Cán bộ khuyến nông truyền nghề

12/12/2012 01:20

Những khóa đào tạo nghề do cán bộ của Trung tâm Khuyến nông - khuyến lâm (KNKL) tỉnh giảng dạy thường thu hút đông đảo bà con nông dân đăng ký học bởi phương pháp truyền đạt dễ hiểu, hiệu quả…

alt
Nông dân học trồng rau sạch ngay trên ruộng rau.

Dạy nghề theo nhu cầu

Khi đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai trong toàn tỉnh, Trung tâm KNKL tỉnh cũng nhận ngay nhiệm vụ mới là đào tạo nghề nông nghiệp cho bà con nông dân. Trước đây, cán bộ KNKL từng tiếp cận với công việc này thông qua các lớp tập huấn về cây, con giống cho bà con nông dân. Nhưng để trở thành những người thầy thực thụ, đào tạo cho nông dân một cách bài bản, cấp chứng chỉ sau khóa học đòi hỏi họ phải có những bước chuyển đáng kể. Những cán bộ đã có bằng kỹ sư chuyên môn phải đi học thêm khóa đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để đủ điều kiện đứng lớp. Nhờ vậy từ năm 2010 đến nay, Trung tâm KNKL đã có được 70 kỹ sư nhận thêm nhiệm vụ và trở thành giảng viên dạy nghề.

Ông Trần Văn Tương, Giám đốc Trung tâm KNKL tỉnh, cho biết: “Năm 2010 và 2011, Trung tâm KNKL đã mở được 12 lớp đào tạo nghề cho nông dân, với 360 người theo học và tốt nghiệp đạt 100%. Trong năm 2012, trung tâm mở 9 lớp để dạy chuyển tiếp sang năm sau do kinh phí phân bổ quá trễ. Trên cơ sở đã làm việc trước với địa phương, trung tâm lựa chọn dạy những nghề mà bà con đăng ký nhiều như chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, trồng rau an toàn”. Ông Tương cho biết thêm, để đảm bảo bà con yên tâm đi học và không bỏ học giữa chừng, cán bộ của trung tâm sẽ phối hợp với hội đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, vận động bà con đăng ký học nghề phù hợp với hoàn cảnh kinh kế cũng như nhu cầu. Đến lúc khai giảng lớp học, cán bộ KNKL giải thích cụ thể chương trình, thời gian học, cách dạy... Sau đó yêu cầu bà con xác nhận có muốn học nghề đã đăng ký hay không, cách dạy và học như vậy có phù hợp không? Trong quá trình học, bà con cũng phải làm bài kiểm tra cả lý thuyết và thực hành, phải thi và đảm bảo đủ tiết học mới được cấp chứng chỉ. Nhờ vậy tất cả 12 lớp học đã được Trung tâm KNKL dạy ở các địa phương đều đạt 100% nông dân theo học có chứng chỉ nghề.

Chuyên sâu vào thực hành

Mục đích của Trung tâm KNKL tỉnh là 90% người sau khi học nghề phải có việc làm hoặc tăng thu nhập dựa trên việc họ đang làm. Chính vì thế, cách dạy của cán bộ KNKL là chỉ 3 phần lý thuyết 7 phần thực hành. Và dạy dựa trên mô hình của học viên đã có hoặc trung tâm cấp cây, con giống cho học viên xây dựng mới một mô hình để học, vừa học lý thuyết vừa thực hành. Học viên được tham quan những mô hình trong tỉnh để học hỏi kinh nghiệm.

alt
Nông dân tham quan và học cách nuôi gà an toàn sinh học.

Theo nhận xét của các học viên đã tham gia các khóa học do trung tâm tổ chức trong năm 2010 ở Tam Phước (Phú Ninh), cách dạy như trên rất dễ hiểu, ứng dụng ngay sau khi học trên mảnh vườn hoặc ao cá tại nhà. Khi nông dân học nuôi gà thì được truyền thụ kinh nghiệm từ những người chuyên nuôi gà ở Chi hội Chăn nuôi gà thả vườn xã Duy Châu (Duy Xuyên). Học viên học trồng rau an toàn được đến vùng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) và vùng rau Đại Hòa (Đại Lộc). Hoặc khi dạy nghề nuôi trồng thủy sản, trung tâm cho học viên đến học hỏi kinh nghiệm tại vùng nuôi thủy sản tập trung xã Điện Hòa (Điện Bàn). Theo ông Tương, với cách dạy này, chi phí cho một lớp học tốn kém hơn nhiều nhưng rất hiệu quả. Bởi người nông dân được thực hành trực tiếp sẽ nhớ lâu và hiệu quả cao hơn khi bắt tay vào sản xuất.

Nuôi gà, heo, bò hoặc trồng lúa, trồng rau đối với người nông dân là việc làm chính diễn ra hằng ngày. Nhưng không phải vì thế mà cách họ làm đúng với kỹ thuật. Nông dân Phan Văn Hòa (xã Tam Phước, Phú Ninh), nói: “Quả thật, trước khi học tôi cũng nghĩ đơn giản, nuôi gà có chi mà phải đi học. Nhưng học rồi mới thấy có nhiều cái hay, biết giống gà đó tốt hay xấu, gà con khỏe hay yếu, thị trường có chuộng hay không. Chọn thức ăn cũng phải đảm bảo chất lượng, biết cách phòng tránh để gà không bị dịch bệnh, cách tạo ra con giống đạt chất lượng”. Sau các khóa học, Trung tâm KNKL tỉnh thường xuyên giữ mối liên hệ với các địa phương để theo dõi tình hình việc làm và thu nhập của học viên sau tốt nghiệp. Thực tế đã chứng minh cách truyền nghề hiệu quả của các cán bộ KNKL, khi có đến 90% học viên phát huy hiệu quả của việc học nghề, nhân rộng việc nuôi gia súc, gia cầm cho hiệu quả cao, trồng rau sạch cung cấp cho thị trường, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

HOÀNG LINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cán bộ khuyến nông truyền nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO