Tây Giang là một huyện có đến 8 xã biên giới giáp ranh với các cụm bản của 2 huyện Kà Lừm, Đắc Chưng của nước bạn Lào. Để thuận lợi trong giao tiếp, huyện Tây Giang đã mở lớp dạy học tiếng Lào cho cán bộ, công chức. Đây là lớp học đầu tiên được tổ chức trên địa bàn huyện Tây Giang.
UBND huyện Tây Giang khai giảng lớp học tiếng Lào. Ảnh: H.THÚY |
Lớp học đầu tiên
Những ngày đầu tháng 9, cán bộ, công chức huyện Tây Giang khéo sắp xếp công việc một cách hợp lý để tranh thủ thời gian tham gia lớp học tiếng Lào. Chẳng hẹn mà lên, cứ thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, lớp học tiếng Lào lại nhộn nhịp, ai cũng bắt đầu với công việc viết và đọc tiếng Lào. Lớp học tiếng Lào dành cho 40 cán bộ các xã, ban, ngành của huyện. Phần lớn học viên lớp tiếng Lào đã hơn 35 tuổi, một số học viên tóc đã lấm tấm sợi bạc. Họ vừa học, vừa viết, vừa đánh vần hết sức nghiêm túc, bài vở ghi chép khá tỉ mỉ rõ ràng. Các học viên viết chữ tương đối đúng, dịch câu khá thoáng ý và giọng đọc mặc dù vẫn còn mang âm sắc lơ lớ nhưng có thể nghe và hiểu được. Đây là lớp học đầu tiên được mở tại địa bàn huyện Tây Giang, vì thế các học viên ai cũng tranh thủ và tham gia học rất nhiệt tình, phần lớn các học viên là những cán bộ công chức cấp xã thường xuyên giao tiếp với người Lào nên có sự tiếp thu khá nhanh nhưng họ vẫn tham gia học để nắm và hiểu rõ hơn về ngôn ngữ này.
Qua trò chuyện với một số anh chị học viên trong lớp, họ cho biết: “Chúng tôi quyết tâm học tiếng Lào để có thể viết được, nói được và nghe được nhằm giao tiếp với đồng bào người Lào”. Anh Ríah Nhoóp - Bí thư Đảng ủy xã Gari, nói: “Tôi thấy lớp học tiếng Lào rất quan trọng đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng giáp biên. Chính vì vậy, chúng tôi học để giao tiếp được với các bạn Lào, đặc biệt là với người dân ở các cụm bản nước bạn Lào. Chúng tôi muốn trang bị kiến thức để có trách nhiệm bảo vệ được chủ quyền an ninh biên giới, trong đó giao tiếp tiếng Lào là cái quan trọng nhất. Trong quá trình học tập chúng tôi cố gắng học thật tốt để hoàn thành trách nhiệm được giao”. Lớp học tiếng Lào giao tiếp kéo dài trong 6 tháng, do giáo viên Trường Đại học Quảng Nam giảng dạy, giúp học viên nghe, hiểu và giao tiếp được bằng tiếng Lào, nắm bắt những kiến thức cơ bản trong việc trao đổi hàng hóa, qua lại thăm thân, khám chữa bệnh, giao lưu văn hóa. Đồng thời lớp học cũng trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan ở huyện Tây Giang về kỹ năng giao tiếp với cán bộ, nhân dân Lào ở 2 huyện Kà Lừm và Đắc Chưng.
Xây dựng vùng biên đoàn kết
Anh Nguyễn Tâm Hiếu - Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện, là học viên lớp học tiếng Lào cho biết: “Việc mở lớp dạy tiếng Lào tại huyện Tây Giang có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì huyện có đường biên dài tiếp giáp với 2 huyện Kà Lừm và Đắc Chưng. Trong quá trình thực hiện công tác ngoại giao, có những vấn đề cần trao đổi về giao thương, trao đổi hàng hóa cũng như qua lại để trao đổi thông tin giữa hai bên, biết tiếng Lào sẽ hết thuận lợi trong giao tiếp”. Học viên chăm chỉ, quyết tâm cao làm cho thầy giáo đứng lớp cũng thêm phần hứng khởi trong mỗi bài giảng của mình. Thạc sĩ Phạm Đình Tường - giảng viên Trường Đại học Quảng Nam, người đứng lớp dạy tiếng Lào tại huyện Tây Giang bày tỏ: “Được dạy tiếng Lào cho cán bộ huyện Tây Giang là một niềm vui lớn của tôi. Với mong muốn giúp cho các học viên có thể học nhanh, giao tiếp được với người Lào, tôi luôn cố gắng chuẩn bị kỹ giáo án khi lên lớp. Mỗi học viên cũng cần quyết tâm học để đạt được mục tiêu là nghe, nói, viết chữ Lào. Ngoài thời gian học trên lớp, các học viên cần tìm hiểu thêm tài liệu để bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng nói, viết chữ Lào”.
Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, rất tâm huyết với việc mở lớp dạy tiếng Lào. Ông cho biết: “Lớp học tiếng Lào với phương thức chủ yếu giao tiếp, trao đổi công việc giữa cán bộ công chức của huyện với cán bộ và nhân dân nước bạn ở 2 huyện Kà Lừm và Đắc Chưng. Một số cơ quan, đơn vị có liên quan và các đồng chí lãnh đạo xã có chung đường biên giới với nước bạn Lào, học lớp tiếng Lào là hết sức cần thiết. Mục đích lớp học là để trang bị ngoại ngữ bằng hình thức giao tiếp, đồng thời để trao đổi công việc, xử lý được công việc tại chỗ với cán bộ các huyện bạn cũng như nhân dân Lào ở các cụm bản. Qua đó, tạo mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân hai bên biên giới, nhằm hiểu nhau hơn và giúp nhau phát triển kinh tế xã hội ở vùng biên”. Lớp học tiếng Lào được tổ chức đầu tiên trên địa bàn huyện Tây Giang đã giúp cho cán bộ ở các xã biên giới và cán bộ ở các cơ quan, ban ngành của huyện thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Đó là góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa huyện Tây Giang với 2 huyện Kà Lừm và Đắc Chưng, tuyên truyền, vận động nhân dân hai bên biên giới giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, giao lưu, trao đổi hàng hóa, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
HIỀN THÚY