“Tôi xin tình nguyện chở hàng ra Cồn Cỏ”, cô gái 19 tuổi Võ Thị Lý đề nghị với cấp trên. Cha của cô biết chuyện, ông đứng ở bờ bắc Cửa Tùng, nhìn sang đồn cảnh sát dân sự ở phía bờ nam, rồi ngóng ra đảo Cồn Cỏ với vẻ lo lắng. Anh trai của cô lúc đó đang cầm súng ở Cồn Cỏ và rất cần nước ngọt, lương thực, vũ khí...
Vượt lưới lửa
Năm 1965, từ ngôi nhà của Võ Thị Lý đi mấy bước chân là ra tới bờ biển và nhìn sang bờ nam, là nơi có đồn cảnh sát dân sự của chính quyền Sài Gòn. Ở khu vực cầu Hiền Lương (khu phi quân sự vĩ tuyến 17 V-DMZ), nơi có chiếc cầu sơn 2 màu bắc qua sông Bến Hải, cuộc giao tranh diễn ra từng ngày, từng giờ bằng chùm loa phát hết công suất, phá tan cuộc sống yên bình.
Còn ở cuối dòng sông Bến Hải đổ ra biển, cuộc sống êm đềm, nhưng trong lòng họ vẫn đau đáu về đảo Cồn Cỏ. Bởi từ Cửa Tùng nhìn thẳng về hướng đông là đảo Cồn Cỏ và đang nằm dưới sự kiểm soát của miền Bắc.
Đảo Cồn Cỏ trở thành pháo đài khắc nghiệt giữa biển, vì không có nước ngọt, không trồng được rau xanh, không có tuyến tàu tiếp tế công khai. Lực lượng nòng cốt để làm nhiệm vụ tiếp tế là 40 cán bộ Đại đội 22, Trung đoàn 270. Lực lượng cùng tham gia là 80 thanh niên trẻ ở 4 xã bờ bắc là Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Quang và Vĩnh Kim.
Cô gái 20 tuổi Võ Thị Lý được chọn ngay vào đội vận chuyển cảm tử. Cô có một “lai lịch” đáng nể về khả năng đi biển. Ngay từ nhỏ đã đi theo thuyền buồm chở nước ngọt ra đảo Cồn Cỏ, sau đó cùng người dân chở đá vôi từ đảo Cồn Cỏ vào đất liền để bán cho các lò nung vôi xây dựng. Chở đá vôi là công việc vô cùng vất vả. Bởi nếu biển đột ngột ngưng gió, buồm xếp lại thì mọi người phải gò lưng chèo chống.
Thông tin từ website Tỉnh ủy Quảng Trị, tháng 5.1965, Đại đội 22 tiếp tế cho Cồn Cỏ ra đời, biên chế 15 thuyền, 120 chiến sĩ và dân quân. Tổng cộng đơn vị đã chuyển gần 7.000 tấn vũ khí, lương thực ra đảo Cồn Cỏ. Có 76 chiến sĩ, dân quân hy sinh và mất tích trên biển. Ngày 24.4.2013, Đại đội 22 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 1965, Đồn trưởng Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa bờ nam là Nguyễn Quý Hiển và Đồn trưởng Công an nhân dân vũ trang bờ bắc là Hồ Tùng Lâm. Thuyền đánh cá hàng ngày ra vào Cửa Tùng đều có chữ ký của 2 người chỉ huy này.
Có khoảng 104 chiếc thuyền đánh cá ra vào thường ngày. Nhưng để tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ thì những chiếc thuyền từ bờ bắc phải xuất phát bí mật trong đêm. Vì sổ hành trình không có chữ ký, nên chiếc thuyền này trở thành mục tiêu săn đuổi và bắn hạ của lính ở bờ nam.
Do đi thuyền buồm, nên ngoài việc phải đối chọi không cân sức với tàu tuần tra, những người đi thuyền có lúc bất lực chứng kiến cảnh biển nổi gió đùng đùng, gió không đưa thuyền ra đảo, không đẩy thuyền trở về mà cứ dạt về phía nam, là vùng đất đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn.
Rất nhiều thanh niên cảm tử đã bị bắt trên chiếc thuyền theo gió vào bờ nam. Trong một chuyến đi, cô gái trẻ và cả đội lọt vào vòng vây của tàu tuần tra. Nhờ pháo từ trong đảo bắn ra yểm trợ, nên đẩy được chiếc tàu này lùi ra xa để thuyền buồm cập bến trong tiếng vỗ tay reo hò “có nước ngọt, có lương thực”.
Kể lại giây phút bị vây ráp, bà Võ Thị Lý không quên cảnh mọi người căng buồm, chèo chống thật nhanh để tiến tới gần đảo. Mỗi người được trang bị một khẩu súng AK để quyết tử, nhưng sợ nhất là bị bắn chìm thuyền sẽ mất lương thực, thuốc men, anh em không thể bám theo lệnh “còn đất liền thì còn Cồn Cỏ”.
Hải trình đêm
Bà Võ Thị Lý hiện sinh sống tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Chuyến đi mà bà nhớ mãi là vào một ngày cuối tháng 2.1965. Hôm đó biển vẫn ầm ì dậy sóng, khi mùa đông dường như vẫn chưa đi qua. Tại bến đò nằm ở bờ bắc của Cửa Tùng có những thanh niên lặng lẽ quan sát để nắm tình hình. Bởi, chỉ cần một ánh đèn bất thường, một bóng người trên bến sông đã gây sự chú ý của cả hai bên.
Chiều hôm ấy trời sập tối rất nhanh. Có 5 chiếc thuyền ngụy trang thành thuyền đánh cá từ từ chèo ra phía cửa biển, trên mỗi thuyền có 6 người và chuyến đi đặc biệt này có 2 nữ thanh niên xung phong ở tuổi 20.
Bà Võ Thị Lý nhớ lại: “Cha bảo con gái làm sao đi biển, nhưng tôi trấn an xung phong đi chuyến này để coi thử tình hình”. Cha của bà dù nói vậy, nhưng cũng là lời dặn dò trước giờ con gái lên đường. Vì người con trai của ông là Võ Văn Đông cũng đang là bộ đội chốt tại pháo đài thanh niên Cồn Cỏ.
Hàng ngày, nhìn về phía hòn đảo cách đất liền 30km, ông thường nói với mọi người về con trai đang chong súng canh máy bay Mỹ, nhưng không biết có còn đủ nước uống và thức ăn để mà có sức chiến đấu hay không.
Thời còn đi ghe buồm, ngư dân phải dựa vào gió bờ và gió biển. Cứ ban đêm là có luồng gió thổi ngược ra biển và khoảng 3 giờ sáng thì có luồng gió thổi từ biển vào bờ. Các ngư dân lựa gió đi đánh cá, còn đội thuyền cảm tử thì chở mỗi thuyền 1 tấn hàng hóa cũng phải kéo dây lèo cho thuyền đi thật nhanh, có lúc phải chèo chống, ra tới đảo phải bốc hàng xuống khẩn trương, sau đó kéo buồm để kịp trở về trước hừng đông.
Trong mỗi chuyến đi, cô gái Võ Thị Lý và người chị là Võ Thị Khiêm chỉ mặc chiếc quần đùi, áo ngắn tay. Nhớ lại hình ảnh đó, bà cười và bảo: “Mặc vậy nếu lỡ bị bắn chìm thuyền thì vẫn bơi được”.
Thuyền đánh cá thời đó có cánh buồm lớn, kích thước thậm chí còn to hơn cả chiếc thuyền. Khi thuyền nương theo gió nồm phải luôn có hai đến ba người đánh đu ngoài ganh - thanh gỗ gác ngang thuyền và thò ra ngoài hơn một mét, được kéo sang phải, hoặc trái tùy theo độ nghiêng của thuyền. Mỗi lúc khi thuyền nghiêng lệch bởi gió thổi mạnh, cô gái trẻ lại đu ra ngoài cùng để tạo sự cân bằng cho chiếc thuyền mảnh mai.
“Hồi đó nặng bao nhiêu thì không nhớ, nhưng luôn đu ngoài đầu ganh” - bà kể và tôi ngạc nhiên hình dung ra cô gái trẻ đôi mươi vắt vẻo phía ngoài một thanh gỗ thò ra khá xa mạn thuyền. Thuyền buồm chạy từ Cửa Tùng ra tới đảo Cồn Cỏ trong khoảng 90 phút. Bà luôn đu trên thanh gỗ với sự kiên trì, dũng cảm lạ thường. Mỗi khi đảo Cồn Cỏ hiện ra thì mọi người lại reo lên: “Miềng (mình - NV) tới đảo rồi!”.
Trong đêm đen Cồn Cỏ, khi thuyền cập bến, ông Hồ Văn Triêm - chỉ huy đoàn thuyền nói to: “Các đồng chí ơi, chuyến đi này rất đặc biệt; chuyến đi này có 2 phụ nữ”. Nghe thông báo đoàn tiếp tế có phụ nữ, bộ đội trong đảo hò reo, những tràng vỗ tay không ngớt như sự ngưỡng mộ đồng đội đặc biệt của mình.