Làng Cẩm Sa, nay là khối phố Cẩm Sa, phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn. Theo tự dạng của chữ Hán thì Cẩm Sa (錦 紗) có nghĩa là lụa đẹp lộng lẫy (như gấm). Đây là một trong những làng “tiền hiền” của Quảng Nam.
Mô hình nhà thờ tộc Lê Cẩm Sa. |
Lịch sử làng
TS.Huỳnh Công Bá trong “Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở bắc Quảng Nam” cho rằng, thủy tổ của tộc Phạm làng Cẩm Sa là lớp lưu dân đầu tiên trong số những người “Bắc địa tùng vương” đến khai khẩn và lập ra làng Cẩm Sa sau cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông năm 1471. Nhưng sau này tộc Phạm cho biết thủy tổ của họ vốn là người làng Kiết Đặc, huyện Chí Linh (nay là xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) mãi đến năm 1558 mới theo Nguyễn Hoàng vào Nam. Gia phả tộc Lê làng Cẩm Sa cũng cho biết thủy tổ của dòng tộc này là ngài Lê Niệm Đại Lang đã được bố trí ở lại khai khẩn vùng Cẩm Sa sau cuộc Nam chinh của Lê Thánh Tông. (Thực ra ngài có tên là Lê Niệm. Chữ Đại Lang đi kèm chỉ là sự tôn vinh hoặc tước vị mà thôi). Nhưng theo Hồ Trung Tú trong “Có 500 năm như thế”, thì làng được thành lập sớm hơn, từ năm 1402. Một người bác ruột của Hồ Quý Ly có quê ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vào Nam theo cuộc vận động di cư vào Nam lập ấp dưới thời Hồ Hán Thương (1402-1407) đã đến định cư tại Cẩm Sa và trở thành thỉ tổ tộc Hồ và tiền hiền của làng. Cũng theo Hồ Trung Tú, đến năm 2002, tộc Hồ Cẩm Sa đã truyền đến đời thứ 26 với bình quân 24 năm/đời. Điều này hoàn toàn phù hợp.
Như vậy, làng Cẩm Sa vốn là một trạm quốc gia nên các đợt di cư vào Nam đều phải đi qua và nhiều tộc họ đã dừng lại ở đây theo những mốc lịch sử quan trọng: Hồ (1402), Lê (1471), Phạm (1558)…
Lúc đầu làng có tên là Kim Sa (cát vàng), điều này được thể hiện ở sách Ô châu cận lục của Dương Văn An (1553) trong mục giới thiệu 66 làng thuộc huyện Điện Bàn (phủ Triệu Phong). Sau này vì kỵ húy tên thân phụ của Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng là Nguyễn Kim nên mới đổi lại, có lẽ là vào năm 1604, khi huyện Điện Bàn được tách khỏi phủ Triệu Phòng nâng lên thành phủ và nhập vào dinh Quảng Nam. Đợt này nhiều làng của Điện Bàn cho tên đầu bằng chữ Kim (Kim Lũ, Kim Toại, Kim Nê, Kim Quất… cũng được đổi thành Cẩm hoặc Thanh (Cẩm Lũ, Cẩm Toại, Cẩm Nê, Thanh Quýt…).
Dưới thời chúa Nguyễn, làng Cẩm Sa là một nhà trạm quan trọng trên đường nối liền giữa thủ phủ nhà Chúa ở Thuận Hóa đến dinh trấn Thanh Chiêm. Trong “Phủ biên tạp lục” Lê Quý Đôn viết: “Đường sá từ trấn Thuận Hóa vào Quảng Nam, nhật trình đi bộ từ quán Lồn Voi đến quán Trà nửa ngày. Quán Trà đi tối đến Tuần Ải (Hải Vân quan sau này - LT). Tuần Ải đến quán Sảng nửa ngày, quán Sảng đi tối đến quán Thanh Khê. Quán Thanh Khê đi đến quán Cẩm Sa nửa ngày; quán Cẩm Sa đi tối đến dinh Quảng Nam…” (Nxb Khoa học, 1964, trang 120). Cũng tác phẩm này cho biết làng Cẩm Sa thuộc tổng Hà Khúc, huyện Hòa Vang. Sang thời nhà Nguyễn, theo Địa bạ Gia Long (1812-1818) làng Cẩm Sa thuộc tổng Thanh Quýt, huyện Diên Khánh (Diên Phước), phủ Điện Bàn.
Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Cẩm Sa vẫn giữ nguyên tên cho đến năm 1948 mới thuộc xã Điện Nam. Thời kỳ 1954-1975, Cẩm Sa là một thôn của xã Thanh Minh, quận Điện Bàn. Từ 1975-2005, làng thuộc xã Điện Nam. Sau ngày 7.7.2005 là thôn Cẩm Sa, xã Điện Nam Bắc.
Ngôi làng của những điều đặc biệt
Ngày nay Cẩm Sa nổi tiếng là “ngôi làng anh hùng”, đã sản sinh 5 vị tướng, 3 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng trước đây nói đến Cẩm Sa người ta nghĩ ngay đến những trận giao tranh ác liệt giữa các thế lực do nằm trên đường Bắc - Nam và nhất là vị đại khoa duy nhất giàu tài năng và đức hạnh của làng nhưng lại… yểu mệnh.
Về các trận giao tranh, ác liệt nhất có lẽ là lần chạm trán đầu tiên giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn vào ngày 24.4.1777. Sách “Việt sử xứ Đàng Trong” của Phan Khoang viết: “Ngày 24, Hoàng Đình Thể đến Cẩm Sa, Nguyễn Văn Nhạc sai Tập Đình làm Tiên phong, Lý Tài làm Trung quân đem 600 quân hơn 30 thớt voi chia làm 5 chi đón đánh. Quân Tây Sơn, đội khăn đỏ, mình trần xông vào đánh bừa, không đợi thành trận. Trước kia quân Tây Sơn đánh thắng quân Nguyễn là nhờ cách ấy. Không ngờ quân Trịnh mặc dầu hỗn đấu, vẫn nghiêm trận không động. Hoàng Đình Thể nhắm phía thúc voi tiến đánh. Quân Tây Sơn hoặc bị giết hoặc bị voi giày, chết không xiết kể, bèn vỡ trận… Hoàng Đình Thể sai quân đuổi theo. Tây Sơn thủy quân thì do cửa Đại chiêm ra biển, bộ binh thì nhắm Quảng Ngãi mà chạy. Quân Trịnh bắt được quân lính, quân nhu khí giới rất nhiều, đuổi theo đến Thanh Hà rồi chiếm dinh Quảng Nam…” (Nxb Khai Trí, 1967, trang 279).
Dưới thời phong kiến, Cẩm Sa không phải là ngôi làng văn vật của Điện Bàn. Suốt 100 năm khoa cử dưới triều Nguyễn làng chỉ có duy nhất một đại khoa, đó là phó bảng Ngô Lý, một trong hai Phó bảng của khoa Ngũ phụng tề phi Quảng Nam (1898), nhưng ông lại là người… yểu mệnh.
Chuyện kể, Ngô Lý vốn quê ở làng Mông Lĩnh, huyện Quế Sơn. Nhà nghèo, cha mất sớm nên phải đến ngụ cư ở Cẩm Sa. Nhưng ông là người rất chăm học và thông minh, là học trò cưng của cụ Hoàng giáp Phạm Như Xương, được thầy tận tình dạy dỗ nhưng rất tiếc nhà thầy cũng rất nghèo không giúp gì được về vật chất cho trò. Hàng ngày Ngô Lý phải phụ giúp mẹ làm bánh bèo để đem xuống Hội An bán. Xay bột xong, Ngô Lý lợi dụng ánh sáng của bếp lửa hấp bánh để đọc sách, học bài. Cảm thương hoàn cảnh của ông, một cô gái hàng xóm nhà khá giả hơn, hàng ngày sang lấy nước vo gạo và rửa cối xay bột đem về cho heo đã lén cha mẹ đem cơm cho ông bồi dưỡng.
Ngày vinh quy bái tổ, các làng khác theo lệnh của tổng đốc có quan viên chức sắc của làng mang chiêng trống võng lọng ra tận Hải Vân để rước. Ngô Lý chỉ được làng rước bằng… trống thủng, chiêng bể vì là dân… ngụ cư! Tủi thân nên khi đám rước về đến bờ sông chuẩn bị sang đò để lên dự tiệc chiêu đãi của Tổng đốc Đào Tấn ở Khán Hoa đình bên bờ sông Vĩnh Điện, Ngô Lý đã bỏ bữa tiệc đón rước chạy bộ một mạch về làng, lạy tạ mẹ rồi chạy sang làng Ngân Câu bên cạnh, tạ ơn thầy. Cảm kích trước lòng hiếu đễ của ông nên sau này cụ Tổng đốc Đào Tấn không bắt lỗi ông về tội vắng mặt trong bữa tiệc đón rước. Sau khi thi đỗ, mặc dù được nhiều gia đình giàu có gạ gả con gái cho, nhưng Ngô Lý đều từ chối để xin lấy người “phiếu mẫu”… xách nước cơm ngày nào.
Rất tiếc, làm quan được một năm (Hành tẩu bộ Lại, Tri huyện Thạch Hà) thì Ngô Lý bị lâm bệnh hiểm nghèo qua đời. Đời sau vẫn nhắc mãi tấm gương hiếu học, đạo nghĩa của phó bảng Ngô Lý.
LÊ THÍ