Từ lợi thế của một vùng đất có cả cửa sông, cửa biển, việc triển khai đề án xây dựng làng quê sinh thái Cẩm Thanh đã bước đầu mang lại thành công.
Tour du lịch sinh thái bằng xe đạp ở Cẩm Thanh thu hút đông đảo du khách. Ảnh: ĐỖ HUẤN |
Cẩm Thanh là xã ngoại ô nằm về phía đông TP.Hội An, có tổng diện tích tự nhiên hơn 895ha (trong đó có gần 349ha mặt nước), chia thành 8 thôn với hơn 2.000 hộ và hơn 8.840 nhân khẩu. Cẩm Thanh có rừng dừa Bảy Mẫu với hơn 80ha trải rộng trên địa bàn các thôn, vừa là khu bảo tồn rừng ngập mặn vừa là địa danh gắn với những chiến tích hào hùng trong kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân Hội An, được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.
Chuyển biến
Trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập, Cẩm Thanh là căn cứ địa vững chắc của phong trào cách mạng. Đây cũng là nơi hứng chịu nhiều bom đạn của kẻ thù. Bước ra từ khói lửa chiến tranh, Cẩm Thanh gần như chỉ còn là mảnh đất hoang tàn đổ nát. Nhưng với tinh thần tự lực tự cường cùng với sự tiếp sức và hỗ trợ của lãnh đạo và nhân dân thành phố, 38 năm qua cán bộ và nhân dân Cẩm Thanh đã tạo được nhiều chuyển biến đáng mừng cùng những thành quả quan trọng trên bước đường vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Từ chỗ sản xuất còn manh mún, dần dần Cẩm Thanh đã có bước chuyển mạnh mẽ theo hướng phát triển ngư - nông nghiệp và dịch vụ - du lịch. Hệ thống kênh mương nội đồng ở đồng Mẫu, đồng Cây Giá, biền Bà Phát... đã được bê tông hóa toàn bộ, dẫn nước về tưới mát các chân ruộng xa.
Những năm gần đây, UBND thành phố đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp đường, điện hoàn thiện và đưa vào sử dụng các công trình cầu Ông Thơ, cầu Gò Hý, hệ thống nước sạch nông thôn, các thiết chế văn hóa và tiến hành trùng tu các di tích lịch sử - văn hóa… Đến nay Cẩm Thanh đã cơ bản đạt chuẩn về cơ sở vật chất ở cả 3 cấp học: mầm non, tiểu học và THCS, đáp ứng yêu cầu học tập của con em. Trạm y tế, khu thiết chế văn hóa xã và 8 thôn cũng như trụ sở làm việc của UBND xã cũng được xây dựng khang trang. Các di tích trên địa bàn xã như miếu Tổ nghề yến, lăng Trà Quân, bia di tích Vườn xã Tiếp, bia Chiến thắng, lăng Bà… đã được trùng tu, tạo sự phấn khởi cho người dân.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: “Cẩm Thanh đã nhận được rất nhiều sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư từ thành phố và các cấp nên các mặt phát triển kinh tế - xã hội có những thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đặc biệt, kể từ năm 2006, khi HĐND thành phố có nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển làng quê sinh thái của Cẩm Thanh, điều kiện kinh tế và đời sống của người dân đã có những đổi thay đáng phấn khởi. Để đảm bảo khơi dậy và phát huy hơn nữa tiềm năng lợi thế của Cẩm Thanh, các cấp cần có sự quan tâm nhất định trong cơ chế định hướng phát triển và hỗ trợ cải thiện về điều kiện hạ tầng trong thời gian tới”.
Hình thành vùng du lịch sinh thái
Thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố về xây dựng và phát triển làng quê sinh thái Cẩm Thanh, những năm qua, TP.Hội An đã và đang triển khai mở rộng các tuyến giao thông đường bộ và đường thủy huyết mạch, xây dựng các tuyến tham quan “Rừng dừa Bảy Mẫu”, sông nước, làng quê, các dịch vụ du lịch tại chỗ nhằm mở hướng đi nhanh hơn trong những năm tiếp theo. Các dự án khu tái định cư đường dẫn cầu Cửa Đại, Trung tâm Làng nghề truyền thống tranh tre - lá dừa nước… cũng được xúc tiến đầu tư để tạo đột phá.
Chỉ mới mở thử nghiệm nhưng tour du lịch sinh thái bằng xe đạp ở Cẩm Thanh đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia. Theo các hướng dẫn viên, tour du lịch này thành công là nhờ đã hệ thống được lộ trình và các điểm tham quan ở địa phương tương đối đầy đủ, đặc sắc. Du khách được tự do khám phá và tận hưởng không khí trong lành, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với nhiều nét dân dã, gần gũi của vùng quê chưa chịu nhiều tác động của “cơn lốc đô thị hóa” ở Hội An. Tuy mới 2 năm khởi sự nhưng ngành du lịch - dịch vụ Cẩm Thanh đã có nhiều khởi sắc. Với những dịch vụ bước đầu mở ra, giá trị thu nhập toàn ngành đã tăng đáng kể, từ hơn 44 tỷ đồng năm 2011 đến năm 2012 đã tăng lên hơn 75 tỷ đồng. Hình ảnh và thương hiệu du lịch sinh thái Cẩm Thanh dần được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến với những tình cảm tốt đẹp.
Theo ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An, Cẩm Thanh phải đi lên bằng chính cái của mình, tức là giữ gìn và bảo vệ tối đa những đặc điểm địa lý tự nhiên và hệ sinh thái vừa có cửa sông vừa có cửa biển. Vấn đề thứ hai là Cẩm Thanh phải kế thừa và tiếp nối mạch nguồn văn hóa của địa phương. Nó bắt đầu từ những mảnh ruộng, những bờ kênh, rặng dừa nước, từ những thúng chai, con tôm, con cá chứ nó không bắt đầu từ những cơ sở vật chất nguy nga đồ sộ hay những khách sạn 5 sao. “Cẩm Thanh muốn phát triển phải biết nương tựa vào thiên nhiên và đối thoại với tự nhiên. Vai trò của Cẩm Thanh đối với tương lai của Hội An là vô cùng lớn. Cẩm Thanh là không gian mở, sẽ là nơi hội tụ của du khách sau khi đến với Hội An bởi không còn nơi nào khác đủ yếu tố hơn để du khách tìm lại với chính họ ở một vùng, một nơi mà đất nước họ không có” - ông Sự nói.
ĐỖ HUẤN