Những ngày này, các cơ quan, đơn vị sắp chuẩn bị làm báo cáo cuối năm. Trong báo cáo, tất nhiên không thể thiếu số liệu và số liệu trong báo cáo không phải để “làm đẹp” kết cấu văn bản mà còn là dữ liệu định lượng để đối sánh, đánh giá hoạt động của đơn vị; đồng thời là cơ sở hoạch định chiến lược phát triển cả ngắn hạn lẫn lâu dài. Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân, số liệu trong nhiều báo cáo không thật sự chính xác, trung thực.
Vừa qua, việc Bộ Tư pháp - đơn vị được giao nhiệm cụ báo cáo số liệu liên quan đến ô nhiễm môi trường không khí Thủ đô Hà Nội, đã lấy số liệu được công bố trên báo chí từ cuối năm 2005, trước khi Luật Thủ đô có hiệu lực 8 năm, để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khiến dư luận bất bình về sự tắc trách của đơn vị làm báo cáo. Quốc hội cho rằng, môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống của con người và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Việc “không trung thực” trong báo cáo số liệu ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến chiến lược, kế sách phát triển kinh tế - xã hội.
Các tỉnh miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Sau mỗi cơn lụt bão, các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ có báo cáo thống kê thiệt hại. Có lẽ vì cho rằng việc đánh giá mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra là không dễ, tính chính xác của số liệu thường ở mức tương đối và chấp nhận được nên cách đây vài năm, có một tỉnh bắc miền Trung đã báo cáo thiệt hại do bão gây ra trên địa bàn nhanh như... bão (ngay sau khi bão chưa tan, kèm theo đó là con số thiệt hại lên đến nghìn tỷ đồng). Sau khi bị phát hiện báo cáo không trung thực, tỉnh nọ đã “đính chính” bằng cách giảm con số thiệt hại xuống còn hơn 600 tỷ đồng... Việc khai khống, khai quá mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra, dù xuất phát từ mục đích nào đi nữa (chẳng hạn, “kêu to” lên để người dân vùng bị thiệt hại được nhận hỗ trợ nhiều hơn) thì cũng không thể chấp nhận được. Sai lệch số liệu không chỉ làm cho các cơ quan chức năng không thể đánh giá đúng tình hình, dẫn đến việc đề ra các giải pháp, kế hoạch xa rời thực tế mà còn khiến niềm tin bị xói mòn, sự dối trá có cơ hội lên ngôi.
Có thể nói, báo cáo không trung thực là một căn bệnh. Thường căn bệnh này có liên quan với bệnh thành tích, thích phô trương, làm láo báo cáo hay hoặc báo cáo láo cho qua chuyện. Khắc phục, xử lý căn bệnh này không dễ nhưng không phải là không thể. Việc tạo ra những con - số - biết - nói - thật không chỉ là yêu cầu, đòi hỏi của các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách mà còn là đòi hỏi của thực tế khách quan và của mỗi người dân.