(QNO) - Chính phủ Campuchia và các tổ chức đối tác đang tìm kiếm thị trường mới để bán tín chỉ các bon rừng nhằm gây quỹ bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Tờ nhật báo Phnom Penh Post của Campuchia cho biết, cuộc tìm kiếm thị trường diễn ra sau khi Campuchia bán thành công các khoản tín dụng các bon rừng hay lượng khí phát thải CO2 từ năm 2016 đến 2020, thu về hơn 11 triệu USD.
Người phát ngôn của Bộ Môi trường Campuchia Neth Pheaktra cho biết, việc buôn bán tín chỉ các bon rừng mang lại lợi ích cho các cộng đồng tham gia vào việc bảo vệ, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bằng cách cung cấp cho họ cơ hội việc làm như trong ngành du lịch sinh thái.
Số tiền trên cũng được sử dụng để hướng dẫn cộng đồng địa phương trong lĩnh vực quản lý chăn nuôi, cung ứng thị trường, trồng cây xen kẽ, canh tác tự cung tự cấp và phát triển du lịch.
Campuchia trước đó đã bán tín chỉ các bon tại Khu bảo tồn động vật hoang dã Keo Seima ở tỉnh Mondulkiri và thông qua dự án REDD+ tại Vườn quốc gia Nam Cardamom ở tỉnh Koh Kong. Campuchia sẽ mở rộng mục tiêu vào các khu bảo tồn rừng ở phía đông bắc.
Ông Pheaktra nhận định, quyết định của các công ty trong việc mua tín chỉ các bon từ Campuchia cho thấy Campuchia có đủ năng lực để bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực vốn được bảo tồn một cách hiệu quả. Ngoài ra, Campuchia và Indonesia là hai quốc gia trong khối ASEAN duy nhất bán tín chỉ các bon cho đến nay.
Leak Ratana - nhân viên truyền thông của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Campuchia (WCS Campuchia) cho biết, việc bán tín chỉ các bon có thể cho phép Campuchia cung cấp nguồn tài chính bền vững cho đa dạng sinh học, phát triển bền vững và bảo tồn rừng, đồng thời giúp cộng đồng địa phương phát triển.
Theo tờ Phnom Penh Post, Campuchia bắt đầu năm mới 2022 với tư cách là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á công bố kế hoạch đạt được mức độ trung tính các bon vào năm 2050. Lộ trình được biết đến chính thức là “Chiến lược dài hạn cho trung hòa các bon (LTS4CN)” được đệ trình lên Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào ngày 30.12.2021.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Campuchia Say Samal nói: “Việc thực hiện chiến lược trung lập các bon ở Campuchia dự kiến sẽ tăng GDP của đất nước lên gần 3% và tạo ra khoảng 449.000 việc làm vào năm 2050”.
Tín chỉ các bon hay “trái phiếu xanh” được các doanh nghiệp, các quốc gia trên thế giới mua để bù trừ cho lượng phát thải CO2 - khí gây hiệu ứng nhà kính của mình. Mỗi tín chỉ giới hạn lượng phát thải đến 1 tấn CO2.
Mục tiêu của tín chỉ các bon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển. Chỉ riêng năm 2019, nguồn thu từ thị trường mua bán tín chỉ các bon trên thế giới đạt mốc 45 tỷ USD.