"Cầm tay chỉ việc"

LÊ QUANG QUỲNH 19/12/2013 11:45

Với cách dạy nghề “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”, 3 năm qua, Huyện đoàn Hiệp Đức đã phối hợp cùng tổ chức Tầm nhìn thế giới trực tiếp khảo sát nhu cầu người học, giới thiệu địa chỉ đào tạo và giải quyết việc làm cho 94 thanh niên.

Hơn một năm nay, anh Nguyễn Văn Phòng ở xã Thăng Phước (huyện Hiệp Đức) theo học nghề tại xưởng cơ khí Thanh Thu ở quận Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng). Phòng năm nay 19 tuổi, nhà nghèo, anh phải nghỉ học từ năm lớp 9. Với phương pháp giảng dạy dễ hiểu, dễ nhớ là “học đi đôi với hành”, “cầm tay chỉ việc tại chỗ” nên trong quá trình học nghề, Phòng luôn quan sát, học hỏi và đến nay đã cải tiến và cho ra những sản phẩm không chỉ bảo đảm về chất lượng mà còn phù hợp, tiện ích. “Ở đây em học trực tiếp, được các anh hướng dẫn tận tình nên dễ tiếp thu hơn. Ngoài ra còn được chủ cơ sở tạo điều kiện để vừa học, vừa làm tại một số công trình” - Phòng chia sẻ. Chủ cơ sở cơ khí Thanh Thu là anh Dương Tấn Thu cũng nghỉ học từ sớm, ngay từ nhỏ anh phải vất vả bươn chải để lo cho cuộc sống. Với 20 năm trong nghề, anh sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ đến đây học nghề. Anh Thu cho biết: “Là người đi trước, làm nghề cũng từ khó khăn vượt lên nên bằng cái tâm và kinh nghiệm của mình, tôi sẵn sàng chỉ dẫn cho các em”.

Học nghề theo cách “cầm tay chỉ việc” là điều các đơn vị tổ chức chương trình tâm niệm.                                                                          Ảnh: L.Q.Q
Học nghề theo cách “cầm tay chỉ việc” là điều các đơn vị tổ chức chương trình tâm niệm. Ảnh: L.Q.Q

Cách đây 4 năm, em Phạm Văn Thức (thôn 3, xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức) bỏ học giữa chừng trong nỗi lo âu của bố mẹ. Bà Lê Thị Luận (mẹ của Thức) nhớ lại: “Học hết lớp 9, Thức không theo được lên lớp 10 nên gia đình rất lo, ở nhà không biết làm việc gì, nhờ có đoàn thanh niên, hội phụ nữ tạo điều kiện cho đi học nghề, bên tổ chức Tầm nhìn thế giới thì hỗ trợ kinh phí, gia đình rất mừng”. Từ sự giới thiệu của Huyện đoàn Hiệp Đức, Thức theo học nghề sửa xe Honda tại cơ sở Ngọc Hải ở thị trấn Tân An. Sau hơn 2 năm vừa học vừa làm, khi tay nghề đã cứng cáp, Thức mạnh dạn vay mượn 20 triệu đồng để mở tiệm riêng. Đến nay, tiệm sửa xe của Thức đã là địa chỉ quen thuộc của nhiều người. Không chỉ sửa xe máy, Thức còn sửa máy bơm nước, máy cắt cỏ, cắt lúa… Thu nhập của Thức mỗi ngày không dưới 100 nghìn đồng.

Trong 3 năm qua, với sự hỗ trợ của tổ chức Tầm nhìn thế giới, các đơn vị tư vấn ở huyện đã phối hợp khảo sát nhu cầu, tìm địa chỉ học nghề và giải quyết việc làm cho gần 100 thanh niên. Người thì chọn nghề mộc, người học nghề uốn tóc và phổ biến nhất là nghề may. Mong muốn lớn nhất của thanh niên nông thôn hiện nay là tìm kiếm cơ hội học nghề và tìm việc làm. Tuy nhiên, việc tổ chức các lớp dạy nghề cần gắn với nhu cầu của người học, tránh dạy nghề cho người nghèo theo kiểu được chăng hay chớ, học cho có nghề.

Dạy nghề tới nơi tới chốn, không cần chứng chỉ mà để họ sống được bằng nghề được đào tạo là điều mà các đơn vị phối hợp luôn tâm niệm. Anh Hồ Thanh Sơn - cán bộ phụ trách vùng về giáo dục của tổ chức Tầm nhìn thế giới chia sẻ: “Chúng tôi tiếp cận với từng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không thể đi học nữa. Bên cạnh việc tư vấn, hướng nghiệp cho các em, chúng tôi phối hợp tìm các cơ sở để đào tạo, đặc biệt là đào tạo theo khả năng và theo nhu cầu của các em, không mở đại trà”. Anh Huỳnh Hữu Cường - Bí thư Huyện đoàn Hiệp Đức cho biết thêm: Trong 3 năm qua, Huyện đoàn đã tổ chức dạy nghề cho gần 100 em, trong đó có nhiều em đã tự mở được xưởng để làm và có thu nhập bình quân tương đối cao”.

 LÊ QUANG QUỲNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Cầm tay chỉ việc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO