Cần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

CHIÊU THỤC ANH 16/03/2015 08:08

Tại hội thảo “Quyền của người tiêu dùng Việt Nam: Các vấn đề và giải pháp” do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tổ chức ngày 12.3 vừa qua công bố thông tin khá giật mình: 90% người tiêu dùng Việt Nam không biết cơ quan nào bảo vệ quyền lợi cho mình…
Mù mờ về quyền lợi

Thông tin giật mình này là kết quả của một cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 1.200 người nhân Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới 15.3.  Khi câu chuyện về các sản phẩm nước giải khát của Công ty Tân Hiệp Phát chưa cộm lên trên hệ thống truyền thông, thì cuối năm 2014 người tiêu dùng ở huyện Núi Thành cũng đã gặp một trường hợp tương tự. Cụ thể, cuối tháng 8.2014, chị Phạm Thị Ngọc Sương (thôn Phú Khê Đông, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành) mua nửa thùng sữa tiệt trùng cô gái Hà Lan ở một tiệm tạp hóa trên đường Nguyễn Du (TP.Tam Kỳ). Sau khi sử dụng, cả chị lẫn các con đều đau bụng. Đáng nói là bé trai Nguyễn Hoàng Thiên (3 tháng tuổi) đã phải nhập viện vì viêm ruột. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Quảng Nam chẩn đoán là do ảnh hưởng từ sữa. Trong nửa thùng sữa mua về, gia đình chị Sương phát hiện một hộp sữa có mùi thối, khui ra và phát hiện có con vật lạ trong hộp sữa. Gia đình chị Sương đã gọi điện đến tổng đài của hãng sữa để thông tin, công ty ghi nhận và cử nhân viên đến kiểm tra. Khi kiểm tra, lập biên bản xong, nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty sữa hứa hẹn sẽ đến làm việc tiếp và “đi một nước đến giờ chưa thấy trở lại”.

Người tiêu dùng được Công ty Sữa Vinamilk đo loãng xương miễn phí trong chương trình bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: C.T.A
Người tiêu dùng được Công ty Sữa Vinamilk đo loãng xương miễn phí trong chương trình bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: C.T.A

Ngoài kênh thông tin liên hệ với công ty sữa thông qua số điện thoại ghi trên sản phẩm, gia đình chị Sương hoàn toàn không biết liên hệ với cơ quan, hiệp hội nào để phản ánh và được bảo vệ, giải quyết quyền lợi mà đáng ra mình phải có. “Con nhỏ ba tháng tuổi vì bú sữa mẹ mà phải nhập viện, ảnh hưởng đến sức khỏe, hệ tiêu hóa một cách trầm trọng. Trong khi sữa mẹ lại do tác động của sữa kém chất lượng. Hậu quả khôn lường nhưng cuối cùng chẳng có ai quan tâm, hỏi thăm trong khi quảng cáo thì luôn rất hay ho, hấp dẫn” - chồng chị Phạm Thị Ngọc Sương chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn & bảo vệ người tiêu dùng, đa số người tiêu dùng Việt Nam chỉ quan tâm tới thông tin cơ bản như ngày sản xuất, giá cả, thương hiệu, nguồn gốc và chủ yếu dựa vào thông tin có sẵn trên mạng xã hội hoặc tham khảo kinh nghiệm từ người quen khi mua sản phẩm mà không quan tâm tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khi mua sản phẩm. Kết quả khảo sát của iSEE thực hiện vào đầu năm 2015 cho thấy, có tới 46% người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng/số lượng so với quảng cáo, 40% mua phải hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Tuy nhiên, chỉ có 2 - 3% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng các kênh khiếu nại hoặc khởi kiện khi quyền của mình bị vi phạm. Lý do được đưa ra chủ yếu là sợ mất thời gian, không tin vào cơ chế bảo vệ và sợ tốn tiền. Đặc biệt, có gần 90% người tiêu dùng Việt Nam không biết cơ quan, hiệp hội bảo vệ quyền người tiêu dùng; 98% người dân không là hội viên của hội nhóm, câu lạc bộ bảo vệ người tiêu dùng.

Cần truyền thông mạnh

Tại Quảng Nam, số người biết đến sự tồn tại của hội bảo vệ người tiêu dùng khá ít ỏi, nếu biết có hội này chăng nữa cũng không biết trụ sở đóng ở đâu, ai là người chịu trách nhiệm giúp đỡ, thực thi, bảo vệ người tiêu dùng. Qua nhiều năm, những người làm công tác ở hiệp hội thường lấy lý do là đã nghỉ hưu hoặc công việc chính quá bận rộn nên khó khăn trong công tác kiêm nhiệm hội bảo vệ người tiêu dùng. Thêm nữa, kinh phí không có để hoạt động cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến thành viên trong Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Quảng Nam không mấy mặn mà. Có lẽ vì thế nên nhiều năm nay, số lượng người tiêu dùng đến cậy nhờ bảo vệ quyền lợi cho mình gần như không có. Đã có đề xuất người tiêu dùng cần liên kết để có giải pháp hiệu quả bảo vệ quyền của mình, đồng thời luật pháp cần tạo điều kiện thực tế cho các tổ chức đại diện người tiêu dùng hoạt động. Đó là những kiến nghị chính được đưa ra tại hội thảo do Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG), iSEE, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) và Tổ chức Tín thác và đoàn kết vì người tiêu dùng (CUTS) thực hiện nhân Ngày quyền của người tiêu dùng 15.3. Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn & bảo vệ người tiêu dùng đề xuất, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm nâng cao năng lực chủ động của người dân về quyền người tiêu dùng, cơ chế khiếu nại sẵn có; xây dựng cơ chế tài chính cho các quỹ bảo vệ người tiêu dùng, lấy ngân sách từ tiền phạt các công ty sai phạm khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng…

Về phía người tiêu dung, các chuyên gia cũng lưu ý phải tăng tính chủ động hơn nữa trong cách tiếp cận với những thông tin quy định, luật bảo vệ tiêu dùng nhằm có thêm thông tin để tự bảo vệ mình. “Khi mua một sản phẩm hàng hóa bị hỏng, người tiêu dùng thường có tâm lý buông xuôi, dễ bỏ qua, cùng lắm là lên mạng chia sẻ thông tin hoặc tẩy chay. Điều đó chính là sự thiếu chủ động. Không phải ai cũng có tinh thần xã hội đó, Chính vì vậy, người tiêu dùng chúng tôi muốn tìm đến những tổ chức đại diện cho quyền lợi của mình” - ông Nguyễn Vũ Khánh (thôn 1, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước) chia sẻ ý kiến. Bên cạnh đó, Nhà nước cần truyền thông rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng, phải đi sâu vào việc giải thích các quyền, các vấn đề mở rộng của quyền lợi để người dân nhận thức được rõ hơn những công cụ bảo vệ mình.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO