Cần bộ công cụ hỗ trợ

LAN UYÊN 05/03/2015 09:25

Sau 4 tháng thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT (gọi tắt là Thông tư 30) quy định đánh giá học sinh tiểu học, bước đầu thể hiện tính ưu việt so với cách thức đánh giá học sinh trước đây.

  • Thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học: Làm sao vẹn toàn?
  • Thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học: Khó khả thi ở miền núi

Mỗi tuần, cô giáo Trương Thị Kim Tuyến dạy 23 tiết Âm nhạc cho 21 lớp học của Trường Tiểu học Nguyễn Hiền, TP.Tam Kỳ. Một mình giảng dạy 565 học sinh nên việc theo dõi, nhận xét, đánh giá từng em với những người dạy môn chuyên như cô không phải dễ dàng. Cô Tuyến nói: “Rất khó để nhận xét từng em. Nếu làm như vậy thì giáo viên không đủ thời gian để truyền đạt kiến thức mới cho học sinh”. Theo bà Nguyễn Thị Một, Hiệu phó Trường Tiểu học Nguyễn Hiền, khó khăn lớn nhất khi giáo viên thực hiện theo cách đánh giá mới là nội dung nhận xét bằng lời cũng như lời phê vào sổ của giáo viên như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất. Nội dung nhận xét không thể chung chung, sáo rỗng, lặp đi lặp lại mà phải sáng tạo và có tính động viên học sinh. Điều này đòi hỏi giáo viên phải dành nhiều thời gian, tâm huyết suốt quá trình theo dõi, phát hiện, nhận xét. Đây là vấn đề mà rất nhiều giáo viên trăn trở khi tiếp cận với thông tư này. Một vấn đề nữa xuất hiện trong quá trình thực hiện Thông tư 30 là phản ứng của phụ huynh học sinh. Nhiều người cho rằng việc đánh giá bằng nhận xét sẽ không có tính định lượng, phụ huynh sẽ rất khó theo dõi quá trình học tập và phát triển các kỹ năng của học sinh khi ở trường. Họ không biết con cái của mình học tập ở trường ra sao, có tiến bộ hay không và tiến bộ đến mức độ nào. Và nhiều ý kiến cho rằng, vì không có tính định lượng nên không tạo động lực để cho học sinh phấn đấu học tập.

Đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 cần bộ công cụ hỗ trợ.    Ảnh: Thanh Dũng
Đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 cần bộ công cụ hỗ trợ. Ảnh: Thanh Dũng

Tuy nhiên, qua thời gian, với việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh và nhiều giải pháp hỗ trợ cho giáo viên, phương pháp đánh giá học sinh theo Thông tư 30 đang dần dần thể hiện được tính ưu việt của mình so với phương pháp trước đây. Cô Lê Thị Xuân Thủy là giáo viên có thâm niên giảng dạy ở Trường Tiểu học Nguyễn Hiền. Theo cô Thủy, ưu điểm của phương pháp đánh giá này thể hiện ở nhiều mặt mà rõ nét là ở môn Tập làm văn. Trước đây có tình trạng phụ huynh thường làm giúp hoặc cho con em mình học văn mẫu để có điểm số cao. Phương pháp đánh giá mới chỉ nhận xét mức độ tiến bộ các em, không cần đến điểm số nên bây giờ các em tự do bày tỏ suy nghĩ của mình trong bài viết. Điều này phát huy khả năng suy nghĩ, sáng tạo của học sinh. Cô Thủy cho biết thêm: “Với phương pháp này, học sinh rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông đồng thời phụ huynh cùng tham gia nhận xét đánh giá con mình, qua đó cùng giáo dục học sinh với giáo viên theo phương châm giáo dục: kết hợp gia đình, nhà trường và xã hội. Nhiều học sinh đã có những tiến bộ ban đầu rất đáng phấn khởi sau một thời gian thực hiện”.

Em Nguyễn Trung Hiếu là học sinh khá rụt rè, sức học còn khá chậm trong lớp 3/1 Trường Tiểu học Nguyễn Hiền. Theo cô giáo chủ nhiệm của Trung Hiếu, thời gian gần đây với phương pháp học mới, đánh giá mới, Hiếu đã có rất nhiều tiến bộ, mạnh dạn trao đổi, tham gia nhận xét bạn bè trong tiết học. Hiếu cho biết: “Em thích những lời nhận xét của cô giáo hơn điểm số bởi nó động viên khích lệ tinh thần của em, tạo cho em sự tự tin để phấn đấu học tốt”.

Thạc sĩ Đinh Thị Ngàn Thương, Phó Trưởng khoa Tiểu học mầm non, Trường Đại học Quảng Nam là người nhiều năm giảng dạy học phần phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học sinh tiểu học. Trước đây cô từng tìm hiểu khá kỹ về vấn đề này qua đề tài nghiên cứu “Xây dựng bộ công cụ đánh giá kết quả học tập học sinh tiểu học”.  Theo thạc sĩ Ngàn Thương khi tìm hiểu về phương pháp đánh giá học sinh ở bậc tiểu học của nhiều nước trên thế giới cũng như một số trường tiểu học quốc tế ở Việt Nam thì từ lâu việc đánh giá học sinh bằng điểm số đã không còn sử dụng. Trăn trở của nhiều phụ huynh về việc đánh giá theo phương pháp mới không có tính định lượng, không tạo động lực cho học sinh phấn đấu, thạc sĩ Đinh Thị Ngàn Thương cho rằng, điểm số chỉ là động cơ học tập thứ cấp. Vấn đề quan trọng và cốt lõi là tạo động cơ học tập bên trong, làm cho các em cảm thấy cần phải phấn đấu học tập vì sự hứng thú, vì sự tiến bộ của chính mình. Cách đánh giá theo phương pháp mới giải quyết được vấn đề này. “Vấn đề hiện nay là giáo viên cần có những bộ công cụ hỗ trợ để đưa ra những nhận xét chính xác, thúc đẩy hơn nữa quá trình học tập của học sinh. Ví dụ: khi quan sát cần có mẫu phiếu để quan sát, khi nhận xét cần có mẫu thang xếp hạng… Những bộ công cụ này giúp giáo viên ghi chép lại quá trình theo dõi, quan sát và sẽ là căn cứ để đưa ra những đánh giá sát đúng” - thạc sĩ Đinh Thị Ngàn Thương nói.

LAN UYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần bộ công cụ hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO