Cán bộ gần dân

VINH ANH 08/11/2016 08:07

“Làm thế nào để Mặt trận cấp huyện đáp ứng các yêu cầu trên?”. Câu chuyện này đã được đặt ra trong cuộc làm việc của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Mặt trận 7 tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng.

Rất khó để kiêm nhiệm

Hiện nay, ở một số địa phương áp dụng mô hình Trưởng ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mặt trận được giao nhiều chức năng và nhiệm vụ mới thì mô hình này liệu có phát huy hiệu quả hoạt động?

Bà Nguyễn Thị Lệ Thúy - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ, năm đầu tiên được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm đã gặp rất nhiều khó khăn, xảy ra nhiều vướng mắc, sai sót trong hoạt động của cả hai bên. Sau đó, dù Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Phổ ban hành văn bản quy định Trưởng ban Dân vận Huyện ủy vừa là Chủ tịch Ủy ban MTTQ chứ không còn kiêm nhiệm như trước, nhưng do khối lượng công việc lớn, trong khi một mình phải “diễn 2 vai” nên hiệu quả không cao. “Qua 4 năm thực hiện, tuy là giảm được một biên chế nhưng bản thân người đảm nhận công việc đó phải cố gắng rất nhiều mới làm được việc. Tôi ngày nào cũng phải “phân thân” để làm tròn 2 vai diễn, rất vất vả” - bà Thúy chia sẻ.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đơn vị ký kết Chương trình phối hợp tiếp công dân, giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo... Ảnh: VINH ANH
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đơn vị ký kết Chương trình phối hợp tiếp công dân, giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo... Ảnh: VINH ANH

Cũng theo bà Thúy, nhìn bề ngoài có vẻ như nhiệm vụ của Dân vận mà Mặt trận có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, nhưng khi triển khai thì khác nhau hoàn toàn. Một bên là cơ quan tham mưu giúp việc cho cấp ủy, người chịu trách nhiệm cuối cùng là cấp ủy đảng chứ không phải là cơ quan tham mưu giúp việc. Còn Mặt trận là tổ chức đứng độc lập, chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của mình và thực hiện theo luật, điều lệ. “Về mặt tư duy, tôi thấy có lúc việc Mặt trận và Dân vận cứ lẫn lộn nhau. Nhưng đó là sự lẫn lộn nguy hiểm. Bởi vì 2 bên khác nhau. Như vậy thì một người thì không thể như diễn viên 2 vai. Người ngoài không thấy được cái khó nhưng tôi làm thì thấy khó. Mô hình này có thể áp dụng với những địa phương có địa bàn hẹp chứ rộng như Đức Phổ thì rất khó khăn” - bà Thúy nói.

Thiên về kỹ năng

Tham gia ý kiến thảo luận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam Võ Xuân Ca nói: “Nếu hỏi biên chế của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện ở Quảng Nam đã hợp lý chưa, thì theo tôi là chưa. Nhưng cái khó ở chỗ là chúng ta đang phải giải bài toán ngược: biên chế không tăng nhưng nhiệm vụ tăng”. Chia sẻ về mô hình tổ chức, hoạt động, ông Võ Xuân Ca cho biết, tại Quảng Nam, khối Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp huyện đều chung trụ sở, chung kế toán, thủ quỹ, lái xe, bảo vệ... Mô hình vậy là khá hợp lý vì tiết kiệm được biên chế, đồng thời tận dụng triệt để cán bộ trong diện biên chế cho nhiệm vụ phục vụ nhân dân, cơ sở. “Nói việc biên chế cán bộ Mặt trận, đoàn thể hiện nay nhiều hay ít, theo tôi chừng đó không nhiều. Nếu mình làm việc cần cù, làm hết chức năng, nhiệm vụ được phân công thì chừng đó biên chế là ít” - ông Võ Xuân Ca nhận định.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Mặt trận nói chung, đối với cấp huyện nói riêng là nhằm phát huy tốt vai trò của Mặt trận, đoàn thể, để “Đảng tin, dân tin, chính quyền tôn trọng”. Mấu chốt vẫn là nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ. Người làm công tác Mặt trận khác với cán bộ hành chính. Cán bộ Mặt trận thiên về kỹ năng và phải dành phần lớn thời gian gắn chặt với cơ sở, chứ không phải là cách làm việc văn phòng, trao đổi bằng văn bản, giấy tờ. Trong khi đó, lâu nay cán bộ Mặt trận chỉ chủ yếu được tập huấn nghiệp vụ, còn kỹ năng chưa được chú trọng. Chưa bồi dưỡng được kỹ năng làm Mặt trận, đoàn thể thì đừng hỏi vì sao chưa có đội ngũ cán bộ tốt. Đảng thì có lớp kỹ năng kiểm tra, kỹ năng dân vận, kỹ năng tổ chức…, còn Mặt trận không có lớp kỹ năng nào cả, cũng chẳng có giáo trình chuyên sâu. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thúy, muốn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận phải bắt nguồn từ công tác cán bộ. Ngoài sự quan tâm từ cấp ủy, chính quyền, bản thân người làm công tác Mặt trận phải tự khẳng định mình, phải mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, tự đổi mới, phải có trình độ, năng lực, kỹ năng, tâm huyết và phải có bản lĩnh. Cán bộ Mặt trận mà không dám nói thì làm sao dân tin, và phải nói những điều gì mà dân cần, không phải sợ mất lòng cấp ủy, chính quyền.

VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cán bộ gần dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO