Đọc “Cảm ơn người lớn” (NXB Trẻ ấn hành quý IV.2018) của Nguyễn Nhật Ánh, độc giả sẽ gặp lại 4 nhân vật chính trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhà văn xuất bản cách đây 10 năm. Đó là thằng cu Mùi (nhân vật kể chuyện), Hải cò, Tủn, Tí sún. Và cũng như “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, ngay từ đầu, tác giả “Cảm ơn người lớn” đã “rào đón”: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”.
Hầu như đứa trẻ nào (nhất là trẻ em ở miền quê) cũng đều có thể tìm thấy sự tinh nghịch (thậm chí ngốc nghếch) nhưng hồn nhiên, ngây thơ của mình trong các nhân vật của truyện. Đọc “Cảm ơn người lớn”, chắc chắn người lớn cũng sẽ tìm lại được những ký ức tưởng chừng bị khuất lấp trong lớp bụi thời gian với cuộc mưu sinh hiện tại. Những trò nghịch dại của tuổi thơ, những mơ ước đơn giản, có khi viễn vông... như khi bọn trẻ tập bay (chương 1) lần lượt tái hiện với độc giả.
Trẻ con đơn giản - đơn giản nên hạnh phúc. Trẻ con vị tha - vị tha nên thanh thản. Trẻ con hồn nhiên - hồn nhiên nên luôn bình yên... Những câu chuyện, trò chơi của trẻ con trong “Cảm ơn người lớn”, hầu hết người lớn đều trải qua. Nhưng người lớn thì không đơn giản như trẻ con. “So với trẻ con, người lớn luôn cảm thấy thiếu thốn và luôn cảm thấy đau khổ. “Ôi, đời tôi sao khổ thế này!” - đó là câu người lớn hay than, từ người không đủ tiền mua một tấm áo đến người thiếu một khoản tiền để có thể mua một ngôi nhà lớn. Trẻ con không bao giờ than như thế, vì bọn tôi cả đời chỉ cần đủ tiền mua bánh kẹo, cà rem, xi-rô, ổi xoài (tất nhiên cuộc đời trẻ con chỉ kéo dài đến chừng nào trở thành người lớn). Đang đói bụng mà có tiền mua một ổ bánh mì là cuộc sống bọn tôi lập tức biến thành màu hồng dù trước đó nó được vẽ bằng gam màu nhem nhuốc gì đi nữa. Tóm lại, trẻ con chẳng có mơ ước gì cao xa. Nhờ vậy bọn trẻ không có nhiều khổ não, thất vọng hay bất đắc chí như người lớn” (trang 8 - 9).
Trẻ con thường xuyên nói “nghỉ chơi” với nhau, nhưng ngay sau đó lại làm lành như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Người lớn thì không hồn nhiên vô tư như vậy. “Họ ghim những câu nói đó vào tim mình và tim người bạn đời - giống như gieo những hạt giống xấu mặc cho chúng nảy mầm” (trang 212).
Hơn 250 trang sách với 19 chương, mỗi chương là một câu chuyện, từ những câu chuyện trong các chương: “Bánh tình yêu”, “Cọp và dê”, đến “Thằng ba xạo”, “Bạo chúa thời gian”…, người lớn đều thấy “thì quá khứ” của mình trong đó. Và đặc biệt, khi đọc xong quyển “Cảm ơn người lớn”, tôi - người lớn - nghĩ mình phải cảm ơn trẻ con. Biết ơn, vì bằng sự hồn nhiên, đơn giản của mình, trẻ con dạy cho người lớn nhiều bài học để người lớn mình sống nhẹ nhàng, đơn giản, thanh thản hơn, an nhiên hơn. Và, cũng như những truyện khác của Nguyễn Nhật Ánh, “Cảm ơn người lớn” lôi kéo độc giả bằng lời những lời văn, hình ảnh, câu chuyện dí dỏm, hài hước, nhẹ nhàng, dễ thương...
CHÂU NỮ