Cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong phòng chống tham nhũng, lãng phí

B.T 25/04/2017 08:58

Tỉnh ủy vừa ban hành Nghị quyết số 10/NQ-TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021. Theo đánh giá của Tỉnh ủy, trong những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh tuy đạt những kết quả nhất định, song còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp.

Trong số 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí mà Nghị quyết số 10/NQ-TU đề ra, Tỉnh ủy nhấn mạnh đến việc tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Đặc biệt, nâng cao vai trò trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Theo đó, Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu phải xác định công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Phải gắn công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Cũng theo nghị quyết, bí thư cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; phải gương mẫu, quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí; lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là đối với các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; biết lắng nghe, tiếp thu và giải quyết có hiệu quả các ý kiến phản ánh về những tiêu cực, hạn chế, yếu kém do cán bộ, công chức, viên chức của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra nội bộ, phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, lãng phí. Cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt văn hóa công vụ; gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng, lãng phí theo phương châm “Đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ càng giữ chức vụ cao càng phải gương mẫu”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải cam kết bằng văn bản với chi bộ, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị mình về việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không tham nhũng, lãng phí.

Nghị quyết của Tỉnh ủy cũng đã đề ra các giải pháp về tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ để phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ. Trong đó, người đứng đầu thực hiện trách nhiệm trong việc tạm đình chỉ công tác của cán bộ dưới quyền để kiểm điểm, xác minh, kết luận khi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm quy định việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí và triển khai có hiệu quả chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương... Đồng thời khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ; kiên quyết không đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu tái cử những cán bộ, đảng viên bị xử lý về tham nhũng, lãng phí hoặc bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí. Xem xét, xử lý trách nhiệm người giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đã có hành vi tham nhũng, bao che hành vi tham nhũng...

Ngoài ra, Nghị quyết số 10/NQ-TU đặt ra nhiều yêu cầu đối với các vấn đề liên quan đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai quy trình, thủ tục hành chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức tiêu cực, nhũng nhiễu. Các cơ quan nội chính phối hợp giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát của HĐND, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và của nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, cũng như tiếp nhận và giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí, qua đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí.

B.T

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong phòng chống tham nhũng, lãng phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO