Thương tổn bởi áp lực phát triển gây ra cho bản thân di sản mỗi ngày một nhiều hơn. Không phải câu chuyện mới, nhưng đã đến lúc các địa phương phải cân nhắc đến việc cân bằng giữa tận dụng lợi thế di sản và đầu tư trở lại để bảo tồn di sản...
Hội An đang sụt giảm dòng khách Âu, Mỹ vì rất nhiều vấn đề trong câu chuyện chọn lọc phát triển của mình. |
Bổ trợ cho di sản
Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên) thông tin, hiện bản quy hoạch dành cho Mỹ Sơn đã có, với diện tích hơn 1.158 hecta, trong đó có 32 hecta là vùng lõi di sản. Với các nhóm giải pháp nhằm vừa thực hiện bảo tồn di sản vừa có thể tận dụng lợi thế di sản để phát triển kinh tế địa phương, ông Phan Hộ cho biết, ban quản lý đang tính toán đến câu chuyện kết hợp với chính quyền huyện Duy Xuyên và cộng đồng người dân sống ở các vùng đệm xung quanh để xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa bổ trợ cho di sản. Hiện nay du lịch cộng đồng ở Mỹ Sơn tuy không mạnh mẽ như tại Hội An, nhưng so với nhiều năm trước đây, người dân sở tại đã ý thức được về phát triển du lịch và quan tâm hơn đến việc đầu tư cảnh quan, không gian.
Ông Nguyễn Phước Hùng - Trưởng ban quản lý Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn cho biết, có 21 hộ trong tổng số 280 hộ của thôn Mỹ Sơn (xã Duy Phú) tham gia làng du lịch cộng đồng. “Các dịch vụ lưu trú, nấu ăn, hướng dẫn trải nghiệm bằng du thuyền tại đập Thạch Bàn và sông Thu Bồn đang hoàn thiện dần mỗi ngày” - ông Nguyễn Phước Hùng nói. Việc củng cố lại Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn sau nhiều năm ILO kết thúc dự án của mình, theo ông Phan Hộ, chính là hoạt động để bổ trợ thêm cho du lịch di sản Mỹ Sơn. “Chúng tôi sẽ tính đến việc đưa các sản phẩm truyền thống của người dân quảng bá và giới thiệu tại các điểm dừng chân ở khu đền tháp, như dầu chổi, đồ mỹ nghệ từ đá, đồng thời sẽ tổ chức để nghệ nhân trình nghề. Ngoài ra, ban quản lý sẽ đưa kinh phí in toàn bộ tập gấp giới thiệu về Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn đến với du khách” - ông Phan Hộ nói.
Hỗ trợ người dân kể chuyện di sản Du lịch di sản phải làm như thế nào để đi đến việc dung hòa giữa bảo tồn và đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch mới? Theo các chuyên gia UNESCO, du lịch di sản cũng cần đặt trên những nguyên tắc của phát triển bền vững. Ở đó, liên kết giữa cộng đồng giữ gìn di sản với di sản và khách du lịch vô cùng quan trọng. Đồng thời việc quản lý di sản cũng đã bắt đầu được nhìn nhận với các điều luật hợp thời hơn. Bộ VH-TT&DL đã có kiến nghị lên Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa. Theo đó, cần mở rộng chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân; hoàn thiện các quy định thuộc lĩnh vực bảo quản tu bổ phục hồi di tích nói chung, di sản thế giới nói riêng; bổ sung di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa để có thể nhận diện giá trị và lập danh mục di sản tốt hơn. |
Tại Hội An, những vùng ven đang bị cày xới và bê tông hóa. Chưa kể những áp lực về dân số và sự phát triển ồ ạt của nhiều loại hình dịch vụ du lịch đưa vùng đất này rơi vào tình trạng quá tải. Cùng với đó, theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, cơ sở hạ tầng và các tuyến giao thông chính phục vụ du lịch đang quá tải và xuống cấp nghiêm trọng; nguồn lực lao động có đào tạo và chất lượng trong lĩnh vực du lịch tại Hội An vẫn thiếu hụt rất lớn. Đó chính là các thách thức đặt ra để Hội An buộc phải tổ chức quy hoạch bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di sản dựa vào việc giải quyết các mâu thuẫn từ những sự biến động của đời sống. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, Hội An ngày càng xuất hiện nhiều nhà đầu tư cho di sản. “Xét về mặt tổng thể, việc thu hút nguồn lực đầu tư vào di sản là chuyện tốt, nhà đầu tư đóng góp cho ngân sách nhà nước, thì nguồn kinh phí đầu tư trở lại cho bảo tồn, trùng tu di tích sẽ tốt hơn” - ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói.
Lo ngại “bóc lột” di sản
Việc tận dụng lợi thế di sản vì các lợi ích kinh tế đang diễn ra ngày một đáng lo ngại. Một số doanh nghiệp đầu tư vào di sản chỉ khai thác du lịch dựa trên tài nguyên sẵn có mà không quay lại bảo tồn, không đối thoại khi lập kế hoạch khai thác, tăng trưởng quá nóng, có quy định mà thực hiện không nghiêm... Nỗi lo về sự “bóc lột” di sản, đặc biệt tại đô thị cổ Hội An là điều đã được nhìn thấy. Ông Nguyễn Chí Trung nói thêm, vấn đề cần làm rõ là di sản văn hóa không chỉ có yếu tố phát huy mà cần đặt lên bàn cân cả câu chuyện bảo tồn. “Đối với Hội An, các nhà đầu tư lớn đã xuất hiện và không thể phủ nhận sự đóng góp của họ trong việc tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch văn hóa mới hấp dẫn và giữ chân du khách. Tuy nhiên, vấn đề là di sản rất nhạy cảm, chính quyền cần phải tính toán kỹ lưỡng những vị trí dành cho nhà đầu tư để phù hợp với cảnh quan chung của di sản, không nhất thiết phải áp sát khu phố cổ” - ông Trung nói. Vấn đề của Hội An được nhìn nhận là do thiếu một bản quy hoạch tổng thể và nhất quán từ vùng lõi di sản đến vùng đệm, dẫn đến những nhập nhằng và mâu thuẫn.
Khu đền tháp Mỹ Sơn đang nỗ lực để bảo tồn, trùng tu đồng thời phát triển du lịch di sản... |
Những hoạt động xây dựng tại Hội An hay câu chuyện về cấp phép đầu tư các công trình dân sinh... cho thấy những vấn đề bất cập về quản lý tại các khu di sản. Ông Michael Croft - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Việt Nam cho biết, có nhiều “điểm đen” cản trở hiệu quả quản lý di sản. “Chúng ta có quy định cụ thể về nguyên tắc, về quá trình phê duyệt, nhưng vẫn thấy có công trình được xây. Một số trong đó bị cơ quan quản lý dừng, nhưng một số vẫn không dừng. Xung đột trong thẩm quyền của các cơ quan phê duyệt, việc quản lý vùng đệm vẫn còn rất lỏng lẻo vì thế gây áp lực ngày càng tăng lên vùng lõi” - ông Michael Croft nói. Một vấn đề khác được UNESCO khuyến cáo là cần thiết lập cơ chế đối thoại ở địa phương khi xây dựng đề án. Theo một khảo sát từ UNESCO, người dân Hội An cho biết, việc xây dựng dự án đầu tư thường cộng đồng địa phương không có cơ hội tác động. “Mặc dù có chủ trương về “bảo tồn vì phát triển và phát triển để bảo tồn”, nhưng hầu hết di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam đều chia sẻ tình hình du lịch còn nhiều bất cập và áp lực phát triển đáng kể lên bảo tồn di sản. Trong khi đó, các mục tiêu du lịch đầy tham vọng vượt qua các yêu cầu nghiêm ngặt về ưu tiên bảo vệ của khu di sản” - ông Michael Croft nói thêm.
Theo khảo sát từ UNESCO, hiện nay Hội An dù được nhìn nhận như một điển hình về việc thu hút cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ và quảng bá di sản, nhưng cũng chính di sản này lại gặp nhiều thách thức từ cả chủ thể di sản lẫn yếu tố khách quan. Theo đó, từ việc nằm ở vị trí dễ bị tổn thương nhất ở hạ lưu sông, không kiểm soát được các đập thủy điện ở thượng lưu sông, sự gia tăng các công trình bê tông và xây dựng trong vùng đệm rất gần đô thị cổ, sự gia tăng nhanh chóng của khách sạn và cơ sở hạ tầng du lịch xung quanh vùng lõi, giao thông quá tải... khiến di sản này đối diện với rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Đối với Khu đền tháp Mỹ Sơn, thông tin từ UNESCO đưa ra, một trong những mối quan tâm đáng kể với di sản này là khả năng đảm bảo quy trình phục hồi di tích Chăm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn và luật pháp.
Một khung pháp lý cao hơn cho di sản để địa phương tự định đoạt việc chọn lọc đầu tư cũng như cân bằng giữa phát triển và bảo tồn là điều cần phải hướng tới trong tương lai vì một sự phát triển bền vững.
XUÂN HIỀN