(QNO) - Ngoài vai trò là cán bộ Huyện đoàn Núi Thành, anh Nguyễn Minh Nhựt (30 tuổi, trú khối phố 2, thị trấn Núi Thành) còn mở trại nuôi cá lóc trong bể lót bạc cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khi đã thành công với mô hình, anh nhân rộng cho thanh niên trên địa bàn cùng làm để phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Minh Nhựt với mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạc. Ảnh: THANH THẮNG |
Anh Nhựt kể, năm 2015, ngoài giờ làm việc anh thường xuyên tìm hiểu nhiều mô hình kinh tế tại địa phương. Sau một thời gian, anh quyết định đầu tư nuôi cá lóc trong bể lót bạc.
Tận dụng mảnh đất trống sau nhà, anh đầu tư xây dựng 3 bể nuôi với tổng diện tích 45m2 rồi lót bạc, mua cá lóc giống về thả nuôi. “Lúc mới nuôi tôi thấy hy vọng lắm! Lứa cá đầu tiên phát triển tốt, nhưng gần đến kỳ thu hoạch cá bỗng dưng chết nhiều nên tôi thua lỗ hơn 40 triệu đồng” - anh Nhựt kể.
Thất bại ngay ở lứa cá đầu tiên nhưng không nản chí, anh tiếp tục xử lý vệ sinh hồ lót bạc rồi đầu tư mua cá lóc giống về thả nuôi. Để có phương pháp nuôi tiến bộ hơn, anh học hỏi kỹ thuật từ nhiều người và tìm hiểu trên mạng internet. Đồng thời tự nhìn lại phương pháp nuôi cá đợt đầu tiên để đề ra quy trình nuôi mới, giúp cá lóc phát triển tốt hơn. Nhờ vậy ở lứa cá thứ 2, chỉ sau 7 tháng nuôi anh thu được 8 tấn cá lóc thương phẩm và lãi hơn 150 triệu đồng.
“Đối với nuôi cá lóc trong bể lót bạc, người nuôi phải chú ý đến nhiều khâu và nhiều công đoạn. Cụ thể như khi chọn vị trí đặt hồ nuôi, phải tìm nguồn nước thật sạch cho cá dễ phát triển; khi chọn giống phải chọn giống cá dài vì loại này sinh trưởng nhanh, cho năng suất cao; cho cá ăn phải chia ra nhiều đợt. Điều quan trọng hơn là phải thay nước ít nhất 2 lần trong ngày…” - anh Nhựt chia sẻ.
Đầu năm 2018, sau khi thành công với mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạc, anh Nhựt triển khai mô hình liên kết nuôi cá lóc thương phẩm cùng 1 thanh niên và 2 nông dân trên địa bàn huyện Núi Thành. Theo anh Nhựt, ban đầu anh liên kết, cung ứng con giống cho người dân địa phương; sau đó sẽ thu mua lại cá thương phẩm và sẵn sàng tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm.
“Cái khó nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ của cá lóc thương phẩm. Cá lóc sau khi nuôi lớn, chỉ xuất bán cho thương lái một lần với mức giá trung bình, chưa nâng cao được giá sản phẩm. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng kết nối và đưa cá lóc vào các thị trường khác ổn định hơn” - anh Nhựt nói. Hiện anh Nhựt liên kết với 8 thanh niên khác trong địa bàn huyện tiếp tục mở rộng hồ nuôi để phát triển cá thương phẩm, giúp thanh niên địa phương phát triển kinh tế.
THANNH THẮNG