bệnh thì cần được chữa lành, kể cả vết thương tâm lý. Điều này rất cần gia đình, xã hội, chính quyền vào cuộc mạnh mẽ”.

Ông Trần Bình Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Quang chia sẻ, để thực hiện thành công mô hình “Hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình”, toàn hệ thống chính trị của xã đã cùng vào cuộc. Trong đó, các cán bộ, đảng viên đã đến từng thôn, từng hộ có người nghiện vận động gia đình chăm sóc, quan tâm, giúp đỡ. Ngoài ra, chú trọng làm tốt công tác tư tưởng đối với những tổ, thôn có người nghiện để mọi người không kỳ thị, xa lánh mà cùng chung tay giúp đỡ họ quay về với cộng đồng, nhất là sau khi đã cai nghiện thành công. Nhờ thế, mô hình này đã đưa được 15 người nghiện cai ma túy thành công, hòa nhập với cộng đồng. Tại phường Cẩm Phô, mô hình “1+6” được xây dựng đã giảm số đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn năm 2010 từ 16 nay xuống còn 4 trường hợp (có hộ khẩu tại phường) đang được cai nghiện tập trung và tại cộng đồng. Ông Ngô Tòa - Chủ tịch UBND phường Cẩm Phô cho biết: “Trước đây, chúng tôi xây dựng mô hình “1+5” nhưng thiếu gia đình, nên tiến lên “1+6”, tức là 1 người vi phạm sẽ có 5 tổ chức gồm cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, mặt trận, công an, cùng với gia đình tham gia quản lý, giáo dục. Người sau cai nghiện thực sự có ý chí, quyết tâm làm lại cuộc đời sẽ được chính quyền, xã hội hỗ trợ hết mình; nếu thiếu đất xin cấp đất, thiếu vốn hỗ trợ vay vốn, thiếu việc làm thì chính quyền cam kết bảo lãnh để doanh nghiệp nhận vào làm việc”.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cai và quản lý sau cai nghiện ma túy: Nhân rộng điển hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO