Công tác luân chuyển cán bộ để giữ các chức danh lãnh đạo, chủ chốt ở địa phương, cơ quan, đơn vị đã tạo điều kiện cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có triển vọng được rèn luyện, cọ xát thực tiễn; góp phần bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận của tỉnh.
Về địa bàn khó khăn
Tháng 7.2020, ông Trần Công Hiệu - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Núi Thành được Ban Thường vụ Huyện ủy Núi Thành luân chuyển về giữ chức Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tam Sơn.
Ở thời điểm ấy, Đảng bộ xã Tam Sơn đã hoàn thành đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, song vẫn gặp nhiều khó khăn về công tác cán bộ. Nhân sự dự kiến cơ cấu Bí thư Đảng ủy xã và Chủ tịch UBND xã không trúng Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tam Sơn; bộ máy chủ chốt của xã chỉ có 1 Phó Chủ tịch HĐND, các chức danh chủ chốt khác chưa bầu được. Nhận nhiệm vụ, ông Hiệu dành thời gian đi thực tế nắm bắt tình hình cơ sở, tham khảo ý kiến của cán bộ tiền nhiệm vừa nghỉ hưu, cán bộ chủ chốt ở các thôn.
Từ đó, với trách nhiệm người đứng đầu, ông Hiệu cùng tập thể cấp ủy xã bắt tay “xốc” lại công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rà soát lại công tác cán bộ, xin ý kiến bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý và tiến hành bầu bổ sung chức danh chủ chốt theo đúng quy trình, củng cố các chức danh công chức, người hoạt động không chuyên trách và cán bộ thôn.
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ sau ngày 12.8.2016, công tác luân chuyển, điều động cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được quan tâm, tăng cường. Đến nay, trong tổng số 30 đồng chí được luân chuyển, điều động giữa tỉnh và huyện, có 8 đồng chí lần đầu tham gia Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Từ tháng 10.2020 đến nay, bộ máy cán bộ của xã Tam Sơn cơ bản được củng cố, kiện toàn, đảm bảo sự ổn định, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện Tam Sơn chuẩn bị đón nhận quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của UBND tỉnh là minh chứng cho sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc củng cố khối đại đoàn kết thống nhất, chung tay vì phong trào phát triển địa phương.
“Trước yêu cầu về công tác cán bộ và bản thân còn trẻ (năm nay tròn 40 tuổi) cũng muốn đổi mới môi trường làm việc, cọ xát với thực tiễn cơ sở, nhất là ở địa bàn khó khăn, vậy nên được Ban Thường vụ Huyện ủy Núi Thành “thăm dò” tôi liền nhận nhiệm vụ. Tôi đã kinh qua nhiều vị trí công việc, có kinh nghiệm về công tác đảng khi làm bí thư chi bộ cơ quan, nên kịp thời nắm bắt và tiếp cận nhanh tình hình thực tiễn tại địa phương” - ông Hiệu chia sẻ.
Đảm bảo cân đối, hài hòa
Từ năm 2017 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Núi Thành luân chuyển 5 cán bộ về đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND xã, thị trấn; luân chuyển ngang giữa khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội 7 trường hợp.
Theo ông Bùi Văn Hoàng - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Núi Thành, công tác luân chuyển cán bộ được Ban Thường vụ Huyện ủy triển khai thực hiện từng bước, thận trọng, không làm tràn lan, chạy theo số lượng, đảm bảo yêu cầu ổn định và phát triển.
Có những cán bộ luân chuyển về địa phương, đơn vị nơi phong trào yếu, thậm chí mất đoàn kết nội bộ đã nhanh chóng cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn, củng cố, xây dựng phong trào, từng bước ổn định và phát triển, được cán bộ, đảng viên, nhân dân tín nhiệm, ủng hộ.
Ông Trần Quốc Trí - Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hiệp Đức cho biết, nhằm tạo sự đột phá trong công tác cán bộ, ngay năm đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hiệp Đức đẩy mạnh luân chuyển cán bộ trẻ, cán bộ có triển vọng phát triển về xã, thị trấn công tác để cọ xát, rèn luyện.
Theo lộ trình đề ra, năm 2021 huyện đã luân chuyển 2 cán bộ, công chức về đảm nhiệm chức danh bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã/thị trấn. Cán bộ luân chuyển bước đầu đã khắc phục khó khăn, tích cực phấn đấu rèn luyện, tiếp cận với điều kiện môi trường làm việc mới, phát huy năng lực bản thân, được cán bộ, công chức, đảng viên nơi luân chuyển đến tín nhiệm cao.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín nói, công tác điều động, luân chuyển cán bộ đã góp phần tạo sự đổi mới, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ của tỉnh.
Tập trung làm tốt công tác này là một trong những giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ theo Nghị quyết 20 của Tỉnh ủy (khóa XXII).
Công tác luân chuyển được yêu cầu phải kết hợp chặt chẽ với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ; bảo đảm cân đối, hài hòa giữa điều động, luân chuyển cán bộ với phát triển nguồn cán bộ tại chỗ; giữa ngang và dọc; tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp; khắc phục tình trạng khép kín trong công tác cán bộ.
“Thực hiện có hiệu quả chủ trương điều động, luân chuyển để cán bộ đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, nhất là đối với các đồng chí được phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp trên nhưng chưa kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới nhằm đáp ứng yêu cầu kiện toàn, củng cố các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với việc thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương; chuẩn bị thật tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp cho các nhiệm kỳ tiếp theo” - ông Nguyễn Chín nhấn mạnh.