Một bữa ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư TP.Hội An điện tôi: “Tau đọc rồi (ý nói bài viết “Đòn sấp ngửa ở Cẩm Thanh”, nói về chuyện dân bỏ đi biển, làm nghề dừa mà chuyển qua làm du lịch thuyền thúng, đăng trên báo Quảng Nam). Còn nhiều chuyện lắm, bữa mô chạy vô đây mình nói tiếp”.
Rừng dừa Cẩm Thanh đang trong cảnh nhốn nháo. |
Tôi không lạ điều ông nói, bởi theo chỗ tôi biết, ông Sự dù đã về hưu, nhưng không bỏ ngoài tai những gì đang làm tổn thương Hội An. Cẩm Thanh nóng trên báo trong và ngoài tỉnh, bên cạnh nhộn nhịp du khách, còn có cả hệ lụy của những tác động phá vỡ bình yên một làng quê làm du lịch khiến nhà chức trách không khỏi đau đầu.
Vậy nên bắt đầu từ đâu?
Ông Nguyễn Sự: Cẩm Thanh với tôi là quê, là nơi sinh ra và sẽ chết ở đó, nên nói về nó, dài dòng.
Hãy đặt ông với vai trò là người có trách nhiệm quản lý…
Ông Nguyễn Sự: Giá trị văn hóa của Hội An không chỉ là phố cổ, mà còn cả những vùng xung quanh, là Cẩm An, Cẩm Kim, Cẩm Hà, Tân Hiệp... Trong đó, Cẩm Thanh là vùng sát cửa Cửa Đại, nhiễm mặn, phèn, đồng chua. Nhìn Cẩm Thanh từ thuở xa xưa, là tổng Thanh Châu, làm nông kiểu săn bắn hái lượm. Người ta hay nói yến Cù Lao Chàm, nhưng thực ra ông tổ nghề yến là Trần Tiến, quê ở Thanh Châu; các di tích văn hóa, lịch sử còn nhiều.
Nhưng đặc sản và đặc trưng của Cẩm Thanh chính là dừa nước. Ngày xưa cha ông đi ghe bầu vô nam, thấy cây dừa chắn sóng gió tốt, sống được nước mặn, lá để lợp nhà cũng được, bèn đem về. Hầu hết sông ở Cẩm Thanh là sông đào, vừa giải quyết giao thông, vừa đáp ứng nhu cầu phong thủy của người dân. Dừa trồng trên sông, tôm cá lấy đó làm nơi trú ngụ. Từ dừa, cuộc sống người dân từ quá khứ xa xôi đỡ được gánh nặng áo cơm, còn quá khứ gần, trong kháng chiến, rừng dừa Bảy Mẫu giấu được cả trung đoàn. Sau 1975, dừa cứu dân qua cơn bĩ cực. Bây giờ, dân làm giàu từ du lịch rừng dừa. Nói qua vậy để thấy, với Cẩm Thanh, dừa là ân nhân!
Với việc “nóng” du lịch tại Cẩm Thanh bây giờ, bài toán đặt ra lời giải thế nào?
Ông Nguyễn Sự: Cẩm Thanh đi lên từ sông, tương lai sẽ khá lên, làm giàu từ sông. Nhưng muốn làm giàu thì phải giữ. Bây giờ nam Hội An thuộc Duy Xuyên rồi Thăng Bình đang làm du lịch. Họ có kinh nghiệm từ Hội An rồi, nên bãi biển họ sẽ giữ, khách sạn sẽ đẹp, hiện đại hơn, quy hoạch đô thị sẽ văn minh hiện đại hơn. Xét về cạnh tranh đô thị, Hội An sẽ không thắng nổi. Nhưng, những nơi đó, dân bị di dời hết. Khách đến chỗ sang trọng xong, họ muốn tìm hiểu đời sống dân bản địa ra sao, thì tìm không thấy.
Ý ông muốn nói Hội An đang nắm giữ “con bài chiến lược” là Cẩm Thanh?
Ông Nguyễn Sự: Đúng. Cẩm Thanh sẽ điền vô chỗ trống về một làng quê sống động, với phong tục, tập quán chưa bị phá vỡ, mất đi. Đây là một giá trị để giúp dân làm giàu. Nếu nghĩ phát triển du lịch Cẩm Thanh bằng việc xây nhà to cao hơn thiên hạ, thì nhứt định anh đã thua trắng từ chủ trương, chưa nói đến chuyện thực hiện, và đó là một sai lầm nghiêm trọng không chỉ cho Cẩm Thanh mà cả Hội An.
Vậy thì phải làm gì?
Ông Nguyễn Sự: Với Cẩm Thanh là không làm gì cả, mà phải giữ những gì cần giữ, đó là rơm rạ, kênh rạch, ruộng đồng, dừa, giữ cho con người được đối thoại với tự nhiên. Làm được điều này, sẽ thu hút, tạo ra sự khác biệt, ngay cả với du khách người Việt. Ông cho hát nhạc Hàn, Trung Quốc, quậy thúng tưng bừng dội cả bùn đất lên, cá tôm đi hết, cảnh quan, không gian bị phá vỡ. Khi cò, dừa không còn nữa, thì chỉ còn sự ồn ào mà hoang vắng. Điều tôi vừa nói không mâu thuẫn, gọi tên chính xác là thế. Đó là sự nhốn nháo. Ông sẽ làm ra tiền, nhưng chỉ một thời gian ngắn, sau đó sẽ trắng tay. Cẩm Thanh phải sạch sẽ, văn minh, nhưng đó làng của thời hiện đại. Hãy làm du lịch từ những cái mà ông đang có. Tôi ví dụ, thay vì tổ chức mấy cái thùng kẹo kéo vỡ làng bể óc, sao ông không xây những cái chồ trên sông rồi tổ chức hát bài chòi ở đó? Đây là căn cơ giữ cho bình yên không chỉ cho Cẩm Thanh mà cả Hội An, khi Hội An đã và đang quá tải.
TRUNG VIỆT (thực hiện)