Nơi ấy, có những cái tên rất lạ: Ma Lé, Lũng Táo, Phố Cáo, Tả Phìn, những ruộng bậc thang như mở ra cánh cửa lên cổng trời mù sương, những ngôi nhà đất dọc phố núi trầm yên, chợ phiên sặc sỡ váy xòe. Nơi ấy là cao nguyên đá Đồng Văn...
1. Suốt chặng đường từ Hà Nội lên đến trung tâm thành phố Hà Giang, ấn tượng duy nhất chỉ là màu bụi xám buồn hiu hắt. Không khí thành thị ở phố núi Hà Giang cứ yên bình như một lời rầm rì bên bếp lửa, đến quán xá cũng chẳng buồn tất bật. Đồng Văn còn cách 150 cây số. Đi được hơn chục cây số đầu tiên, dòng chữ “Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn” giữa lưng chừng núi cũng đã đủ sức làm phấn khích những bàn chân lần đầu tiên đặt đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc này. Con đường uốn lượn với hàng loạt khúc cua tay áo, mở đầu cho cuộc thử thách sự liều lĩnh. Đèo dốc dài như vô tận, có cảm giác cứ như đang tìm đường lên cổng trời. Và đến Cổng Trời thật. Hoàn toàn “xứng” với tên địa danh của mình, Cổng Trời nằm chót vót trên đỉnh đèo, là nơi lưu giữ truyền thuyết về Núi Đôi, vốn là bầu ngực của nàng tiên Hoa Đào để lại cho con khi bị bắt về trời. Đứng trên Cổng Trời nhìn xuống núi đôi Quản Bạ, thị trấn nhỏ như lòng bàn tay, xung quanh mây phủ mịt mù. Chân núi là những mảnh ruộng xanh rì tạc nên một bức tranh hoàn mỹ.
Cổng trời Quản Bạ. |
Thị trấn huyện lỵ Tam Sơn nằm ngay bên kia Cổng Trời, diện tích chỉ xấp xỉ 12 cây số vuông. Nhà cửa chủ yếu tập trung dọc hai bên quốc lộ. Cái lạnh 16 - 170C của vùng đất có độ cao 1.500m so với mực nước biển thừa sức “lùa” những tay phượt thủ phải dạt vào một quán cà phê để nghỉ chân. Hoàn toàn khác với cà phê đất Bắc, vốn rất loãng và nhiều gấp 4 lần cà phê ở miền trong, cà phê Quản Bạ đậm đến tỉnh người. Chủ quán còn cẩn thận đặt những chiếc lò gốm tráng men thủ công bé xíu, thắp nến bên dưới để cà phê luôn ấm nóng, vừa đẹp, vừa tinh tế. Áp tay vào chiếc “lò gốm” tí hon ấy, nhấp từng ngụm cà phê nóng thơm lừng giữa cái lạnh se sắt mà không khỏi xuýt xoa. “Một trong những ly cà phê ngon nhất mà tôi từng được thưởng thức” - người bạn đồng hành xác quyết.
2. Càng lên cao, con đường càng hiểm trở và bất trắc bởi mong manh như một sợi dây bé tẹo vắt quanh núi, nhìn xa tựa những chiếc thòng lọng khổng lồ. Hai bên đường toàn thông và cây sa mộc, loài cây được coi là biểu tượng cho nghị lực, ý chí của người dân vùng cao nguyên đá. Hướng duy nhất để không choáng ngợp là... nhìn lên trời. Dọc Na Khê, một bên là dòng sông ầm ào chảy, một bên là vách đá sừng sững. Qua những đoạn đường đầy sương mù khoét vào vách đá, vừa hồi hộp phấn khích, vừa có cảm giác ớn lạnh như đang chạy vào một cửa hang sâu đến tận cùng. Lác đác dọc đường, vài người Dao đỏ cõng những bó cây rừng cao quá đầu người, hoặc đang lùa bầy trâu đi dọc các sườn đồi hoang vắng. Tất nhiên, cách đoán biết tộc người chỉ dựa trên trang phục đặc trưng của họ. Đoạn đường này thuộc huyện Yên Minh. Huyện lỵ Yên Minh cũng nhỏ như Tam Sơn, không đúng dịp chợ phiên nên lại càng vắng vẻ.
Cột cờ Lũng Cú nhìn từ xa. |
Từ Yên Minh, con đường lên Đồng Văn chợt rẽ ngoặt sang một con dốc cao sừng sững. Hoang lạnh và heo hút. Và đá. Nhìn đi đâu cũng thấy một màu sẫm nâu của đá. Những vạt bắp như một dấu chấm màu xanh nhờ nhờ giữa bạt ngàn. Đã được nghe kể về cuộc sinh tồn của những người bản địa trên những núi đá tai mèo, nhưng có chứng kiến tận mắt mới cảm nhận được sự bền bỉ đến kinh ngạc của họ. Chúng tôi cứ ám ảnh vòng đời cây bắp, từ hạt nảy mầm, lớn lên, kết trái bằng thứ nước tưới duy nhất là mồ hôi của những người Dao, người Mèo, người Mông. Thi thoảng có cả những vạt đất vàng hoa cải. Một kỳ tích của tạo hóa, và cả con người. Đang cheo leo trên những đoạn đèo uốn lượn, xe đổ dốc xuống một thung lũng. Phố Cáo - tên thị trấn giữa thung lũng, cũng chỉ khoảng độ vài chục nóc nhà, có hẳn một khu chợ rất hoành tráng, được gắn cả biển hiệu nhưng tuyệt nhiên không thấy một bóng người. Lần đầu tiên chúng tôi thấy những ngôi nhà đất của người Mông. Người ta gọi đó là nhà trình tường. Nhà trình tường có móng bằng đá, còn tường được nện chặt từng lớp từ đất trộn với sỏi. Có khi, phải mất hàng tháng trời mới làm xong một ngôi nhà trình tường, bù lại những ngôi nhà trình tường có khả năng giữ nhiệt rất tốt trong mùa đông. Một “tổ ấm” đúng nghĩa giữa những hoang vu của vùng đất buồn như bị lãng quên.
3. Trong một bài ký, nhà thơ Vũ Duy Thông đã viết: “Là người Việt Nam, nếu chưa một lần được đứng trên đỉnh Lũng Cú để ngắm lá cờ của Tổ quốc, kể ra vẫn thiếu thiếu cái gì đó!”. Quả thực, giây phút đứng trên đỉnh Lũng Cú nhìn lá cờ Tổ quốc ngạo nghễ tung bay, mới cảm nhận được cái điều mà nhà thơ Vũ Duy Thông đã viết. Năm mươi tư mét vuông của lá cờ đỏ thắm, là 54 dân tộc anh em gắn kết nơi địa đầu Tổ quốc. Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống, hai bên là hai hồ nước quanh năm không bao giờ cạn, được người dân địa phương gọi là mắt rồng. Hai hồ nước, thực chất là hai phễu Karst cổ đã ngừng hoạt động, bị sét bịt kín cộng với thế núi hình đầu rồng có lẽ là khởi nguồn cho tên gọi Núi Rồng - nơi dựng cột cờ Lũng Cú. Leo 389 bậc thang đá từ lối chính, rồi đi theo vòng xoáy trôn ốc với 140 bậc trong lòng cột cờ nữa, một khoảng trời sáng bừng mở ra trên đỉnh đầu cùng tiếng lá cờ reo phần phật. Nỗi xúc động không thể diễn tả bằng lời.
Chúng tôi xuôi về thị trấn Đồng Văn khi trời đã chập choạng tối. Đêm, phố cổ trầm yên. Điểm cuối của chặng hành trình, Đồng Văn, với phiên chợ vùng cao, những “người nhà trời”, lắng lòng cảm nhận những thanh âm của tiếng khèn cất lên từ một căn quán cũ. Chúng tôi đến Đồng Văn. Và chúng tôi đã cảm nhận Đồng Văn bằng trái tim mình...
PHƯƠNG GIANG - SONG ANH