(QNO) - Giữa muôn nghìn bài hát lãng mạn về tình yêu thì “Thu, hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển vẫn đứng riêng một góc trời đầy kiêu hãnh, được rất nhiều người yêu thích suốt hơn 48 năm qua.
“Thu, hát cho người” là một bài hát có giai điệu sang trọng, ca từ diễm lệ; câu chữ hợp lại thành ra như một bài Đường thi; hình ảnh chứa đựng nỗi hoài cảm thăm thẳm nơi tâm hồn của người nhạc sĩ đã từng yêu và sẽ yêu mãi mãi. Với tác giả Vũ Đức Sao Biển, ông khẳng định rằng đó chính là mùa thu trên đất Quảng Nam - quê hương của ông.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. |
Vũ Đức Sao Biển kể khi còn bé, ông được người anh trai tặng cho cây đàn Mandoline; từ đó, ông say mê chơi nhạc và học nhạc lý. Năm 18 tuổi, ông vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm Ban Việt - Hán và Đại học Văn khoa Ban Triết học Đông phương; đồng thời học thêm về thanh nhạc và sáng tác ở trường nhạc. Có lẽ đây là nền tảng văn hóa cực kỳ giá trị cho sự nghiệp của Vũ Đức Sao Biển sau này. Nền tảng ấy chi phối phong cách sáng tác của ông về sau.
Trở lại với “Thu, hát cho người”, sau hai năm học hành ở phương xa, Vũ Đức Sao Biển trở về quê nhà Duy Xuyên vào mùa thu. Ông nhớ lại mùa thu ở Quảng Nam rất đẹp. Vào khoảng tháng 9, cảnh sắc với tháp cổ Mỹ Sơn rêu phong hoang phế; dòng sông Thu uốn lượn xanh biếc qua những bờ tre, bãi mía, nương dâu; những đồi sim lá bạc như tuyết, hoa tím mênh mông vời vợi; mây bàng bạc ôm kín chân trời. Chàng trai hai mươi tuổi đứng giữa núi đồi quê hương nhìn sông Thu, chợt nhớ tới người bạn cũ, lòng dâng lên cảm xúc: “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/ Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa”.
Vũ Đức Sao Biển được học rất sâu về nền văn chương Việt - Hán, đặc biệt là Đường thi, nên rất tự nhiên, ông đưa hình ảnh đẹp đến huyền ảo vào ca khúc mình: “Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ”. Câu ca từ này lấy tứ thơ trong bài “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu đời Đường: “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản/ Bạch vân thiên tải không du du” (Hạc vàng đi mất từ xưa/ Nghìn năm mây trắng lững lờ còn bay - Bản dịch của Tản Đà).
Nếu trong ca từ, ông triệt để tôn trọng tính cân phương thì trong từng chữ, ông triệt để tôn trọng tính đối ngẫu - một biểu hiện của văn chương cổ điển: đi - về; trời - đất; đêm - ngày; ta - người: “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/ Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa/ Hoàng hạc bay bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim ta nhớ người vô bờ… Đêm nguyệt cầm, ta gọi em trong gió/ Sáng linh lan, hồn ta khóc bao giờ”. Câu chữ được sử dụng theo lối điệp từ như hồi ức của những con sóng lòng nhớ mênh mang. Tuy nhiên, Vũ Đức Sao Biển cũng hiểu không thể sử dụng nhiều những hình ảnh thơ cổ vì sẽ làm cho bài hát trở nên khuôn sáo, thiếu hồn thực tại. Do vậy, về sau này ông hoàn toàn làm chủ ca từ hiện đại nhưng vẫn dưới màu sắc hoài cổ để đúng với ý định của mình.
Tôi hỏi ông về “đêm nguyệt cầm” và “sáng linh lan”. Ông kể, những đêm trăng trên đất phương Nam, ông thường treo cây guitare Yamaha G tra bộ dây Hoffner ngoài cửa sổ; còn linh lan là một loại lan rừng mọc từ trong đá ra, tím ngát cả cành, cả nhánh và cả hoa. Toàn bộ bài hát phảng phất cái màu tím da diết của thời đôi mươi lãng mạn. Thường thì trong một ca khúc chỉ được một vài câu đắt giá tạo ấn tượng, ngược lại “Thu, hát cho người” lại có nhiều câu hay tới mức toàn mỹ về ý nghĩ hình ảnh biểu trưng và nội hàm. Tôi cho rằng hay nhất vẫn là câu: “Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó/ Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư”. Ca từ hòa quyện với liên ba lên những nốt nhạc cao trào, cháy bỏng lòng người nghe.
Vũ Đức Sao Biển viết “Thu, hát cho người” năm 1968, khi ông vừa đôi mươi. Đây là ca khúc rất khó hát nhưng với ca sĩ chuyên nghiệp thì ai cũng muốn chinh phục nó. Người ta thống kê kể từ ngày ra đời tới nay đã có 92 ca sĩ thể hiện, mỗi người một vẻ. Với bạn yêu nhạc ngày nay thì Quang Dũng, Bảo Yến, Lệ Thu, Ngọc Lan, Tuấn Ngọc và Bằng Kiều là các giọng ca thể hiện thành công nhất. Bài hát còn tạo ra hàng chục huyền thoại về hình bóng “Thu” trong ca khúc trên báo viết, các đài phát thanh quốc tế và trang mạng xã hội. Cô bạn ấy là người sinh ra và lớn lên ở Duy Xuyên.
Năm 2015, ông trở về quê và viết “Trên đồi xưa” - một ca khúc theo phong cách Sérénade (mộ khúc) của âm nhạc cổ điển. Ông còn làm nhiều hơn thế nữa khi có chùm ca khúc nổi tiếng không kém mang âm hưởng dân ca Nam bộ như “Điệu buồn phương Nam”, “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, “Phượng nhớ hoàng”, “Đau xót Lý chim quyên”… Ông là còn nhà Kim Dung học, nhà báo với đủ thể loại chính luận, phiếm luận và là thầy dạy nghề báo chí ở các đại học. Nhưng trên tất cả và gần gũi với chúng ta nhất, Vũ Đức Sao Biển vẫn là người nhạc sĩ tài hoa, khiêm tốn và giản dị.
LÊ ĐỨC DƯƠNG