(VHQN) - Trong tác phẩm “Trà đạo”, Okakura Kakuzo, một trà sư lừng danh của Nhật Bản, đã viết: “Trà đạo là một tôn giáo lập ra để tôn sùng cái đẹp trong những công việc tầm thường của sinh hoạt hàng ngày. Nó là nghi thức của đức tinh khiết và sự hòa hợp; nó làm cho người ta cảm thấy sự huyền bí của tình tương trợ nhân ái và ý nghĩa lãng mạn của trật tự xã hội”.
1. Lần đầu tiên tôi biết đến trà đạo Nhật Bản khi tham dự lễ hiến trà do trà sư Suzuki Sokaku chủ trì tại lăng vua Minh Mạng vào năm 1996. Trà sư Suzuki dùng chiếc khăn fukusa màu tím để lau trà cụ với một sự kính cẩn và nghiêm trang lạ thường.
Ðộng tác của ông tỉ mẩn, chuẩn xác và đầy vẻ huyền bí. Bộ kimono màu tím thẫm trên người ông cùng với làn khói trầm, đã tạo nên một khung cảnh thành kính và thiêng liêng trước điện thờ vua Minh Mạng.
Lễ hiến trà bắt đầu sau khi trà sư Suzuki dâng trầm hương lên án thờ vua Minh Mạng trong Sùng Ân điện và án thờ các quan triều Nguyễn trong Hữu Tùng tự.
Dựa vào kết quả giám định niên đại, các nhà khảo cổ học Nhật Bản như: Tani Akira, Nishino Noriko… cho rằng, đồ gốm Việt Nam nhập khẩu Nhật Bản để sử dụng trong nghi thức trà đạo, gồm bốn thời kỳ: thời kỳ thứ nhất là nửa sau thế kỷ 14, thời kỳ thứ hai là cuối thế kỷ 15 - đầu thế kỷ 16, thời kỳ thứ 3 là cuối thế kỷ 16, và thời kỳ thứ 4 là nửa đầu thế kỷ 17. Qua đó cho thấy, chính nhờ trà đạo mà người Nhật đã biết đến Việt Nam từ rất sớm.
Với sự trợ giúp của phu nhân Sumiko, trà sư Suzuki thực hành nghi thức pha trà một cách kính cẩn, thành tâm và chính xác như một điệu múa: từ việc sử dụng chiếc khăn chakin màu trắng để lau chén trà, đến việc múc trà vào chén, pha nước nóng rồi khuấy nhẹ mạt trà trong chén bằng cây đánh trà làm bằng tre.
Trà đạo Nhật Bản sử dụng ba loại trà khác nhau: đoàn trà, mạt trà và yêm trà. Trà sư Suzuki đã dùng mạt trà cho lễ hiến trà ở lăng Minh Mạng.
Chén trà đầu tiên được trà sư Suzuki thành kính dâng lên án thờ vua Minh Mạng. Chén trà thứ hai dâng lên án thờ các quan. Những chén trà kế tiếp được phu nhân Sumiko và những đồng môn người Nhật, mặc kimono với đủ sắc màu, đưa đi mời các trà tượng (khách dự lễ hiến trà).
Mỗi trà tượng được mời một chén trà và hai chiếc bánh ngọt đặc sản của cố đô Kyoto. Một chiếc bánh có hình chiếc lá tùng màu xanh bắt chéo, tượng trưng cho hạnh phúc trường tồn; chiếc kia hình cái chuông màu vàng, là biểu tượng của môn phái Omote Senke, môn phái trà đạo mà trà sư Suzuki Sokaku là truyền nhân.
Năm 1997, tôi sang Nhật Bản du học. Trong thời gian ở Nhật, tôi đã nhiều lần tham gia các lễ hiến trà tổ chức tại các đền, chùa hay các buổi thưởng trà trong các trà thất nổi danh ở Matsue, Osaka, Kyoto…
Không chỉ tham gia, tôi còn được mời tham dự lớp học và thực hành trà đạo ở Hội Giao lưu quốc tế ở Hamada; được các đồng nghiệp Nhật Bản ở Matsue mời về nhà thưởng trà vào ngày đầu năm mới.
Nhờ vậy, tôi chứng kiến gần như đầy đủ các nghi thức: hiến trà, hành trà và thưởng trà của người Nhật. Đó là những cơ hội quý giá để tôi tìm hiểu và khám phá thế giới kỳ bí và quyến rũ của trà đạo Nhật Bản.
2. Người Nhật quan niệm uống trà không chỉ để giải khát, mà đó là một thứ tôn giáo - chado (trà đạo) - tương tự như: kendo (kiếm đạo), ikebana (hoa đạo), bushido (võ sĩ đạo) vậy. Theo truyền thuyết Nhật Bản, cao tăng Myoan Eisai (1141 - 1215) là người mang hạt giống trà từ Trung Hoa vào Nhật Bản để trồng và khai sinh ra nghệ thuật uống trà ở Nhật từ cuối thế kỷ 12.
Tuy nhiên, Thiền sư Senno Rikyu (1521 - 1591) mới là người nâng việc uống trà thành Trà đạo. Senno Rikyu yêu cầu việc thưởng trà phải diễn ra trong những trà thất biệt lập, thanh tịnh và trang nghiêm. Nơi đó, thưởng trà gắn liền với thưởng thức nghệ thuật, đòi hỏi chủ và khách đều phải có vốn kiến thức nhất định về thơ ca, hội họa, nghệ thuật cắm hoa, nghề thủ công truyền thống và lòng hiếu khách.
Trà đạo Nhật Bản đã mở ra thế giới tinh thần vi diệu và tinh tế, nơi người ta coi nhẹ tiền tài, địa vị và danh vọng, mà chỉ ngưỡng mộ kiến thức, tôn trọng sự thanh nhã và lịch thiệp. Tinh thần của trà đạo được thể hiện trong bốn chữ: hòa - kính - thanh - tịch.
Hòa là sự giao hòa, hòa hợp giữa trà nhân với trà nhân, giữa trà nhân với trà thất và trà cụ. Kính là sự tôn kính của trà nhân với vạn vật và con người, là sự tri ân cuộc sống. Thanh là đạt đến sự thanh thản, yên tĩnh ở trong lòng. Tịch là khi lòng đã thanh thản, yên tĩnh hoàn toàn thì thế giới trở nên tịch lặng và con người đạt đến sự an nhàn.
Trà đạo còn tạo mối liên hệ giữa Nhật Bản với Việt Nam từ hơn 600 năm trước, thông qua những đồ gốm Việt Nam dùng trong trà đạo. Theo sách “Trà hội ký” của Nhật Bản, từ cuối thế kỷ 14, người Nhật đã nhập đồ gốm Việt Nam để dùng trong nghi thức hiến trà, gọi là Nanban Shimamono (đồ gốm mộc) hay Annam (đồ gốm tráng men có hoa văn).
Nhiều chén trà là đồ gốm Việt Nam từ thời Lê đã được phát hiện trong các di chỉ khảo cổ học ở Nhật Bản. Ngoài ra còn có một số chén trà do người Nhật đặt làm tại Việt Nam nhưng kiểu dáng và hoa văn lại mang tinh thần thẩm mỹ của người Nhật, từng được coi là đồ gia bảo của nhiều danh gia vọng tộc, như Mạc phủ Tokugawa, hiện đang được trưng bày trang trọng trong các bảo tàng ở Kyoto, Nagoya và Tokyo.