(QNO) - Liên quan đến tình trạng ế ẩm tại chợ Tam Kỳ, sáng 27.11, lãnh đạo thành phố đã có cuộc đối thoại với hàng trăm tiểu thương để tiếp thu ý kiến cũng như cam kết khắc phục.
Chợ Tam Kỳ đi vào hoạt động từ ngày 9.10.2014. |
Ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, nhấn mạnh: “Việc xây dựng chợ Tam Kỳ vì mục đích phát triển chung của thành phố, để các tiểu thương có điều kiện buôn bán được tốt hơn. Thế nhưng hơn một tháng đi vào hoạt động chợ vẫn chưa đông xuất phát từ nhiều phía khiến chúng tôi cũng thấy sốt ruột và vẫn đang nỗ lực để khắc phục tình trạng này”.
Chợ Tam Kỳ được xây dựng theo tiêu chuẩn chợ loại I và đi vào hoạt động từ ngày 9.10.2014 với tổng diện tích sàn xây dựng 10.150m2, tổng kinh phí hơn 79 tỷ đồng. Hiện nay mới chỉ có một phần các ki ốt, sạp hàng được đưa vào sử dụng. |
Chợ Tam Kỳ đi vào hoạt động từ ngày 9.10 và được xây dựng theo quy mô chợ truyền thống, tức phải đầy đủ các mặt hàng, thế nhưng đến nay chỉ mới tập trung chủ yếu các mặt hàng quần áo, giày dép. Khi chợ đang xây dựng, các tiểu thương chuyển đến chợ tạm An Sơn (phường An Sơn) để bán buôn. Đến khi chợ được khánh thành và đi vào hoạt động thì các mặt hàng khác như thịt cá, hoa củ quả, hàng khô… vẫn còn bày bán ở chợ tạm, chưa chuyển dời về chợ mới nên người tiêu dùng đến chợ rất ít, gây nên tình trạng ế ẩm.
Tiểu thương Nguyễn Thị Thu Thủy nói: “Tôi kinh doanh mặt hàng vải tại chợ Tam Kỳ và đóng thuế 36 triệu đồng với thời hạn 3 năm. Khi còn bán ở chợ tạm An Sơn, bình quân mỗi ngày tôi thu vào 1 triệu đồng, còn từ khi chuyển về chợ mới này thì có ngày còn không bán mở hàng được. Hơn nữa việc bố trí các sạp hàng chưa hợp lý nên còn gây khó cho người tiêu dùng. Đáng lẽ các hàng vải vóc phải nằm bên cạnh các tiệm may nhưng đằng này tiệm vải nằm ở đầu khu vực tầng 2 thì các tiệm may lại bố trí ở cuối khu vực”.
Buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP.Tam Kỳ với các tiểu thương sáng 27.11. |
Vấn đề mà các tiểu thương đặt ra là Ban Quản lý (BQL) chợ Tam Kỳ quá ì ạch trong chuyện đưa những người buôn bán ở chợ tạm về lại chợ Tam Kỳ. Trong khi nhiều lần kiến nghị, BQL chợ hứa thực hiện nhưng cứ kéo dài trì trệ khiến tiểu thương mất lòng tin. Giải đáp nguyên nhân này, ông Nguyễn Văn Duyên - Phó BQL chợ Tam Kỳ nói: “Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng các nhà vòm phía trước khuôn viên chợ để bố trí các mặt hàng cá thịt, rau củ quả, nhưng khi lực lượng công an phòng cháy chữa cháy đến kiểm tra thì kết luận chưa đảm bảo yêu cầu về an toàn cháy nổ nên khu vực này vẫn chưa đi vào hoạt động”.
Hiện chủ yếu tập trung các mặt hàng quần áo, giày dép nên lượng người đến chợ Tam Kỳ rất ít. |
Tại khu vực tầng 3 dành để kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện máy, dịch vụ làm đẹp nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng.
Chính quyền TP.Tam Kỳ cũng bày tỏ sự cảm thông trước việc bán buôn của các chị em, nhất là vào thời điểm chỉ còn vài tháng nữa là đến tết. Trước đó, cơ quan các cấp cũng đã có chính sách miễn các loại thuế phí trong tháng 11 này cho các tiểu thương. Kết luận tại buổi đối thoại, ông Trần Nam Hưng cam kết sẽ phối hợp với BQL chợ Tam Kỳ đưa tất cả những người bán buôn ở chợ tạm An Sơn về đây, chậm nhất là vào cuối tuần sau nên các tiểu thương hãy cứ yên tâm buôn bán.
VĂN HÀO