Cán bộ thôn

C.B.L 17/08/2018 02:34

Bạn chung lớp với tôi làm trưởng thôn. Ngày bạn bè gặp mặt, sau nhiều cuộc điện thoại, bạn đến với vẻ miễn cưỡng. Đưa cánh tay phải ôm cánh tay trái đang teo tóp, bất động, bạn phân bua rằng dạo này bận rộn với công việc của địa phương. Bạn từng tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, vừa được nhận vào một cơ quan nhà nước thì vụ tai nạn giao thông ập đến. Trong nhiều vết thương cần cấp cứu, chữa trị lúc đó, thì tình trạng bất động của cánh tay trong gần một tuần không được chú ý đến, nên việc chữa trị đã quá muộn màng. Thật xót ra, cánh tay bất động đã vô tình khép lại những mơ ước “đi ra” khỏi làng quê của bạn tôi!

Sau gần 10 năm gắn bó với công tác địa phương, bạn nói vui rằng mình có những trải nghiệm trong công việc thú vị còn hơn cả nhà báo. Gay cấn nhất là những lần hòa giải mâu thuẫn vợ chồng, làng xóm, rồi phân phát quà cáp, vận động nhân dân thực hiện các phong trào... Cán bộ thôn là “cái rốn” của nhiều công việc được áp từ trên xuống, lằng nhằng từ dưới lên, không tên và có tên, phức tạp như chính đời sống sôi động của địa phương. Ví dụ như ở vùng bãi ngang ven biển này, theo hương ước, việc tang ma phải do ban nhân dân thôn tổ chức, cán bộ thôn phải lo nhiều khâu, kỹ lưỡng từ chút một bởi không dễ hời hợt với nghi lễ quan trọng này, nên trong thôn có người qua đời là tất bật. Rồi đám đình, tiệc tùng, giỗ chạp..., thậm chí có người làm từ thiện vài ba trăm nghìn ở địa phương, trưởng thôn cũng phải có mặt. Có lẽ do nhiều việc quá nên cuộc bầu cử trưởng thôn vừa rồi, nhiều địa phương vẫn không tìm ra nhân sự, đảng ủy xã phải phân công người về, hoặc phải bầu những người được cho là thiếu tâm huyết.

Nhưng công việc chỉ là một phần nguyên nhân, cái chính là phụ cấp cho trưởng thôn hiện vẫn còn quá thấp. Sau nhiều lần “ăn theo” chính sách cải cách tiền lương, hiện mức phụ cấp cho mỗi thôn trưởng chỉ là 975 nghìn đồng/tháng. Chính sách cải cách tiền lương được nhìn nhận là những nỗ lực của Nhà nước trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, bộ máy ăn lương vẫn còn cồng kềnh, phương án phân phối vẫn còn bất cập... Theo thống kê, hiện cả nước có 11 triệu người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó có 265.000 biên chế công chức. Mới đây, Kiểm toán Nhà nước cho biết, hiện có hơn 57.000 biên chế dư thừa trong các cơ quan nhà nước, nhưng việc tinh giảm bộ máy vẫn còn khó khăn. Cái khó “tế nhị” nhất là làm sao xác định được cán bộ nào dư thừa để tinh giản, bởi công việc trong cơ quan nhà nước hình như không dễ thấy hoặc không cụ thể như công việc của một trưởng thôn? Đã vậy, trưởng thôn còn có nguy cơ mất việc cao trong xu hướng sáp nhập các địa phương và lộ trình xây dựng trưởng thôn phải là đảng viên.

Chính sách cải cách tiền lương đang tác động trực tiếp đến mức phụ cấp của các trưởng thôn, quả là điều đáng mừng. Nhưng nghịch lý là trong khi nhiều cán bộ thừa nhận hiện không thể sống nổi bằng lương mà chủ yếu bằng phụ cấp thì phụ cấp của trưởng thôn lại không bằng mức lương cơ sở. Vậy nên, trưởng thôn như bạn tôi trong thời buổi này vẫn là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”!

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cán bộ thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO