Cầm vàng trên tay!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 21/09/2015 08:57

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Dự kiến, giai đoạn này đạt cực đại vào năm 2020. Và kết quả điều tra dân số năm 2009 cho thấy, trong tổng số gần 86 triệu người, có trên 70% dân số sống ở khu vực nông thôn và chưa đầy 30% sống ở đô thị, tuy rằng tốc độ gia tăng dân số ở khu vực đô thị nhìn chung đã tăng lên gần 3,5%. Mỗi năm nước ta có khoảng 1,4 - 1,6 triệu người bổ sung vào lực lượng lao động...

Như vậy, căn cứ theo độ tuổi và căn cứ theo địa bàn cư trú trong cơ cấu dân số đang cho thấy hai viễn cảnh khác nhau.

Con số trên 25% số lao động nước ta được qua đào tạo, gần 75% là lao động giản đơn trong những năm qua là một thực trạng khó có thể duy trì nếu muốn đạt đến những chỉ số tăng tốc cho nền kinh tế với những sản phẩm có “hàm lượng chất xám”. Điều tra qua các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong nước, giá trị sản phẩm làm ra của một lao động trong lĩnh vực này mỗi năm bằng giá trị sản phẩm của 1.500 nông dân gộp lại, trong lúc ai cũng biết chúng ta thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng ở nhiều lĩnh vực đòi hỏi khoa học và công nghệ. Trong một bài viết về tương quan giữa đô thị và nông thôn, GS.Tương Lai từng nói một cách chua chát rằng, ưu thế lao động rẻ là một thứ “ưu thế đau lòng” khi người nông dân mất ruộng đi tìm việc làm ở các đô thị. Cũng theo ông, bình quân mỗi năm hơn 70 nghìn héc ta đất nông nghiệp bị thu hồi cho các mục đích xây dựng đô thị, làm khu công nghiệp hoặc sân golf… đã đẩy hàng vạn lao động nông thôn vốn trong tình trạng khiếm dụng (unemployment) trở nên thất nghiệp hoàn toàn phải ra thành thị kiếm việc, tạo ra “chợ người” ở nhiều nơi.

Đô thị hóa và vấn đề di cư từ nông thôn ra thành thị ở các nước đang phát triển cũng được GS-TS. kinh tế Munir Mahmud (Đại học Pennsylvania State - Hoa Kỳ) đề cập: “Người dân ở các nước đang phát triển di chuyển ồ ạt tới các thành phố với một tốc độ chưa từng thấy. Ở các nước này dân cư ở các thành phố đang tăng lên với tỷ lệ nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng trong khu vực sản xuất, vì vậy, các nước này đã phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp gay gắt ở đô thị. Đó là nguyên nhân để các nhà kinh tế thừa nhận đang có một khu vực không chính thức (informal sector) bên cạnh hai khu vực kinh tế truyền thống là nông nghiệp và công nghiệp hiện đại. Khu vực không chính thức bao gồm các hoạt động không hoàn toàn là bất hợp pháp, nhưng thường không được sự chấp nhận của xã hội và hầu hết hoạt động này đều không đăng ký với nhà nước, chẳng hạn như bán hàng rong, mài dao, thu lượm đồng nát, đánh giày... Phần lớn người lao động trong khu vực này là các cư dân vừa chuyển từ vùng nông thôn tới, họ ít được đào tạo hay không được đào tạo chính thức, vì vậy vừa không có chuyên môn vừa thiếu tiền vốn. Kết quả là, sản lượng và thu nhập trong khu vực này vẫn rất thấp. Đồng thời người lao động cũng không có bất cứ công việc ổn định nào, không có điều kiện lao động tốt hay tiền lương hưu cho tuổi già. GS.Munir Mahmud kết luận: đến nay, có thể nhận thấy khu vực phi chính thức không phải là một hiện tượng tạm thời hay nhất thời mà hiện tượng đó sẽ còn tiếp tục tồn tại và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phát triển của các nước đang phát triển.

Nghiên cứu trên đây cũng chừng nào phản ánh thực trạng lao động theo địa bàn dân cư ở nước ta, khi mà tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đã lên đến 10% (theo ông Đỗ Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê). Và đó chính là thách thức lớn nhất của Việt Nam trong giai đoạn dân số “cơ cấu vàng” nếu vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng lao động và một chính sách toàn diện về phát triển nông thôn không được chú trọng đúng mức. Khi đó, vàng trên tay cũng sẽ rơi vậy!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cầm vàng trên tay!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO