Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh vừa phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông cho các lái xe. Đây là hoạt động hữu ích trong tình hình tai nạn giao thông đang gia tăng hiện nay. Ở Quảng Nam đang có đến 10 hãng taxi lớn nhỏ hoạt động tại Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành, Đại Lộc… với số lượng hàng trăm chiếc xe, đó là chưa kể taxi từ Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế theo tuyến khách cũng có mặt hàng ngày trên các tuyến đường. Tập huấn chính là để điều chỉnh các hành vi tôn trọng pháp luật mà thường các tài xế hay mắc phải để góp phần bảo đảm an toàn giao thông.
Chúng ta thường thấy các “căn bệnh” của nhiều lái xe taxi, như là phóng nhanh để giành khách, quay trở đầu xe bất cứ chỗ nào, gây ách tắc cho các phương tiện khác và tạo ra các va quẹt không đáng có; khi tranh giành khách lại thiếu kiềm chế và xảy ra cãi vả, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau. Đặc biệt nhiều anh em lái taxi đi ban đêm trên các tuyến đường không có dải phân cách hoặc trong nội thị, thường bật đèn pha khiến người điều khiển các phương tiện ở chiều luu thông ngược lại không quan sát được. Hiện tượng này nhiều lúc đã gây ra tai nạn đáng tiếc. Một “bệnh” khác, một số lái xe taxi ở các nhà ga, sân bay, bến xe thường hay từ chối yêu cầu của hành khách đi các đoạn đường quá ngắn cho dù tới phiên mình, hoặc từ chối khi có bệnh nhân, nạn nhân cần đưa đi cấp cứu…, cũng cần được chấn chỉnh. Tất nhiên có nhiều trường hợp các tài xế taxi tự tay đỡ đẻ ngay trên đường đến bệnh viện cho các sản phụ hay mang về tổng đài hành lý, tiền bạc, điện thoại trả cho khách để quên khi xuống xe là những hành động đáng được biểu dương…
Tóm lại, các đợt bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho lái xe (không chỉ taxi) như trên là rất đáng hoan nghênh của các cơ quan chức năng. Nhưng đó mới chỉ là cái ngọn của vấn đề an toàn giao thông. Cái gốc chính là việc tôn trọng luật lệ giao thông còn khá hời hợt, việc xử phạt các hành vi vi phạm còn khá lỏng lẻo hiện nay. Ở các nước làm gì có chuyện “gọi điện thoại để được trợ giúp” với người quen là cán bộ nào đó để bảo lãnh và được miễn phạt. Tôi từng hỏi chuyện vài cảnh sát ở Hồng Kông và cả ở Mỹ, được họ cho biết việc xử phạt là đúng luật, không có chuyện năn nỉ, cãi vả. Khi anh vi phạm ở mức nhẹ, tiền phạt sẽ được trừ vài tài khoản ngân hàng của anh, lỗi nặng sẽ bị truy tố ra tòa ngay sau đó. Khi bị thu bằng, việc thi lấy bằng lại sẽ rất khó khăn và tốn kém hơn nhiều lần. Có quốc gia, khi lái xe nhiều lần gây ra tai nạn, mức bảo hiểm sẽ tăng lên đáng kể… Kể lại vài chuyện đó là để nhấn mạnh, pháp luật về giao thông ở xứ mình chưa được tôn trọng từ cả hai phía: cơ quan thi hành pháp luật (có khi là lén lút lấy tiền “mãi lộ”) và cả người lái xe, mà không chỉ là các anh chị em lái taxi và không chỉ riêng ở Quảng Nam!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG