Tôi nhớ năm đó nghe qua Đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) loáng thoáng cái câu “về làng chị Dậu” với những nhấn nhá buồn thảm như áo con nhà nghèo vừa rách về cái làng ven sông Thu Bồn của xã Điện Phong (Điện Bàn). Cũng chẳng thể nhớ năm đó là năm nào, nhưng hồi đó tôi đã đi làm báo. Một đồng nghiệp ở Điện Bàn đáp ngay “hỏi Hồ Trọng là biết!”.
1.Nhà báo Hồ Trọng nhớ lại: đó là năm 1995, anh về Cẩm Đồng viết “Hai mươi năm rồi, Cẩm Đồng ơi…”. Không đường, điện, trạm, trường. Đời sống bà con lắm người khổ như chị Dậu của “Tắt đèn”. Bài báo làm “dậy sóng” dư luận. Đài phát được ba ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng Trương Quang Được lúc bấy giờ lội về Cẩm Đồng, kiểm tra xong, ông yêu cầu khẩn cấp kéo điện về, đồng thời xem xét trách nhiệm của lãnh đạo huyện Điện Bàn. “Lúc đó tình hình căng như dây đờn, tau không dám về quê luôn (quê anh ở Điện Bàn). Mấy ông ở huyện làm dữ lắm, phản ứng ghê gớm” – anh Hồ Trọng nói. Cái sự căng thẳng đó, được ông Dương Huấn - Trưởng thôn Cẩm Đồng gật đầu ngay khi tôi nhắc lại. Nhà ông như nhiều nhà khác ở thôn này, nền cao ngất nghễu. “Ở đây họ nói chó… đái trên đầu khách, bởi nền nhà cao hơn mặt đường đến gần 3m, khách ở dưới nhìn lên thấy con chó đứng trên hiên cao nghều…” - ông Huấn hóm hỉnh. Dấu vết bùn non vẫn còn đó sau mấy cơn lụt. Cao như vậy mà nước vẫn vào nhà ông Huấn đến đầu gối. Ông nói: “Sáng ni đang nạo vét bùn cát bồi chỗ ngã ba Vòm, chỗ nớ là cửa ngõ về sông Vĩnh Điện, lấp bồi miết nên ghe đò không đi được. Hút cát chở đi, làm ầm lên, dân không chịu, chừ thì thống nhất là hút tạt qua hai bên bờ, có giám sát chặt chẽ của địa phương. Ở đây thấp lụt nên nhà mô cũng có gác, có ghe nan”.
Bà con phải đi bằng ghe sang bên kia sông làm đồng. |
Ông Huấn từ sông chạy về khi nghe bà vợ a lô có tôi tìm. Ông vồn vã: “Chúng tôi là đại diện thôn, nên tham gia giám sát. Bữa trước công ty nạo vét hút cát chở đi, dân la ré, báo chí phản ánh, nên giờ thay đổi phương án. À, lúc anh Trọng về viết, tôi là thôn phó kiêm công an thôn. Khổ không chi bằng. Nhà mô cũng sắm đôi bốt (ủng) để lội bùn. Học sinh, đi làm đồng thì qua sông bằng cái cầu gác một cây tre. Cán bộ thôn lúc nớ như bọn tôi, ở các xã khác họ lãnh 1,2 - 1,8kg lúa chứ xã tôi thì chỉ 5 lạng/ngày công. Nhà cửa tạm bợ, lắm người nghèo khó. Anh hỏi chừ ấn tượng cả đời không quên những năm tháng đó là chi hả? Là gánh nước tưới rau, nước uống, gánh liệt cả vai. Tôi làm thôn trưởng gần 20 năm rồi, nhớ kinh, lúc đó phụ cấp hình như 60 ngàn đồng/tháng, chừ được 910 ngàn”.
2.Giờ thì nhiều cái khổ đã lùi xa rồi. Thôn có 367 hộ với 1.852 nhân khẩu. Hộ nghèo có 19 hộ, cận nghèo 28 hộ. “Con số này bấp bênh không?”. “Có. Năm ngoái nghèo là 37 hộ, nay giảm còn chừng đó, nhưng nguy cơ tái nghèo là có, bởi thu nhập tính theo tiêu chí mới, khó đạt lắm, hộ nghèo, cận nghèo lại hầu hết rơi vào trường hợp neo đơn, độc thân, con nhỏ, bệnh xã hội. Thôn tôi nằm trong xã thí điểm xây dựng nông thôn mới nên chuyện thu nhập nông nghiệp hay ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, muốn hiểu chi cũng được. Con số quản lý ở đây là 70% lao động thu nhập từ nông nghiệp, nhưng thực ra lao động, nhất là thanh niên đi làm ở các khu công nghiệp nhiều lắm, nên khi điều tra lại cho thấy 60% thu nhập của thôn là từ công nghiệp, ngành nghề. Lao động nông nghiệp ở đây bây chừ chỉ còn người lớn tuổi”. Điện đã được kéo về từ năm 1996. Hiện thôn đang cải tạo lưới điện ODA, kéo điện đến tận hộ, cứ 10 nhà là có một trụ. Có điện, mọi thứ thay đổi. Đường, nước sinh hoạt, sản xuất. Đường bê tông nông thôn có từ 2001. Đây là thôn nghèo của xã nên được hỗ trợ xây nhà cao tầng cho tránh lũ, hội họp; nước nhiễm phèn, mặn nên được kéo đường ống nước sạch. Ông Huấn nói tiếp: “Thôn tôi có học sinh mẫu giáo bán trú 70 em, mỗi tháng nộp 260 ngàn đồng và 3kg gạo/em. Nghèo khổ nhiều nên bà con Cẩm Đồng đi xa thương quê lắm. Chúng tôi có lẽ là thôn đặc biệt có Hội đồng hương Cẩm Đồng tại TP.Hồ Chí Minh. Mỗi năm, con em đứa nào đậu đại học thì được hội thưởng 500 ngàn đồng, nhà ai có tang ma được hỗ trợ 300 ngàn đồng, bà con cho thôn 60 triệu đồng để mua sắm đồ trợ tang, khi làm nhà văn hóa thì cho gần 20 triệu để sắm trang thiết bị bên trong…”. Và cũng chỉ học sinh mẫu giáo được học ngay trên đất Điện Phong. Bởi, cho dù đã qua cái thời 20 năm Cẩm Đồng ơi, và bây giờ, tính từ mốc 1995 đó, đã thêm 20 năm nữa nhưng cục đất mang tên Cẩm Đồng vẫn mãi chia đôi...
Sau lụt, cầu tre ở Cẩm Đồng chỉ còn lại mố cầu. Ảnh: T.V |
Hiếm có làng nào ven sông Thu Bồn mà từ thôn chạy đến xã phải đến gần 14km, trong khi đó từ đây về thị trấn Vĩnh Điện chưa đến 3km. Đứng cầu Câu Lâu nhìn lên, xã Điện Phong qua cầu Đen là đến. Nhưng Cẩm Đồng lại nằm bờ bắc Thu Bồn. “Cách trở vậy nên gặp không ít khó khăn (ông Huấn nói). Chúng tôi không có cấp ủy nên khi bảo vệ quyền lợi bà con cũng khó, rồi làm anh em không yên tâm công tác. Nhận gạo cứu trợ bên xã, phải thuê xe tải chở về đây, mỗi nhà trả cho xe 15 - 20 ngàn đồng. Học sinh cấp 1, 2 vì trường chính bên kia sông nên phải học ở Điện Minh; cấp 3 thì học ở Điện Phương. Cả thôn có hơn 70ha đất sản xuất nhưng 55ha là ở bên kia sông”. Bên kia sông, tức là bãi đất bồi nổi lên giữa sông Thu Bồn. Kể từ cái ngày Cẩm Đồng ơi… ấy, đến giờ bà con qua lại làm đồng vẫn phải đi bằng cầu tre.
3.Ông Huấn đưa tôi ra chỗ cây cầu. Bà con, kẻ cuốc người thúng mủng đang qua lại đò. Chị Đỗ Thị Thanh Vân (dân Cẩm Đồng) vai vác cuốc, tay xách cái giỏ, nói: “Răng cho cây cầu chứ khổ quá. Ở đây đi làm, đem theo cơm trưa chứ qua lại đò mất công quá”. Lụt dứt, cây cầu còn lại… mố cầu bằng bê tông. “Dân tôi khổ nhất với cây cầu tre ni. Quanh năm đi cầu tre, năm mô cũng vận động bà con đầu năm góp 600 cây tre và 10 triệu làm cầu” - ông Huấn thở dài. “Sao không dỡ cầu khi chuẩn bị có lụt lớn?”. “Không được, vì phần lớn ruộng bên nớ, không có cầu, lỡ có ai bị chi thì chết, nên chúng tôi không dám, với lại chừ nước lụt không phải như hồi trước, nó lớn cái ào, dỡ không kịp đâu. Hễ lụt lớn là trôi cầu. Rồi làm lại. Cứ rứa. Không còn cầu thì đi ghe, nhưng ghe nan ớn quá, nên chúng tôi quán triệt là phải đi ghe thiếc”. “Làm kiểu đó, tre mô mọc kịp cho mấy ông làm cầu”. “Ừ, mọc chi kịp”. Vang lên trong tôi câu hỏi: cách trở vậy, sao không nhập về Điện Minh? Ông Huấn nói: “Khó lắm. Nếp quê, lề thói, nơi chôn rau cắt rốn, khó nhập, đó là tâm lý, còn lại, muốn nhập thì phải chia lại đất màu. Nhưng, nếu mai này Vĩnh Điện lên thị xã, Cẩm Đồng là thôn rìa thị xã cũng được, vì trên cho cơ chế: giáo dục cũng dính vào Điện Minh, đau ốm thì không cần cầm bảo hiểm y tế qua xã mà xuống ngay Điện Minh, có vấn đề an ninh trật tự thì điện ngay cho công an huyện…”.
Những chiếc ghe chòng chành qua sông. Phù sa vẫn bồi ven bãi. Lụt vẫn lấy đi đất. Chuyện lở bồi đời sông, có khác chi đời người. Người Cẩm Đồng, chừng ấy năm, thay đổi nhiều, nhưng khát khao vẫn chưa ngưng cất tiếng bởi áo cơm, ruộng đất gắn bó truyền đời vẫn nằm giữa dòng sông ấy. Và tôi cũng biết, chuyện cây cầu kiên cố qua đây là khó khả thi, chỉ chờ mong một ngày nào đó, chuyện cách trở dằng dặc về hành chính từ xã về thôn sẽ được đặt lên bàn cân và giải quyết hợp lý, hợp lòng dân. Đồng bãi đã mướt xanh rau đón gió đông và chờ tết đến. “Quê hương chị Dậu” đã lùi xa, nhưng những cái tặc lưỡi đò giang vẫn còn.
Ghi chép của TRUNG VIỆT