Cam kết cải thiện năng lực cạnh tranh

TRỊNH DŨNG 18/05/2016 09:36

Xác định doanh nghiệp là đối tác, nâng cao năng lực cải thiện môi trường đầu tư, thăng hạng chỉ số PCI… được xem nhưng là bản cam kết của chính quyền trong việc định vị chiến lược phát triển của Quảng Nam.

Nhiều chỉ số được cải thiện

Năng lực cạnh tranh năm 2015 của Quảng Nam đã thăng hạng đáng kể, thể hiện sự bứt phá về điểm số và thứ hạng. Tổng điểm số tích hợp 61,06 điểm (tăng 1,09), xếp thứ 8/63 tỉnh, thành cả nước (tăng 6 bậc so năm 2014) và xếp thứ hai vùng duyên hải miền Trung, thuộc nhóm tốt, trở thành gương mặt mới trong tốp 10 tỉnh, thành dẫn đầu chỉ số PCI, có đủ năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư cao nhất Việt Nam. Theo diễn giả Lê Thanh Hà - chuyên gia Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, tại hội nghị ngày 17.5, xu hướng tích cực trong cải cách điều hành năm 2015 của Quảng Nam thể hiện trên 6 lĩnh vực đã có sự cải thiện đáng kể so với năm 2014. Đó là tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động và đào tạo lao động. “Đây là sự khác biệt khá cụ thể khi tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, đặc biệt chỉ số lao động nhiều năm qua vẫn bị xem là điểm yếu nhất của Quảng Nam được cải thiện nhanh chóng trong vòng hai năm gần đây, đã nhận được sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp” - bà Hà nói.

Đối thoại thường kỳ, các cuộc hội nghị phân tích chỉ số PCI tổ chức thường xuyên đã khiến doanh nghiệp cho điểm.Ảnh: T.DŨNG
Đối thoại thường kỳ, các cuộc hội nghị phân tích chỉ số PCI tổ chức thường xuyên đã khiến doanh nghiệp cho điểm.Ảnh: T.DŨNG

Kết quả phân tích các điểm số và cuộc khảo sát doanh nghiệp cho thấy doanh nghiệp Quảng Nam đã đánh giá tích cực hơn về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính. Có khoảng 63% doanh nghiệp cho rằng thủ tục đã đơn giản hơn, 68% doanh nghiệp cho biết không phải đi lại nhiều lần lấy dấu và chữ ký, 75% doanh nghiệp thừa nhận cán bộ các cơ quan công quyền làm việc hiệu quả và hơn 68% cán bộ ứng xử thân thiện, nhiệt tình hơn. Khá nhiều doanh nghiệp cho rằng thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ các cơ quan hành chính, thuế… đã giảm xuống rõ rệt và phí, lệ phí đã được công khai. Chi phí không chính thức luôn là gánh nặng với doanh nghiệp đã dần được thay đổi. Cuộc khảo sát này cho thấy chi phí không chính thức đã có phần bớt “nặng gánh” tại Quảng Nam khi chỉ 6% doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu, nhưng 60% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu vẫn còn là chuyện phổ biến. Trong khi xu hướng của cả nước về chỉ số này ngày càng xấu đi khi có đến 11% doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu và 65% lên tiếng tình trạng nhũng nhiễu.

Doanh nghiệp dân doanh đánh giá môi trường kinh doanh Quảng Nam đã minh bạch hơn, khi có đến 75% doanh nghiệp cho biết họ đã được nhận các tài liệu về ngân sách được công bố ngay sau khi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền phê duyệt. Sự năng động, thân thiện, sáng tạo trong điều hành cũng đã được cộng đồng doanh nghiệp “cho điểm”. Hơn 79% doanh nghiệp cho rằng UBND tỉnh đã thực sự linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân và 63% doanh nghiệp thừa nhận chính quyền rất năng động và sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tìm đột phá, cải thiện chỉ số PCI

Theo diễn giả Lê Thanh Hà, kết quả thăng hạng chỉ số PCI của Quảng Nam đã đánh giá năng lực cải cách của chính quyền địa phương phát huy tác dụng. Tuy vậy, chặng đường cải cách vẫn còn rất dài… Doanh nghiệp Quảng Nam kỳ vọng vào sự thay đổi của chính quyền và các cơ quan quản lý. Cộng đồng doanh nghiệp muốn nhìn thấy sự vào cuộc mạnh mẽ, năng động hơn của các sở, ban, ngành và huyện, thị, thành phố. Cuộc khảo sát PCI cho thấy có đến 82% doanh nghiệp cho rằng những sáng kiến hay ở cấp tỉnh, nhưng lại chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành hay 57% chủ trương, chính sách đúng đắn không được thực hiện tốt ở cấp huyện.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, những chỉ thị về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Quan điểm của chính quyền là xem doanh nghiệp là đối tác, là đối tượng phục vụ. Vì vậy, sẽ thí điểm việc tiếp nhận, thẩm tra, trả kết quả tại chỗ các thủ tục hành chính, đầu tư, tăng cường sự giám sát của người đứng đầu cơ quan… Đồng thời, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của các cơ quan công quyền, địa phương trong việc cải thiện chỉ số PCI sẽ nhanh chóng được ban hành.

Điều đáng lo ngại nhất của Quảng Nam là chỉ số cạnh tranh bình đẳng liên tục mất điểm và những chỉ số mang tính chiều sâu như hỗ trợ doanh nghiệp, gia nhập thị trường, thiết chế pháp lý vốn được điểm số cao các năm lại bị sụt điểm khá nhiều trong năm 2015. Sự thân thiện hay đối xử bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp… đang là khó khăn của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát đưa ra con số 44% doanh nghiệp cho biết chính quyền luôn ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, 80% doanh nghiệp than phiền hầu như các hợp đồng, các nguồn lực chủ yếu rơi vào tay doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền và 59% cho rằng chính các ưu đãi với các công ty lớn là trở ngại kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Lê Thanh Hà cho hay, vấn đề hiện tại của Quảng Nam là tập trung cải thiện nhiều trong lĩnh vực đất đai. Theo kết quả khảo sát, khoảng 23% doanh nghiệp cho hay nếu bị thu hồi đất sẽ được bồi thường, 43% doanh nghiệp nói thủ tục hành chính thuê, mua đất đai phức tạp, 75% doanh nghiệp đánh giá thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định, khoảng 38% nhận thấy cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ và 36% cho rằng quy hoạch đất đai của Quảng Nam chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Ngoài ra cần nhanh chóng giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, cải cách thuế, phí, giải phóng mặt bằng, giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, tập trung nhiều vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường tham vấn doanh nghiệp. “Cải thiện chỉ số PCI là câu chuyện dài và liên tục. Doanh nghiệp cần sự nhất quán và xuyên suốt trong toàn bộ máy hành chính. Tạo sự bình đẳng hơn cho tất cả cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần chuyên nghiệp, linh hoạt và sáng tạo… là yêu cầu cao nhất của cuộc cải thiện chỉ số PCI Quảng Nam” - bà Hà nói.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cam kết cải thiện năng lực cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO