Từ tháng 3.2022, Vườn quốc gia Sông Thanh triển khai xác định, phát quang và cắm mốc ranh giới lâm phận. Việc làm này có sự tham gia của bà con dân tộc thiểu số tại chỗ, cộng đồng thôn, lâm nghiệp xã… nhằm tránh tình trạng lấn chiếm, xâm canh rừng trái phép.
Xã Phước Mỹ (Phước Sơn) có tổng diện tích rừng tự nhiên hơn 12.000ha. Với hơn 95% đồng bào Giẻ Triêng sinh sống chủ yếu dựa vào rừng, làm lúa rẫy, trồng sắn, bắp, cây keo…
Những năm trước đây, việc chồng lấn giữa rừng sản xuất, rừng đặc dụng tuy chưa xảy ra trên quy mô lớn, song do ranh giới chưa được xác định, nên thỉnh thoảng vẫn có vài trường hợp người dân lấn chiếm, xâm canh vào khu vực rừng của Nhà nước quản lý.
Trước thực tế đó, từ đầu năm đến nay, đặc biệt là tháng 3 - tháng mà người dân tập trung thu dọn rẫy cũ, phát đốt để chuẩn bị cho mùa gieo hạt mới, Vườn quốc gia Sông Thanh đã tập trung quyết liệt cho công tác tuyên truyền vận động, giúp bà con phân biệt và không lấn chiếm vào khu vực rừng đặc dụng.
Ông Hồ Văn Hạnh (thôn 3, xã Phước Mỹ) có khu vực sản xuất cách rừng đặc dụng Sông Thanh chừng 700m. Thời tiết hanh khô, nắng nóng, nên việc đốt nương rẫy nếu không cẩn thận sẽ dễ gây cháy lan đến các khu vực lân cận, nhất là hàng trăm héc ta rừng đặc dụng gần đó.
Tổ bảo vệ rừng Phước Mỹ đã hướng dẫn ông Hạnh cách làm đường băng cản lửa, đốt thực bì sao không cho cháy lan, rồi việc áp dụng các biện pháp phòng chống cháy rừng, nhất là không được xâm lấn đến khu vực rừng đặc dụng để canh tác nương rẫy.
Ông Hạnh cho biết: “Nhà tôi làm rẫy ở đây cũng đã 5 năm rồi, lâu nay cũng không xâm phạm rừng già, giờ được cán bộ tuyên truyền, tôi sẽ tuyên truyền lại cho gia đình và bà con trong làng không xâm canh, lấn chiếm trái phép khu vực rừng Nhà nước quản lý”.
Hiện các tổ bảo vệ rừng ở Phước Mỹ, Phước Công, Phước Năng, Phước Xuân (Phước Sơn) đang đồng loạt kiểm tra, xác định, phát quang khu vực ranh giới lâm phận hơn 18.000ha của Vườn quốc gia Sông Thanh.
Ông Trần Thanh Việt - Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng xã Phước Mỹ cho biết: “Ngoài lương thực, thực phẩm thì các dụng cụ đo đạc, bản đồ giấy, thước kẻ, bút, máy định vị GPRS… được lực lượng giữ rừng chuyên trách chuẩn bị khá chu đáo.
Trong những chuyến đi rừng, còn có người dân địa phương, đại diện thôn, lâm nghiệp xã… giúp công việc thu thập tọa độ, diện tích, khu vực cắm mốc được tiến hành thuận lợi và chính xác hơn. Chúng tôi phấn đấu hoàn thành việc cắm mốc vượt kế hoạch đơn vị giao”.
Ông Dương Văn Hợi - Trưởng thôn 2, xã Phước Mỹ, cho rằng, việc áp dụng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hỗ trợ 100 nghìn đồng/người/ngày cho lực lượng tham gia cắm mốc tuy không nhiều, nhưng đã động viên bà con cùng Vườn quốc gia Sông Thanh sớm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
“Qua đi thực địa, trực tiếp chứng kiến phân định ranh giới, mốc giới, lâm phận rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất như thế này… giúp chúng tôi hiểu và phân biệt được khu vực nào được phép canh tác nương rẫy và diện tích rừng nào không được xâm lấn.
Thôn cũng mong muốn Vườn quốc gia Sông Thanh sớm có thêm những hỗ trợ về sinh kế, giúp bà con yên tâm sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, để không tác động vào rừng nữa” - ông Hợi nói.
Phạm vi, quy mô cắm mốc, bảng trên đường ranh giới giữa rừng đặc dụng thuộc lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh có tổng chiều dài 364.689m, trải dài trên địa phận 12 xã của hai huyện Nam Giang, Phước Sơn.
Với tổng số mốc, bảng dự kiến đóng là 2.647 mốc, khoảng cách các mốc trung bình cách nhau 100m, công tác cắm mốc được kéo dài từ tháng 3 đến trước mùa mưa năm nay sẽ hoàn thành.
Ông Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc Phụ trách Vườn quốc gia Sông Thanh cho biết, việc cắm mốc ranh giới được coi là cơ sở pháp lý để ngăn ngừa, xử lý các trường hợp lấn chiếm, tranh chấp đất rừng.
Qua đó sẽ làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trong lâm phận. Đồng thời nâng cao ý thức bà con dân tộc thiểu số trong công tác quản lý bảo vệ rừng, cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên các diện tích đã cắm mốc ranh giới.