Thời tiết Sài Gòn đỏng đảnh như gái xuân thì. Những tưởng bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới, Sài Gòn sẽ mưa dầm, chí ít cũng trong một buổi. Nhưng không. Sài Gòn vẫn bất chợt nắng, bất chợt mưa như xưa nay vẫn vậy. Mưa chỉ đủ để người ở xứ sở “chưa mưa đà thấm” - là tôi, đang ở Sài Gòn lại nhớ quê nhà Quảng Nam nắng lắm mưa nhiều. Sáng và tối, trời se lạnh. Cái lạnh cũng chỉ đủ để các cô gái Sài thành điệu đà khoác hờ những tấm áo ấm nhiều màu sắc, trông xinh xắn hơn lên.
Sài Gòn không có đêm bởi lúc nào người và xe cũng tấp nập, ầm ì. Nhưng nếu cần, đâu đó vẫn có khoảng không gian bình lặng cho tôi, cho bạn tĩnh tâm. Thành phố càng phát triển thì khoảng cách giàu - nghèo càng cách biệt. Sài Gòn có nhiều cao ốc, và cũng có lắm kẻ không nhà. Sài Gòn có nhiều nhà hàng sang trọng phục vụ giới thượng lưu, thì cũng có nhiều quán chỉ bán cơm không - để người nghèo qua bữa chỉ với vài nghìn đồng. Sài Gòn, mỗi mét vuông đất, bất kể mặt tiền hay ngõ hẻm, đều là chỗ có thể làm ra tiền. Này là xe cà phê - nước giải khát vỉa hè nhưng không lấn chiếm lề đường, vì không có bàn ghế; khách cứ thế mua và đứng uống tại chỗ, thỏa thích nhìn người xe ngược xuôi. Này là sạp báo chưa tới vài mét vuông với vài chục loại báo và tạp chí. Này là mẹt trái cây gọt sẵn trông bắt mắt vô cùng khiến khách dù không có ý định mua vẫn dễ dàng đổi ý...
Sài Gòn đất chật người đông. Sài Gòn náo nhiệt, mấy trăm năm tuổi nhưng vẫn là thành phố trẻ nên Sài Gòn hợp với người năng động. Sài Gòn cũng là đất dễ làm ăn nên ai cũng muốn về đây sinh sống. Đất nước hình chữ S có 54 dân tộc anh em thì có đến 53 dân tộc có người sinh sống tại Sài Gòn! Người Quảng Nam ở Sài Gòn cũng nhiều. Người Quảng ở Sài Gòn nghe thấy giọng Quảng với cách xưng hô mi tau răng rứa thì mừng vui, vội bắt tay nhận đồng hương. “Tha hương ngộ cố tri” mà. Nhưng đôi khi không cần nghe giọng nói, chỉ cần nhìn thấy xe có biển số 92... là đã tưởng như gặp đồng hương. Ở Sài Gòn, tình đồng hương thắm thiết lắm. Nghe tin tôi đi bệnh viện, một người bạn thời còn ở quê, sống ở Sài Gòn lâu năm vội điện thoại: “Mình quen nhiều bác sĩ, có gì trở ngại cứ gọi mình một tiếng nhé”. Khi mọi chuyện đều suôn sẻ, và không cần đến nhờ sự giúp đỡ của bạn, tôi mới hỏi: “Bạn quen bác sĩ nào vậy?”, thì nhận được tràng cười: “Có quen ai đâu, nói để động viên tinh thần của bạn thôi mà”. Đấy là bạn tôi đã nhiễm tính nhiệt tình đáng yêu của người Sài Gòn rồi đấy.
Nhưng ở đâu cũng vậy, cũng có người tốt, kẻ xấu. Sài Gòn càng không ngoại lệ. Có người xe ôm tình nguyện chở một người mẹ trẻ tìm chỗ mua cháo dinh dưỡng và váng sữa cho con xa vài cây số chỉ lấy tiền công 5 - 10 nghìn đồng. Ngược lại, cũng có kẻ lợi dụng người mới đến lạ nước lạ cái, cố ý chở vòng vèo thêm mấy cây số để có cớ lấy thêm tiền trong khi quãng đường đi thực sự chỉ bằng một nửa. Sài Gòn có người chìa tay cho người cơ nhỡ thì cũng có kẻ thỏa thuận cho cặp vợ chồng trẻ thuê nhà trọ với giá vài trăm ngàn một đêm và đòi tăng giá lên gấp rưỡi khi thấy họ bế thêm con nhỏ. Muôn mặt của cuộc sống đều có ở Sài Gòn!
Người Sài Gòn làm hết sức, chơi hết mình, làm từ thiện cũng rất... chuyên nghiệp. Để ý mà xem. Cứu trợ các địa phương bị thiên tai nhanh và nhiều nhất chính là người Sài Gòn. Dẫn đầu danh sách ủng hộ các trường hợp thương tâm nêu trên báo chí bao giờ cũng là người Sài Gòn. Hằng ngày, nhất là cuối tuần, ngày sóc vọng, bệnh nhân ở các bệnh viện cũng nhận những suất ăn từ thiện từ tay người Sài Gòn. Đi trên phố, gặp tấm bảng “Nước uống miễn phí”, gần bệnh viện gặp tấm bảng “Hớt tóc miễn phí”, bạn hãy đừng ngạc nhiên, vì đó là Sài Gòn.
Sài Gòn, ồn ào náo nhiệt và cũng không thiếu những khoảng lặng. Có phải đấy chính là lý do khiến Sài Gòn đáng yêu trong mắt mỗi người?
PHAN LÊ CHÂU NỮ