Cần bảo tồn các giống cá quý hiếm

VIỆT NGUYỄN 23/12/2019 10:17

Đề tài khoa học “Nghiên cứu nguồn giống cá vùng cửa sông Thu Bồn và vùng biển ven bờ Quảng Nam” do TS.Nguyễn Thị Tường Vi (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) làm chủ nhiệm đề tài vừa được Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá, nghiệm thu vào cuối tuần qua. Đây là cơ sở khoa học để các ngành chức năng, các địa phương tham khảo và đề ra giải pháp phù hợp nhằm bảo tồn, phát triển các nguồn cá giống quý hiếm hiện nay.

Các ngành chức năng thả cá giống để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản quý hiếm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Các ngành chức năng thả cá giống để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản quý hiếm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Suy giảm nghiêm trọng

Cửa sông Thu Bồn là vùng đất ngập nước tiếp giáp với biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) có diện tích hơn 500ha thuộc địa bàn TP.Hội An và huyện Duy Xuyên.

Theo điều tra của TS. Nguyễn Thị Tường Vi, cửa sông Thu Bồn là nơi ương dưỡng nhiều giống cá quý như cá bống, cá đối, cá móm, cá dìa, cá dò, cá mú, cá hồng, cá nâu, cá căng, cá tráp, cá khế. Người dân Cẩm Thanh, Cẩm Kim (Hội An) hay Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Vinh (Duy Xuyên) và ngư dân đến từ nhiều địa phương khác đã khai thác giống các loài thủy sản trên quá mức nên nguồn lợi suy giảm nghiêm trọng. Rất nguy hại khi các nghề rớ chồ, rớ quay, trũ, nhũi, lờ xếp... đã tận diệt các loài hải sản quý.

“Nghề lờ xếp hay lồng bát quái Trung Quốc khai thác cá giống quanh năm ở các vùng nước nông, sâu, không loại trừ đối tượng nào là rất báo động vì đã thâu tóm và giết chết giống của rất nhiều loài hải sản quý” - TS. Nguyễn Thị Tường Vi nói.

Thời gian qua, cá giống vùng cửa sông Thu Bồn được các ngư dân khai thác và bán trên thị trường có kích cỡ rất nhỏ, chỉ 20 - 30mm. Nhiều khi do bảo quản không đúng cách, các loài cá giống đã chết trước khi ra đến thị trường nên tần suất, mức độ khai thác tăng lên.

ThS. Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho rằng, nhờ các cấp chính quyền 2 địa phương Hội An, Duy Xuyên vận động, tạo điều kiện chuyển nghề nên đã có nhiều gia đình ngư dân chuyển đổi sinh kế từ đánh bắt các loại cá giống sang làm du lịch, dịch vụ, nhưng kết quả chưa tương xứng với kỳ vọng. Trong khi đó, ngư dân các địa phương khác cũng rầm rộ kéo đến khai thác cá giống khiến nhiều loài thủy sản quý có nguy cơ tuyệt chủng.

“Rất cần sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, chính quyền, các hội, đoàn thể, người dân và các cơ quan thông tin tuyên truyền để bảo tồn và phát triển các loài cá giống quý hiếm” - ThS. Lê Ngọc Thảo nói.

Thời gian qua, biến đổi khí hậu đã khiến vùng ven biển Cửa Đại (TP.Hội An), vùng cửa sông Thu Bồn chịu nhiều biến động. Sạt lở ven biển, bão, lũ lụt, xâm nhập mặn đã khiến chu kỳ sinh sản, sinh trưởng của các loài cá giống quý hiếm bị đảo lộn. Các hoạt động kinh tế - xã hội cũng đã khiến cho môi trường sinh thái khu vực này giảm sút, đe dọa sự tồn vong của nhiều loài thủy sản quý. Cồn bãi trên sông đang bị bê tông hóa cùng với hàng loạt công trình xây dựng khác đã lấy đi nhiều diện tích đất ngập nước, rừng dừa nước ngập mặn khiến cho đa dạng sinh học bị tác động xấu.

“Có quá nhiều tác động khiến cho nhiều loài giống thủy sản quý hiếm ở vùng cửa sông Thu Bồn và khu vực ven biển có nguy cơ bị tuyệt diệt” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết.

Chung tay bảo tồn

TS. Nguyễn Thị Tường Vi cho rằng, để bảo tồn và phát triển giống các loài thủy sản nói trên ở vùng cửa sông Thu Bồn, nhất thiết xây dựng chiến lược truyền thông, thu hút sự chung tay của mọi tầng lớp, thành phần, nhất là cộng đồng ngư dân tham gia. Theo đó, đặc biệt nhấn mạnh sự liên kết sinh thái hay vòng đời của các loài thủy sản ở vùng cửa sông với khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

“Nguồn lợi cá giống được bảo tồn, phát triển không chỉ phụ thuộc vào đa dạng sinh học, các hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển ở cửa sông mà còn liên quan mật thiết với sinh cảnh, hệ sinh thái rạn san hô ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Bởi cá trưởng thành từ biển Cù Lao Chàm vào cửa sông Thu Bồn để đẻ, sau đó cá non lớn lên sẽ lại ra biển để sinh trưởng, phát triển. Bảo vệ cá giống vùng cửa sông cũng là bảo tồn đa dạng sinh học vùng biển Cù Lao Chàm” - TS. Nguyễn Thị Tường Vi nói.

Theo ThS. Lê Ngọc Thảo, các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản rất rõ ràng, nghiêm cấm lờ dây Trung Quốc tận diệt nguồn lợi, nhưng ngư cụ này được ngư dân sử dụng khá “tự nhiên” là rất nguy hiểm, đáng báo động. Mắt lưới ngư cụ khai thác thủy sản cũng đã được quy định cụ thể nhưng mắt lưới quá nhỏ hủy diệt nguồn lợi vẫn tồn tại trên sông, trên biển là rất đáng tiếc.

“Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý chặt hoạt động khai thác thủy sản ở vùng cửa sông Thu Bồn cũng như khai thác hải sản ở vùng biển Cù Lao Chàm. Nhiệm vụ này trước tiên thuộc về ngành thủy sản, các địa phương, nhưng cần sự tham gia của tất cả mọi người dân, nhất là ngư dân” - ThS. Lê Ngọc Thảo nói.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, cộng đồng chính là chủ nhân của tài nguyên, một khi lợi ích của họ được coi trọng, bản thân họ được giao quyền quản lý thì họ sẽ là những người bảo vệ tốt nhất nguồn lợi các loài cá giống quý hiếm để khai thác bền vững theo mùa, phát triển sinh kế đi đôi với bảo tồn nguồn lợi. Mô hình đồng quản lý thủy sản được áp dụng hiệu quả ở xã đảo Tân Hiệp là cơ sở để các địa phương nghiên cứu, áp dụng phù hợp với thực tiễn.

Một giải pháp khác theo ông Phạm Viết Tích là các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để thường xuyên đánh giá tài nguyên, nguồn lợi cá giống vùng cửa sông Thu Bồn, qua đó xây dựng luận cứ và ứng dụng khoa học - công nghệ quản lý hợp lý tài nguyên, nguồn lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần bảo tồn các giống cá quý hiếm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO