Cảm hóa bằng tình yêu thương

CHIÊU THỤC ANH 13/06/2014 09:15

Mô hình bảo vệ trẻ em của xã Tam Mỹ Đông (huyện Núi Thành) dù mới khởi động hơn hai năm nay nhưng đã thực sự phát huy hiệu quả khi số lượng trẻ em vi phạm pháp luật giảm xuống rõ rệt.

Tiếp cận mọi hướng

Cuộc điều tra năm 2011 cho thấy, số lượng trẻ vi phạm pháp luật ở Tam Mỹ Đông khá cao, gần 35 em. “Điều này thực sự đã ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự của xã Tam Mỹ Đông và có thể lan rộng sang các xã lân cận. Chính vì thế, chúng tôi chọn Tam Mỹ Đông là địa phương làm điểm xây dựng mô hình trợ giúp trẻ em làm trái pháp luật, bắt đầu khởi động chương trình từ năm 2012” - bà Hồ Thị Hường, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Núi Thành cho biết. Xác định việc vận động đối tượng trẻ em vi phạm pháp luật trở lại cuộc sống lành mạnh, hòa nhập cộng đồng là việc không hề dễ dàng, nên Tam Mỹ Đông đã thành lập Ban bảo vệ trẻ em với sự tham gia của chính quyền, hội đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Công an… với hình thức vận động đa dạng, phong phú, mọi lúc, mọi nơi.

Thường xuyên chăm lo, động viên các em học tốt là một trong những biện pháp ngăn ngừa trẻ vi phạm pháp luật.
Thường xuyên chăm lo, động viên các em học tốt là một trong những biện pháp ngăn ngừa trẻ vi phạm pháp luật.

Chị Cao Thị Phương - cán bộ phụ trách về gia đình - trẻ em xã Tam Mỹ Đông chia sẻ: “Trẻ em vi phạm pháp luật là đối tượng khó tiếp cận, không phải nói mời các em, ba mẹ các em lên họp vận động là các em và ba mẹ đồng ý lên ngay. Thay vào đó, thành viên Ban bảo vệ trẻ em và các cộng tác viên ở thôn cùng chia nhau đến tận nhà tìm hiểu tâm tư tình cảm, nói chuyện phải chuyện quấy; tranh thủ các cuộc họp của phụ nữ, thanh niên để nói chuyện. Gặp bất ngờ trên đường đi cũng tiếp cận để chia sẻ”. Bên cạnh đó, Ban bảo vệ trẻ em cũng thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, ban nhân dân 6 thôn về ghi phiếu điều tra thông tin cơ bản ban đầu về trẻ em có nguy cơ làm trái pháp luật và đã vi phạm pháp luật. Các chương trình bảo vệ trẻ em cũng thường xuyên được phát sóng trên hệ thống loa của xã. Ban bảo vệ trẻ em xã tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thông tư vấn cho cha mẹ và sinh hoạt nhóm trẻ để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các em. Đồng thời nhận sự phối hợp từ phía gia đình. Các buổi sinh hoạt trẻ em đã tạo sự gần gũi hơn giữa các em với cán bộ làm công tác xã hội. Từ đó, các em ngày càng cởi mở, thân thiện hơn nên việc tiếp cận các em cũng ngày càng dễ dàng và hiệu quả hơn.

Mô hình điểm

“Do chán cuộc sống gia đình nên em thích chơi hơn học. Rồi bạn bè rủ rê đi chơi, game online, thiếu tiền em mới nảy sinh lấy tiền của những người quen. Nhờ sự giúp đỡ của các anh chị, cô chú mà em cảm thấy mình cần phải thay đổi cách sống, không được vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tương lai sau này”- em Trần V. L. (SN 1998, thôn Trà Tây) chia sẻ suy nghĩ. Có lẽ vì sự nhiệt tình của cán bộ thôn, xã nên chỉ trong vòng hai năm khi bắt khởi động cuộc vận động cuối năm 2011, từ 33 trẻ vi phạm pháp luật, đến năm 2013 chỉ còn 12 trẻ vi phạm. Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay: “Mô hình phòng ngừa trẻ em vi phạm pháp luật ở xã Tam Mỹ Đông thực sự nổi trội và có hiệu quả. Ở các cấp độ: dịch vụ phòng ngừa, dịch vụ can thiệp, dịch vụ trợ giúp phục hồi cho trẻ đều được Ban bảo vệ trẻ em và chính quyền can thiệp kịp thời. Nhờ đó, số lượng trẻ em vi phạm pháp luật từng bước giảm dần qua các năm. Đây là một trong những mô hình bảo vệ trẻ em nổi bật của tỉnh cần được nhân rộng”.

Thời gian qua, trên địa bàn xã không có trẻ bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo lực, hạn chế thấp nhất trẻ bị tai nạn thương tích. Địa phương luôn thực hiện tốt chính sách trợ giúp trẻ em, trợ cấp thường xuyên cho trường hợp trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ bị tâm thần…Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chiều cao là 17,11%, suy dinh dưỡng cân nặng là 6,76%, khá thấp so với mặt bằng chung. “Số lượng trẻ được khảo sát vi phạm năm 2011 đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên do tác động của hoàn cảnh khách quan, xã hội như việc quản lý chưa chặt chẽ các trò chơi điện tử, các trang thông tin qua internet không lành mạnh là một trong những nguyên nhân dẫn đến trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tăng lên. Nguồn kinh phí phân bổ cho công tác trẻ em không nhiều nên các hoạt động bảo vệ trẻ, ngăn ngừa vi phạm pháp luật có phần bị ảnh hưởng. Thế nên, chúng tôi rất mong có được nguồn kinh phí khá hơn để hoạt động hiệu quả, giảm dần và không còn trường hợp trẻ vi phạm pháp luật trên địa bàn”- chị Cao Thị Phương, nói.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảm hóa bằng tình yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO