…Đất nước tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau…
(Mũi Cà Mau - Xuân Diệu)
Không rõ hai câu thơ trích dẫn trên đã chuẩn xác chưa, nhưng khi truy cập nhiều tư liệu khác nhau vẫn thấy y như thế: Câu trên là “tàu”, câu dưới là “thuyền”. Có khi nhà thơ vốn nổi tiếng tinh tế về chữ nghĩa của chúng ta còn có ngụ ý nào khác chăng? Bởi ai cũng biết “tàu” thì đồ sộ, vững chắc, mạnh mẽ hơn nhưng cũng kém linh hoạt hơn “thuyền”…
Mũi Cà Mau. |
Nhưng thôi, bỏ qua chuyện đó! Từ hai câu thơ trên hãy nghĩ về dáng hình đất nước. Hồi nhỏ, khi lần đầu nghe thầy giáo chỉ lên tấm bản đồ nước Việt Nam rồi bảo đất nước ta hình chữ S, tôi vẫn chưa tin lắm. Tôi nghĩ nó giống mẹ tôi hơn. Mẹ tôi hàng ngày vẫn đi về với dáng dấp bôn ba tảo tần như thế. Mẹ cao gầy, lưng hơi khòm lại vì đang đội trên đầu một thúng củ quả gì đó đầy vun, nặng trĩu. Chỉ có một điều tôi không hiểu là tại sao mẹ lại quay lưng về phía biển Đông. Ngoài ấy nắng gió thênh thang, lại không ai che chắn tầm nhìn.
Nếu xếp theo thứ tự về diện tích thì Việt Nam ở vị trí thứ 66 so với thế giới và thứ 4 trong khối Asean, nghĩa là thuộc hạng “thường thường bậc trung”. Tuy nhiên, nếu xét về vĩ độ thì nước ta cũng thuộc loại… “chân dài” đáng kể. Chỉ tính riêng phần đất liền, nước ta “cao” khoảng 15 độ vĩ, nghĩa là bằng 1/6 bán cầu. Cái “chiều cao” theo hướng bắc – nam này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về nhiều mặt như khí hậu, sinh thái, thổ nhưỡng, kéo theo sự đa dạng về tính cách, ngôn ngữ, văn hóa… của các cộng đồng cư dân. Sau Tết Nguyên đán, trong khi du khách miền Bắc rủ nhau đi ngắm tuyết rơi trên Sa pa thì các cánh rừng U Minh ở Nam bộ đã vào giữa mùa khô. Tháng 6 tháng 7, khi các hồ chứa ở Nam Trung bộ cạn trơ đáy thì dòng điện từ sông Đà vẫn ung dung truyền tải về tỏa sáng ở phương Nam. Từ bao đời nay, trên suốt chiều dài của “mẹ”, thiên tai hoạn nạn nơi này thì vẫn còn nhiều nơi khác an toàn no đủ hơn, nhất loạt gọi nhau cùng đi ứng cứu. Nước non ngàn dặm dài nhưng nghĩa đồng bào vẫn luôn sẵn sàng sẻ chia hơi ấm cho nhau.
Hãy thử tưởng tượng cũng với hơn 330 ngàn cây số vuông này, nếu đất nước ta không dài mà vuông vắn như một… chiếc bánh chưng thì điều gì sẽ xảy ra? Hai mươi chín vạn quân xâm lược Mãn Thanh chắc sẽ không chịu ngồi yên nhìn về phương Nam thăm thẳm của Đại Việt mà ngán ngẫm, để cho nghĩa quân Tây Sơn phát triển thành một đạo quân hùng mạnh bách chiến bách thắng đến thế. Rồi gần hai thế kỷ sau, với bề dày kinh nghiệm của một trăm năm đô hộ nước ta, thực dân Pháp cũng không dễ gì bị đánh tới tấp từ nam chí bắc để cuối cùng phải chịu thảm bại trên chiến trường Điện Biên Phủ kinh thiên động địa, đến mức sau đó trong bộ từ điển Larousse tiếng Pháp phải bổ sung thêm một động từ “Dienbienfuer” (Đánh phủ đầu). Phải chăng chính chiều dài địa lý đã trở thành một trong các ưu thế của người Việt trong các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược?
Hãy hình dung đất nước ta tròn như một… chiếc bánh dày, với bán kính khoảng 320 cây số. Khi đó cả nước sẽ có cùng một miền khí hậu, mùa nắng cùng dang đầu chịu hạn, mùa mưa cùng dắt díu nhau chạy lũ. Mỗi mùa trong năm chúng ta sẽ có chung những loài hoa, các cánh rừng sẽ có chung các loài thảo mộc, cầm thú. Hoa điên điển và hoa tam giác mạch sẽ chỉ còn một. Trên bầu trời sẽ không còn những đàn chim thiên di theo hai mùa ấm lạnh. Trái sầu riêng và giống gà tre sẽ không còn là đặc sản của vùng đất nào. Trường Sơn và Hoàng Liên Sơn sẽ túm tụm bên nhau và sẽ có nguy cơ sớm bị trụi trần do nạn phá rừng. Bờ biển sẽ chỉ còn dài hơn ngàn cây số, chỉ riêng một thảm họa môi trường như vụ Formosa cũng đủ khiến toàn dân ta không còn cá tôm, muối biển để ăn…
Và nếu vậy, các dòng sông sẽ hòa chung làm một. Sông Hồng, sông Mã, Thu Bồn, sông Ba, Cửu Long… sẽ không phân chia đất nước thành những vùng văn hóa. Cả nước sẽ nói chung một giọng, sẽ nấu nướng những món ẩm thực giống nhau và sẽ hát những làn điệu dân ca như nhau. Sẽ không có sự phân biệt giữa điệu hò Đồng Tháp mênh mang với câu quan họ luyến láy uyển chuyển của vùng Kinh Bắc; tiếng cồng chiêng của người Tày, Nùng và của người Ê Đê, Xê Đăng sẽ chẳng có gì khác nhau… Ôi, vậy thì chán chết! Chẳng còn gì để khám phá, để thưởng ngoạn trên một xứ sở đơn điệu làng nhàng như thế.
Nhưng may thay, cha ông ta đã dựng nên một đất nước dài! Dài đủ để những trận hạn mặn ở đồng bằng Cửu Long không với tới đồng đất sông Hồng; cái rét tháng Giêng từ phía bắc không đủ sức làm hỏng hoa màu mùa xuân phương nam; dài đủ để quả dứa trở thành quả thơm, quả khóm, con cá quả lại ra cá lóc cá tràu…; dài đủ để một đời người luôn khao khát mà vẫn khó lòng đi hết núi sông. Cầu mong cho đến giữa thế kỷ này, hiện tượng nóng lên toàn cầu dẫu có làm ngập mặn một số cánh đồng nhưng vẫn không làm cho đất nước ta ngắn lại. Và dân tộc Việt vẫn đau đáu như tự ngàn xưa: nâng niu gìn giữ từng tấc đất biên cương Tổ quốc.
Xin ngước mặt cảm ơn một đất nước dài!
PHAN VĂN MINH